13/08/2024 09:14
Đồng chí Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy (bên trái) và đồng chí Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long dự sinh hoạt lệ Chi bộ ấp Cầu Đúc, xã Nhị Long. Ảnh: KIM LOAN
Chi bộ ấp Cầu Đúc, xã Nhị Long, huyện Càng Long có 17 đảng viên. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với mô hình “Chi bộ bốn tốt”, Chi ủy Chi bộ ấp Cầu Đúc quyết tâm lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ và quản lý đảng viên, tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng viên đạt số lượng, chất lượng. Lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chất lượng sinh hoạt tốt: Ban Chi ủy chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt đảng bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp tình hình, đặc điểm của chi bộ, nâng cao hiệu quả lãnh đạo nghị quyết của chi bộ, đảng bộ. Thực hiện đầy đủ, có chất lượng các kỳ họp chi ủy, chi bộ, trong sinh hoạt bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu.
Đoàn kết, kỷ luật tốt: Quán triệt sâu sắc Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của cấp trên về công tác đảng và đảng viên, tăng cường, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, quy định những điều đảng viên không được làm, luôn giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Xây dựng, tổ chức thực hiện theo đúng quy chế làm việc của chi ủy, chi bộ, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, tạo chuyển biến mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, đảng viên tốt: Bác dạy rằng “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, nên cần thường xuyên nêu gương tốt về đạo đức, lối sống, phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nêu gương tốt về nói đi đôi với làm; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nêu gương tốt về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, tích cực học tập, nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn công tác, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng và yêu cầu đề ra.
Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Châu Thành đã đẩy mạnh việc phát động xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm thúc đẩy, tạo động lực cho phong trào thi đua quyết thắng trong lực lượng vũ trang huyện.
Qua phát động, đã xây dựng được nhiều mô hình của các tập thể và xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng. Ban CHQS huyện đã xây dựng được mô hình hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ gia đình cho lực lượng dự bị động viên.
Theo đó, hàng quý mỗi đồng chí đóng góp 30.000 đồng, trích từ tiền phụ cấp trách nhiệm. Từ số tiền này, hàng năm hỗ trợ 05 đồng chí, mỗi đồng chí 15 triệu đồng để có nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình thi đua của cụm Ban CHQS 14 xã, thị trấn, hàng năm mỗi xã, thị trấn đóng góp 03 triệu đồng, hỗ trợ cho 02 đồng chí, mỗi đồng chí 21 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình.
Ban CHQS xã Đa Lộc, huyện Châu Thành thực hiện mô hình “Tích lũy gửi tiết kiệm lập nghiệp”. Ảnh: VĂN DUYỆT
Mô hình tiết kiệm lập nghiệp của lực lượng Dân quân thường trực, mỗi đồng chí lập sổ tiết kiệm, hàng tháng đóng ít nhất 500.000 đồng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng dân quân, mỗi cán bộ, chiến sĩ sử dụng số tiền trên để có vốn học nghề, lập nghiệp. Mô hình đã thu hút 18 dân quân thường trực và 13 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia với tổng số tiền đã tiết kiệm được trên 250 triệu đồng.
Đồng thời, Ban CHQS huyện Châu Thành cũng phát động, tuyên truyền để các cá nhân chủ động phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nổi bật trong số đó có Thiếu tá Trần Văn Cọp, Trợ lý Quân lực; Đại úy Phạm Thế Duyệt, Trợ lý Tuyên huấn có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn. Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hà Minh Hải, Trợ lý Quân khí, có nhiều thành tích trong phát huy sáng kiến cải tiến mô hình học cụ phục vụ cho huấn luyện và sinh hoạt của đơn vị. Đồng chí Hồ Thành Được, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đa Lộc, huyện Châu Thành có nhiều thành tích trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng dân quân xã thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và các phong trào hành động cách mạng của địa phương. Đồng chí Lê Thanh Tâm, Tiểu đội trưởng Dân quân xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành đã dẫn dắt Tiểu đội Dân quân nữ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tham gia hội thi Tổ Dân quân nữ bắn mục tiêu bay thấp do Bộ CHQS tỉnh tổ chức hàng năm luôn đạt thành tích cao…
Thượng tá Phạm Trường Sơn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Châu Thành chia sẻ, qua công tác xây dựng mô hình điển hình tiên tiến và phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, chiến sĩ, đã khơi dậy trong cán bộ, chiến sĩ sức sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ, thúc đẩy, cổ vũ cho phong trào thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện. 03 năm liền (từ năm 2021 – 2023), Ban CHQS huyện Châu Thành được Quân khu tặng cờ thi đua và công nhận Đơn vị vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu. Đảng bộ Quân sự huyện được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Thực hiện phong trào thi đua “cả nước chung sức XDNTM”, những năm qua, xã Huyền Hội, huyện Càng Long chỉ đạo cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, trong đó phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của nông dân, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ.
Nổi bật là mô hình trồng chanh không hạt của nông dân được liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đây được đánh giá mô hình điển hình thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã, đã và đang tiếp tục phát triển, nhân rộng.
Nông dân Lê Văn Tiến, ấp Trà On thu hoạch chanh. Ảnh: MỸ NHÂN
Nông dân Lê Văn Tiến, ấp Trà On, xã Huyền Hội chuyển đổi thành công mô hình trồng chanh không hạt trên đất lúa mang lại lợi nhuận bình quân từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Ông Tiến cho biết: trồng lúa có năm được mùa thì thất giá và ngược lại được giá lại thất mùa. Để cải thiện kinh tế gia đình, năm 2019, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 0,4ha đất lúa sang trồng thử nghiệm chanh không hạt và được Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí liên kết cung ứng đầu ra, nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định và phát triển.
Ông Tiến cho biết thêm: chi phí đầu tư trồng chanh không hạt ban đầu, từ việc lên liếp, đắp mô, giống, phân thuốc, công lao động… từ 15 - 20 triệu đồng/0,1ha; trồng khoảng 16 - 18 tháng cho thu hoạch trái chiếng và cho trái ổn định, đến năm thứ 3 nông dân có thể thu hồi vốn ban đầu.
Hơn 0,4ha chanh không hạt hiện đang cho trái với sản lượng thu hoạch bình quân đạt 2,5 - 03 tấn/tháng, giá bán hiện nay 15.000 - 17.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, hiện nay ông đã mở rộng thêm 0,3ha đất lúa sang trồng chanh không hạt (cây đã gần 09 tháng tuổi).
Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: xã Huyền Hội là đơn vị tiên phong liên kết và áp dụng khoa học - kỹ thuật trồng chanh không hạt xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Lợi thế của địa phương là có Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí liên kết bao tiêu sản phẩm với giá hợp đồng ban đầu 10.000 đồng/kg và mua theo giá thị trường nên nông dân an tâm sản xuất.
Riêng địa bàn huyện Càng Long, Hợp tác xã đã liên kết nhân rộng hơn 40ha chanh không hạt và liên kết với các huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú khoảng 142ha. Từ nay đến năm 2025, xã được huyện chọn là một trong những xã quy hoạch thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và mở rộng diện tích trồng chanh không hạt 100ha tập trung ở ấp Giồng Bèn, Bình Hội, Trà On.
Từ khi có mô hình trồng chanh không hạt, thu nhập của nông dân tăng gấp 10 lần so với trồng lúa, đời sống của người dân ngày càng phát triển, góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Hưởng ứng phong trào thi đua XDNTM, mô hình Du lịch cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) không rác thải nhựa là một điển hình nổi bật, tác động lan tỏa đến với cộng đồng.
Đồng chí Phan Văn Em, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Phú Tân cho biết: tháng 01/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã triển khai mô hình không rác thải nhựa trên địa bàn 02 ấp cù lao (Tân Qui 1 và Tân Qui 2); đến năm 2023, 02 ấp cù lao xây dựng ấp NTM kiểu mẫu và mô hình không rác thải nhựa được phát triển, nhân rộng hướng đến môi trường sáng – xanh - sạch.
Song song đó, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp cùng địa phương thực hiện trồng hoa kiểng trên các tuyến trục giao thông ở cù lao Tân Qui và hướng đến mô hình du lịch không rác thải nhựa.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang trên đoạn đường qua vườn nhà mình, thường xuyên dọn dẹp, tạo cảnh quan môi trường sạch-xanh-sáng. Ảnh: HỮU HUỆ
Đến tháng 6/2024, cù lao Tân Qui đã xây dựng và thành lập 10 tổ quản lý môi trường (mỗi tổ có từ 25 - 30 thành viên); trong đó, Hội LHPN 03 tổ, Hội Cựu chiến binh 03 tổ, Hội Nông dân 03 tổ và Đoàn Thanh niên 01 tổ. Riêng các gia đình có hội viên Hội LHPN làm chủ hộ đã tham gia thực hiện đạt 100% về mô hình “Cù lao Tân Qui không rác thải nhựa”.
Trên dọc các tuyến đường ở cù lao Tân Qui và các điểm kinh doanh luôn được treo các pa-nô tuyên truyền về mô hình “Cù lao Tân Qui không rác thải nhựa”. Hàng tuần, các ngành và Chi bộ ấp Tân Qui 1, ấp Tân Qui 2 ra quân dọn dẹp cảnh quan môi trường thu gom rác, xử lý, phân loại, góp phần giảm thiểu rác thải môi trường.
Cù lao Tân Qui có khoảng 600 hộ dân sinh sống, chủ yếu dựa vào kinh tế vườn và hoạt động du lịch sinh thái vườn. Những năm gần đây, cù lao Tân Qui đã trở thành điểm đến tham quan của nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là với những vườn cây ăn trái xum xuê; giao thông nội vùng cù lao được đầu tư nâng cấp mở rộng, kết nối thuận lợi giữa đất liền với cù lao… Việc hướng đến du lịch xanh, không rác thải nhựa và đồng hành cùng XDNTM; đảm bảo cảnh quan môi trường xanh – sạch - sáng đã đồng loạt triển khai trên vùng đất cù lao Tân Qui.
Ông Nguyễn Văn Quang, ấp Tân Qui 2, xã An Phú Tân chia sẻ: từ khi triển khai mô hình “Cù lao Tân Qui không rác thải nhựa”, cảnh quan môi trường ở cù lao rất tốt; du khách đến đây đều khen không khí trong lành và môi trường không bị ô nhiễm, nhất là khâu xử lý rác thải gia đình, các khu vườn và ngoài môi trường rất tốt. Ngay tại gia đình, bản thân và các thành viên đều có ý thức thu gom các nguồn rác thải trên đoạn đường ngang qua phần đất mình để xử lý, trồng hoa kiểng.
Thông qua mô hình “Cù lao Tân Qui không rác thải nhựa” gắn với hoạt động trong lĩnh vực du lịch, sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng và du khách vì mục tiêu: Du lịch không rác thải nhựa ở cù lao Tân Qui. Đây là mô hình điểm, đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ở huyện Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung; sẽ vận động, lan tỏa mô hình này trên các điểm du lịch thời gian tới.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.