09/02/2024 12:18
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần trao quà cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.
Hiệu quả công tác giảm nghèo
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, thời gian qua, huyện Tiểu Cần quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo tình hình thực tế phù hợp với từng địa phương. Chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giảm nghèo bằng nhiều hình thức.
Các địa phương trong huyện tổ chức điều tra xác định nguyên nhân nghèo, nhu cầu cụ thể của từng hộ về điều kiện lao động và khả năng lao động, khả năng đối ứng để thực hiện các giải pháp phù hợp như: hỗ trợ xây nhà, giới thiệu việc làm, học nghề... gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Huyện triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong đó, công tác chăm lo các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em, người lao động và gia đình có hoàn cảnh khó khăn luôn được các cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện.
Trong năm 2023, huyện đã giải ngân hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh cho 17 hộ cận nghèo, kinh phí 800 triệu đồng; phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo theo Nghị quyết số 14-NQ/2022, ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh cho 09 hộ, số tiền 450 triệu đồng từ nguồn Quỹ An sinh xã hội tỉnh. Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho 17 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được xác định thật sự khó khăn về nhà ở từ Quỹ An sinh xã hội tỉnh, số tiền 680 triệu đồng. Phối hợp UBMTTQ Việt Nam huyện, các xã, thị trấn và các ngành có liên quan vận động thăm và tặng trên 9.000 phần quà tết Nguyên đán cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn, tổng trị giá trên 4,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác lao động việc làm và dạy nghề được chú trọng. Trong năm, huyện tổ chức 12 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, qua đó giới thiệu tạo việc làm mới 3.237/2.800 lao động, đạt 115,61% chỉ tiêu; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 354/135 lao động, đạt 262% chỉ tiêu (trong đó, Nhật Bản 343 lao động, Đài Loan 10 lao động, UAE 01 lao động).
Năm 2023, nhờ con gái đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản mà gia đình bà Kim Thị Thu Lý, ấp Cần Tiêu, xã Tân Hòa có tiền xây dựng căn nhà khang trang đón xuân Giáp Thìn 2024. Bà Lý chia sẻ: trước đây cuộc sống gia đình tôi thuộc diện khó khăn, không có ruộng đất vợ chồng tôi đi làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh. Sau khi học hết lớp 12, con gái tôi là Thạch Thị Tố Uyên đăng ký xuất khẩu lao động. Qua gần 01 năm lao động ở Nhật Bản, Tố Uyên đã gửi về cho gia đình trên 100 triệu đồng, cộng với tiền tích lũy, gia đình tôi đã xây dựng được căn nhà khá khang trang.
Toàn huyện có 51.693 lao động trong độ tuổi có việc làm qua đào tạo, đạt 76% (25.053 lao động có việc làm có văn bằng, chứng chỉ, đạt 36,8%; lao động trong độ tuổi làm việc trong ngành kinh tế chủ lực chiếm 42,98%, tương đương 24.154 người). Qua rà soát về công tác giảm nghèo cuối năm 2023, toàn huyện Tiểu Cần giảm 70 hộ nghèo (tương đương giảm 0,24%); hiện huyện còn 163 hộ, chiếm 0,55%; 720 hộ hộ cận nghèo, chiếm 2,44%.
Phấn đấu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025
Ngày 29/3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/HU để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ động phối hợp các địa phương tổ chức thực hiện các nội dung, phần việc cụ thể. Qua công tác triển khai đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, từ đó đạt nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn. Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân trong huyện phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đồng bộ.
Một góc đô thị Tiểu Cần.
Tổng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 9.977,6 tỷ đồng (tăng 45,55% so với năm 2020). Mức tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn năm 2020 - 2023 đạt 11,25%. Đời sống Nhân dân không ngừng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 82,6 triệu đồng/năm (tăng 20 triệu đồng so với năm 2020). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 18,87% (dưới 25% trong tổng lao động xã hội); đồng thời bảo đảm tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 81,83%.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần cho biết: về định hướng thu hút đầu tư, huyện Tiểu Cần ưu tiên mời gọi vào lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Cụ thể, đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng vào Khu Công nghiệp Cầu Quan, Cụm Công nghiệp Phú Cần, phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà huyện có tiềm năng, lợi thế, có nguồn nguyên liệu tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, huyện tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn... Phấn đấu đến năm 2025 hình thành một số điểm du lịch như: du lịch đồng quê - sông nước - văn hóa Khmer; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với liên kết du lịch trong tỉnh và khu vực theo Đề án du lịch đã được phê duyệt.
Qua 02 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, theo đánh giá thực trạng các tiêu chuẩn phân loại, Tiểu Cần đạt 03/05 tiêu chí đô thị loại IV (với 51/63 tiêu chuẩn, đạt khoảng 70,76 điểm). Thị trấn Tiểu Cần đạt tiêu chí đô thị loại IV; thị trấn Cầu Quan đạt tiêu chí đô thị loại V.
Để xây dựng huyện Tiểu Cần đạt đô thị loại IV và trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025, huyện đang thực hiện Đồ án quy hoạch chung đô thị Tiểu Cần (đang trình UBND tỉnh phê duyệt và trình Bộ Xây dựng cho ý kiến) là cơ sở triển khai các chương trình phát triển đô thị, các quy hoạch phân khu, đề án thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã. Đã xây dựng “Chương trình phát triển đô thị Tiểu Cần đến năm 2030”.
Căn nhà khang trang của gia đình bà Kim Thị Thu Lý.
Hiện nay, huyện Tiểu Cần tập trung nâng chất các tiêu chuẩn đã đạt, đồng thời tập trung thực hiện các tiêu chuẩn chưa đạt với tổng nhu cầu kinh phí trên 1.591 tỷ đồng. Huyện tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung xây dựng các tuyến đường trục mang tính kết nối để đảm bảo mật độ đường giao thông đô thị đạt chuẩn theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Thời gian tới, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng hệ thống đường giao thông chính của đô thị theo quy hoạch được duyệt. Ngân sách nhà nước thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng và đầu tư mới các tuyến đường vào cầu Đại Ngãi, đường cao tốc Đại Ngãi - Cổ Chiên, đường hành lang ven biển, đường Vành Đai phía Đông, đường nối Quốc lộ 60 - Quốc lộ 54, đường trục Bắc Nam.
Huyện tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh để kêu gọi tiếp tục đầu tư Cụm Công nghiệp Phú Cần, đẩy nhanh tiến độ khởi công Khu Công nghiệp Cầu Quan, dự án Siêu thị Go! Tiểu Cần, khu phức hợp thương mại; hoàn thành đưa vào sử dụng hồ bơi của huyện, chợ Tiểu Cần, tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô đầu tư nhằm góp phần tăng giá trị và tỷ trọng của ngành thương mại - dịch vụ.
Đồng thời, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đối với các ngành có lợi thế cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, giá trị gia tăng cao, sử dụng nguyên liệu và nhân công tại chỗ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp và tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về trình tự thủ tục đầu tư sớm hình thành Cụm Công nghiệp Phú Cần. Phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Cải tạo và chỉnh trang các khu nhà ở hiện hữu; kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư mới, khu ở hỗn hợp, kết hợp thương mại dịch vụ như: dự án khu dân cư thị trấn Tiểu Cần, khu vực phát triển kinh tế đêm...
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.