01/05/2021 05:07
Sư Sơn Sara. |
Tờ mờ sáng 30/4/1975, sư Sơn Sara hối người đệ tử - cũng là một cơ sở cách mạng - lấy chiếc honda cùng sư lao về chùa Mới. Đoạn đường dài không quá 04 cây số mà sư phải mất đến hơn 02 giờ đồng hồ di chuyển, vượt qua mấy phòng tuyến mà địch giăng ra trên những giao lộ cửa ngõ ra vào nội ô. Gần 08 giờ sáng, sư Sơn Sara gặp đồng chí Ba Thành và một cán bộ chỉ huy tên Tư Tranh mà sư được giới thiệu là người chỉ huy cao nhất của mũi khởi nghĩa quần chúng trong chiến dịch giải phóng Trà Vinh. Trong khuôn viên chùa Mới - nơi được chọn để đóng bộ phận chỉ huy khởi nghĩa - sư Sơn Sara thấy rất nhiều sư sãi ở các chùa lân cận, chắc cũng được lệnh của cách mạng tập trung về đây như sư, cùng hàng trăm đồng bào người Khmer, người Kinh đang căng mắt đợi lệnh chỉ huy. Sau khi được nghe phổ biến tình hình tổng tấn công của các đơn vị bộ đội tuy đã đánh chiếm được một số mục tiêu trọng yếu nhưng đang gặp khó khăn trước sự phản kích quyết liệt của địch, chỉ huy đề nghị các sư vận động Nhân dân xuống đường khởi nghĩa hỗ trợ cho mũi tấn công quân sự giành chính quyền về tay Nhân dân, sư Sơn Sara hòa vào dòng người chuẩn bị rời khỏi khuôn viên chùa Mới, hướng vào nội ô.
Cùng lúc đó, đồng chí Tư Tranh phấn khích thông báo tướng Dương Văn Minh - Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn - đã tuyên bố kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa ngừng bắn tại chỗ. Trước thời cơ ngàn năm có một này, đồng chí Tư Tranh và đồng chí Ba Thành tập hợp một số vị sư sãi lại, giao nhiệm vụ vào Dinh Tỉnh trưởng thuyết phục tên Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn đầu hàng, nhằm tránh đổ máu không cần thiết mà vẫn hoàn thành mục tiêu cuối cùng giải phóng Trà Vinh. Người được chọn vào tận hang hùm thuyết khách chính là Sơn Sara cùng 04 vị sư khác là Sơn Sương, Sơn Nghiêm, Sơn Song và Lâm Trường Sơn. Lịch sử đã chọn sư Sơn Sara vì sư tuy hoạt động cách mạng đã lâu nhưng nhờ có vỏ bọc tốt trong hệ phái Phật giáo tiểu thừa Mahanikay, không bị địch nghi ngờ lại có mối quan hệ tốt với Tỉnh trưởng Sơn và nhiều sĩ quan chỉ huy ngụy quân khác.
Trước khi các vị sư lên chiếc xe Jeep có lá cờ mặt trận kiêu hãnh tung bay phía trước, do đồng chí Lư Quang Hiểu - chiến sĩ Đội Tuyên truyền xung phong lái - vào sào huyệt kẻ thù, đồng chí Tư Tranh nắm chặt tay sư Sơn Sara dặn dò: “Các sư được quyền chủ động đối phó tình hình trên tư thế người chiến thắng! Bộ đội sẽ tiếp tục tấn công và quần chúng tiếp tục khởi nghĩa để yểm trợ các sư hoàn thành nhiệm vụ!”. Chuyến xe hòa bình vừa lăn bánh cũng là lúc quần chúng Tri Tân, dưới sự vận động của các cán bộ chính trị, ùa ra đường nổi dậy giành chính quyền.
Xe vượt qua phòng tuyến cửa ngõ rạp hát, tiếp tục vượt qua cửa ngõ ngã tư Mạch Dùng. Đường phố vẫn đầy lính súng ống trên tay nhưng những ánh mắt lo lắng, bối rối trước lá cờ chiến thắng trên mũi xe thay thế cho nét mặt hung hăng mà sư Sơn Sara gặp khi nãy. Vài anh lính Khmer ngã mũ, chắp tay trước ngực cung kính chào màu áo vàng của các vị sư. Thấp thoáng đâu đó, mấy chị vợ lính hớt hải lôi kéo chồng con mình lột áo, bỏ súng. Từ phía Thanh Lệ, xóm cù lao… tiếng súng tấn công của bộ đội giải phóng lại rộ lên từng hồi khiến bọn địch càng thêm kinh hoàng.
Chuyến xe hòa bình chở những vị thuyết khách cuối cùng vào đến Dinh Tỉnh trưởng cũng là lúc ở Sài Gòn, tướng Dương Văn Minh công bố lệnh đầu hàng vô điều kiện. Quần chúng Tri Tân vượt qua các cửa ngõ tràn vào cùng quần chúng nội ô đổ ra đường kêu gọi nguỵ quân buông súng đầu hàng. Bộ đội ta cũng chiếm lĩnh thêm nhiều vị trí trọng yếu của địch. Sư Sơn Sara cảm thấy tự tin hơn về sự yểm trợ của bộ đội và quần chúng khởi nghĩa trước khi bước vào thực hiện nhiệm vụ mà lịch sử giao cho.
Sư Sơn Sara một mình bước qua cổng, đường hoàng tiến vào Dinh Tỉnh trưởng. Cái chốn thâm nghiêm dễ làm người dân khi lạc vào cảm thấy mình bé nhỏ hơn, sợ sệt hơn nay vô cùng hoang vắng, không một bóng nhân viên, ngoại trừ mấy anh lính cận vệ, vẻ mặt đầy căng thẳng. Viên Trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn vẫn ăn mặc chỉnh tề, quân phục tươm tất nhưng không còn cái dáng vẻ oai vệ thường ngày.
Vừa ngồi xuống bộ salon, sư Sơn Sara đi ngay vào vấn đề:
- Tổng thống Dương Văn Minh đã công bố lệnh đầu hàng. Ở Trà Vinh, các đơn vị bộ đội đã bao vây chặt, sẵn sàng tấn công hủy diệt. Để tránh đổ máu, đề nghị Trung tá Tỉnh trưởng kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng!
Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn dùng kế hoãn binh, thăm dò lực lượng ta:
- “Ông lục” thấy “bên ngoài” đông lắm không? Người chỉ huy đeo hàm gì?
- Đông lắm, đông lắm! Ai chỉ huy thì không biết nhưng nghe nói ngoài Bắc vô! Tỉnh trưởng phải đầu hàng thôi.
Tỉnh trưởng Sơn ngó một vòng quanh Dinh lặng ngắt. Anh lính trực máy bộ đàm liên tục báo tin thất trận tại mặt trận Sài Gòn. Tin nhiều đơn vị chủ lực, bảo an chống lệnh chỉ huy, tự buông súng đầu hàng cứ liên tục dội về, khiến Tỉnh trưởng Sơn chợt nhận ra sư Sơn Sara như cái phao cuối cùng mà phía bên kia đã đưa ra:
- “Ông lục” về báo lại, tôi đồng ý gặp chỉ huy “bên ngoài”. Mời “bên ngoài” vào Dinh để thảo luận!
Sư Sơn Sara hối hả quay ra. Lúc này bộ phận chỉ huy khởi nghĩa cùng với lực lượng quần chúng nổi dậy đã vào đến nội ô. Sư Sơn Sara gặp đồng chí Tư Tranh và Ba Thành ở khu vực bến xe cũ. Sau khi nghe báo cáo tình hình, đồng chí Tư Tranh đồng ý gặp Tỉnh trưởng Sơn nhưng địa điểm không phải là Dinh Tỉnh trưởng vì lúc này quân ta chưa thể kiểm soát được khu vực này.
Sư Sơn Sara lại quay trở vào dinh gặp Tỉnh trưởng Sơn truyền đạt ý kiến đồng chí Tư Tranh, rồi lại hối hả quay trở ra làm nhiệm vụ cầu nối thỏa thuận địa điểm gặp gỡ. Phải đến lần thứ ba, địa điểm mới được hai bên thống nhất là khuôn viên chùa Phướng (nay thuộc Phường 7, thành phố Trà Vinh).
Mãi đến hơn 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, các đồng chí Tư Tranh, Ba Thành cùng sư Sơn Sara vào chùa Phướng để gặp mặt Tỉnh trưởng ngụy quyền Nguyễn Văn Sơn. Ở đó, theo lệnh của đồng chí Tư Tranh, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn đã công bố lệnh đầu hàng vô điều kiện. Đó cũng là lúc các mũi tấn công của bộ đội và lực lượng khởi nghĩa của quần chúng đã chiếm lĩnh Dinh Tỉnh trưởng cùng toàn bộ các vị trí quân sự, hành chính trọng yếu của địch trên địa bàn thị xã.
Thị xã Trà Vinh được giải phóng vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975.
Chiến thắng cuối cùng của quân dân Trà Vinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức tấn công thần tốc của các lực lượng vũ trang và sự nổi dậy như sóng dâng nước trào của quần chúng khởi nghĩa. Trong đó, người thuyết khách cuối cùng Sơn Sara đã góp phần mình làm cho chiến thắng nhanh hơn, trọn vẹn hơn.
Bài, ảnh: TRẦN DŨNG
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.