20/11/2021 10:25
Đường qua ấp Ba Cụm, xã Ngọc Biên huyện Trà Cú. |
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Một trong những khó khăn lớn của Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ là hơn 90% dân số mù chữ.
Ngày 03/9/1945 (một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập), tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” cần phải thực hiện ngay, trong đó nhiệm vụ thứ hai là “phải mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” cho Nhân dân bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Để triển khai thực hiện việc cấp bách phải làm ngay trên, ngày 08/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký quyết định thành lập Nha Bình dân học vụ. Thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời, ông Võ Nguyên Giáp (lúc này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) ký ban hành 03 Sắc lệnh: số 17/SL, số 19/SL và số 20/SL, nội dung 03 sắc lệnh nêu rõ: Đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam; trong thời gian 6 tháng, trên cả nước Việt Nam sẽ thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; trong khi chờ đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ Quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Trong thời gian một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thi hành các Sắc lệnh trong phong trào bình dân học vụ, tháng 8/1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ quyết định thành lập Sở Giáo dục Nam Bộ do Giáo sư Nguyễn Văn Chì giữ chức Giám đốc.
Sở Giáo dục Nam Bộ được thành lập, có 10 cán bộ giáo viên đang công tác ở Ban Văn hóa - Xã hội Nam Bộ chuyển sang. Sở Giáo dục Nam Bộ vận động được một số nhà giáo ở vùng giặc chiếm đóng vào chiến khu tham gia xây dựng một nền giáo dục mới. Ban Bình dân học vụ thuộc Sở, được kiện toàn thành Phòng Bình dân học vụ, Nhà giáo Nguyễn Hậu Lạc được bổ nhiệm làm chủ sự Phòng Bình dân học vụ thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ.
Cơ quan Sở Giáo dục Nam Bộ ra đời ở vùng căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười, sau đó chuyển dần về miền Tây Nam Bộ và từng bước xây dựng các bộ phận hợp thành như: Văn phòng Sở, các phòng chuyên môn và khối trường học trực thuộc. Các đồng chí trong ban lãnh đạo Sở gồm có: Lê Văn Chí (Mười Chí), Nguyễn Văn Chì (Sáu Chì), Đặng Minh Trứ, Tiến sĩ Toán học Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị (Ba Nhị).
Sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo, Phòng Bình dân học vụ thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ tổ chức mở các lớp huấn luyện giáo viên và cán bộ Bình dân học vụ cho toàn vùng. Hai lớp đầu tiên được mở với có 174 học viên được đào tạo. Cụ thể: Lớp thứ nhất mở tại Rạch Mít (Chợ Lớn) đào tạo 54 giáo viên các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Lớp thứ hai mở tại huyện (lúc này gọi là quận) Trà Cú (Trà Vinh) đào tạo 120 giáo viên của các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ.
Cũng trong lúc này, Tỉnh ủy Trà Vinh về Trà Cú xây dựng căn cứ, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 68 và Nghị quyết số 15 của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam Bộ về tạm cấp ruộng đất cho nông dân. Trường Quân chính Khu 8 về vùng Tập Sơn, Hàm Giang, mở nhiều khóa, đào tạo hàng trăm cán bộ quân sự, chính trị cho lực lượng vũ trang các tỉnh trong Khu 8.
Được sự giúp đở của Quận ủy Trà Cú, Nhân dân Việt - Khmer - Hoa quận Trà Cú hết lòng chăm sóc, giúp đỡ cơ quan Tỉnh ủy, Trường Quân chính vá các đơn vị vũ trang của Quân khu 8, Trường huấn luyện giáo viên của Sở Giáo dục Nam Bộ bằng những “hũ gạo nuôi quân”, “con gà kháng chiến”, đậm tình đồng chí, thắm nghĩa đồng bào.
Nhờ có đội ngũ cán bộ lãnh đạo và tập thể nhà giáo tận tâm, yêu nghề, giàu nhiệt huyết được đào tạo từ hai “chiếc nôi” đầu tiên của Phòng Bình dân học vụ - Sở Giáo dục Nam Bộ, mà ở Nam Bộ lúc bấy giờ dấy lên sôi nổi phong trào thi đua sản xuất và Bình dân học vụ. Phong trào nhận được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhiều mạnh thường quân đã ủng hộ số tiền lớn để in hàng ngàn quyển vần quốc ngữ, mua giấy, bút, mực cho học viên bình dân học vụ.
Trong điều kiện chiến tranh gian khổ và khắc nghiệt, trường lớp bị giặc càn quét, đốt phá nhưng thầy, trò các lớp bình dân học vụ vẫn dạy và học. Những người lớn ban ngày đánh giặc, ban đêm đốt đuốc đi học cùng con cháu. Những ngày này, đâu đâu ở Nam Bộ cũng vang lên bi bô lời đánh vần, học Bình dân học vụ. Trong năm 1948, toàn Nam Bộ có 6 xã được công nhận hoàn thành xóa nạn mù chữ. Năm 1949, có thêm 14 xã của tỉnh Biên Hòa thanh toán mù chữ.
Phong trào bình dân học vụ phát triển rộng rãi, Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Trà Vinh thành lập Trường Chim Việt, chiêu tập 140 em thiếu niên khắp tỉnh Trà Vinh về vùng Cái Đôi, làng Long Vĩnh, quận Trà Cú để mở lớp. Trường Chim Việt được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Xứ ủy Nam kỳ phân công đồng chí Huỳnh Văn Hợi (Năm Hợi), cán bộ Xứ Đoàn Nam Kỳ về giữ chức Hiệu trưởng Trường Chim Việt.
Điều đặc biệt của phong trào bình dân học vụ ở Nam Bộ là trong điều kiện khó khăn, đầu năm 1949, Ty Giáo dục tỉnh Trà Vinh mở lớp bổ túc cho nam, nữ thanh niên, cán bộ trẻ; trường lấy tên là Trường Đỗ Văn Nại đặt tại vùng căn cứ kháng chiến huyện (lúc này quận đổi thành huyện) Càng Long. Thầy Phạm Văn Minh và Võ Văn Tây vừa là Ban giám hiệu, vừa là giáo viên; chương trình học tập do các thầy tự soạn. Trường chỉ dạy hai lớp: lớp nhì và lớp nhất; mỗi lớp học trong 06 tháng và có khoảng 40 học sinh. Trường Đỗ Văn Nại tồn tại được 03 năm (1949-1952)(*).
Vừa kháng chiến, vừa dạy vừa học trong điều kiện gian khổ, khó khăn và thiếu thốn, nhưng tính đến cuối năm 1950, toàn Nam Bộ đã có 800.000 người ở 112 xã trong vùng giải phóng được xóa mù (đạt khoảng 50% số người mù chữ). Nhiều đồng bào các dân tộc ít người ở các tỉnh như Chợ Lớn, Biên Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu... được thanh toán nạn mù chữ.
Hội nghị giáo dục toàn Nam Bộ (tháng 8/1952) tại xã Tân Đức, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã biểu dương và trao Giấy khen của Sở Giáo dục Nam Bộ cho 18 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 2 Bằng khen của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ cho 2 chiến sĩ thi đua xóa mù chữ cấp Nam Bộ.
Tính đến năm 1954, ở Nam Bộ có 03 triệu người dân thoát nạn mù chữ, trong phong trào bình dân học vụ, trong đó có nửa triệu người được học lên các lớp dự bị bình dân với khoảng 20.000 lớp. Đây là một thành tựu to lớn của giáo dục Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Quận Trà Cú vinh dự được làm một trong hai “chiếc nôi” đầu tiên, đào tạo thế hệ nhà giáo chỉ có “nóp với giáo mang ngang vai” với lòng tận tâm, yêu nghề, giàu nhiệt huyết, đã xây dựng nên một phong trào Bình dân học vụ hữu ích thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ.
Từ nền móng đầu tiên của công tác Bình dân học vụ Nam Bộ 76 năm trước, đến năm 2021, ngành giáo dục huyện Trà Cú có đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông với đội ngũ nhà giáo được đào tạo chính quy, đang tận lực, tận tâm với sự nghiệp “trồng người”.
(*) (Năm 1943, thầy giáo Đỗ Văn Nại từ miền Nam Trung kỳ vào Trà Cú làm nghề dạy học. Cách mạng tháng 8/1945 đã chọn nhà giáo Đỗ Văn Nại sang nghề cằm binh với chức vụ Ủy viên Quân sự quận Trà Cú, Ủy viên Quân sự tỉnh Trà Vinh và ông đã hy sinh vào năm 1947 khi ông bước vào tuổi 35. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trường Tiểu học mang tên Nhà giáo Đỗ Văn Nại được khôi phục tại xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long). Ảnh: TRẦN ĐIỀN
TRẦN ĐIỀN
(Biên soạn từ Tạp chí khoa học - Đại học Văn Lang, tháng 8/2018 và các nguồn tài liệu trong nước)
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.