26/04/2022 09:00
Anh Huỳnh Tấn Đạt, nhân viên nghiệp vụ phong trào, Thư viện tỉnh Trà Vinh đang thực hiện thao tác chuyển đổi số tài liệu.
Thư viện tỉnh Trà Vinh bắt đầu thực hiện chuyển đổi số tài liệu từ năm 2011 nhằm phục vụ nhu cầu bạn đọc tốt hơn, khai thác thông tin mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng và thuận lợi. Thư viện tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa tài liệu trong hoạt động thư viện đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc trong việc sử dụng vốn tài liệu của thư viện, xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, báo trong Nhân dân.
Hiện tại, Thư viện đã thực hiện số hóa tài liệu địa phương chí hơn 1.000 bản với 411 nhan đề, đã hoàn thành số hóa kho tài liệu địa chí để phục vụ bạn đọc. Đồng thời, Thư viện xây dựng 04 bộ sưu tập số: bộ sưu tập số với 21 nhan đề các tài liệu tiêu biểu về Bác Hồ (tập trung lĩnh vực đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh); bộ sưu tập số về biển, đảo Việt Nam (phần 1, phần 2) với 46 nhan đề; bộ sưu tập số về văn hóa Khmer Nam Bộ 29 nhan đề. Ngoài ra, Thư viện tỉnh đang chuẩn bị thực hiện thêm bộ sưu tập số về “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc số hóa tài liệu tại các thư viện không chỉ giúp bảo quản, duy trì tuổi thọ của tài liệu đã được lưu trữ trở nên tiện lợi mà còn dễ dàng mở rộng đối tượng người sử dụng nguồn tài liệu này; góp phần thúc đẩy và mang lại những tiện ích lớn khi tìm kiếm thông tin (người đọc có thể tìm kiếm ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào), tạo thuận lợi cho người sử dụng khi chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin của thư viện này với các thư viện khác.
Hiện nay, hệ thống thư viện điện tử đã phát huy hiệu quả rất tốt, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực thư viện đều được thực hiện trực tiếp trên nền tảng web thông qua phần mềm quản lý thư viện điện tử; hoạt động mượn - trả tài liệu của bạn đọc trong và ngoài thư viện được tự động hóa, bạn đọc ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần có một thiết bị kết nối mạng internet là có thể lên website của Thư viện tỉnh để mượn - trả tài liệu một cách dễ dàng mà không cần phải đến thư viện làm các thủ tục như trước đây. Các hoạt động này đều được bạn đọc tương tác trực tiếp thông qua phần mềm Thư viện điện tử của Thư viện tỉnh với những thao tác đơn giản.
Để cụ thể hóa triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định số 2544/QĐ-UBND, ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”, Thư viện tỉnh triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến huyện; xây dựng hệ thống liên kết, chia sẻ, kết nối sử dụng và phục vụ người dân trong toàn tỉnh thông qua dữ liệu tập trung, từng bước kết nối với các thư viện khác trên địa bàn tạo thành mạng lưới thư viện hiện đại, có thể kết nối với hệ thống thư viện khu vực và quốc gia, nhằm tăng cường đầu tư và ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin nhất là công nghệ số để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thư viện công cộng, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập...
Giai đoạn 2022 - 2025, Thư viện tỉnh đầu tư xây dựng và phát triển trở thành thư viện điện tử, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện; nâng cấp phần mềm, trang web thư viện, tích hợp với thành phần dữ liệu mở Hệ tri thức Việt số hóa; 100% thư viện cấp huyện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, có khả năng liên kết chia sẻ cơ sở dữ liệu, tổ chức phục vụ với thư viện tỉnh. 100% tài liệu địa chí và 70% tài liệu cổ, quý hiếm được sưu tầm, số hóa. 100% người làm công tác thư viện công cộng được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Thời gian qua, ĐVTN huyện Cầu Kè không ngừng cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, vượt khó thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp trong phát triển kinh, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Anh Phạm Thanh Nhiên, Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu vượt khó làm kinh tế giỏi để thoát nghèo.