07/01/2025 14:52
20 giờ ngày 16/11/2024, tỉnh Vĩnh Long đã trọng thể khai mạc Festival Gạch Gốm đỏ- Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít).
Một thời vàng son
Lần giở chuyện xưa tích cũ thông qua những tư liệu và nhân chứng từng gặp mới thấy nghề làm gạch xưa bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở rải rác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, trong đó có ở các làng ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít ngày nay. Có lần, ông Tư Thạch, một doanh nghiệp gạch - gốm có tiếng ở huyện Mang Thít kể với đoàn khảo cứu về văn hóa Vĩnh Long của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh rằng: Hồi xưa dân cư thưa thớt, nhà cửa ven sông bằng cây lá chưa xây dựng khang trang như bây giờ, chỉ có một vài địa chủ, quan lại mới có điều kiện cất những ngôi nhà bề thế bằng gỗ lim, gỗ trắc, căm xe, cà chất,… mái lợp ngói âm dương. Dưới thời Pháp thuộc, cả làng, cả tổng, cả huyện mới có mấy căn nhà xây gạch, cất theo kiểu Tây. Trải qua mấy chục năm chiến tranh, tình hình cũng chẳng khả quan hơn mấy. Dưới thời chế độ Việt Nam cộng hòa, được sự tài trợ của Hoa Kỳ, nhu cầu cất nhà tường ở các thị tứ, huyện lỵ, tỉnh lỵ, đa số là xây tường lợp tol cũng tăng lên. Thuở ấy, gạch ngói Biên Hòa phát triển, gần như chiếm độc tôn cung cấp gạch ngói cho cả Nam Bộ, tuy nhiên làng nghề gạch Mang Thít nhờ đó cũng phát triển theo mặc dù còn khá khiêm tốn.
Sau ngày giải phóng, những năm 80 của thế kỷ XX, dưới thời bao cấp, rộ lên phong trào đổi mái tol thay bằng nhà gạch, mái ngói. Những nhà có điều kiện thì đổi lúa với công ty lương thực lấy gạch, đá, xi măng, sắt thép, cây gỗ; nhà không có điều kiện thì bán mái tol, vách tol lợp lại mái ngói với rui mè bằng cây tạp, thậm chí là cây tre, tầm vông. Mối lái lùng sục khắp nơi, mua cả trụ sở, trường học đã cũ, xuống cấp. Họ ngã giá, chở gạch ngói đến tận nơi, cho thợ tháo tol xuống, lớp lại mái ngói đỏ au, coi như có căn nhà mới, vui mừng phấn khởi cả đôi bên. Từ đó và về sau này, những lò gạch mọc lên san sát ven sông Cổ Chiên, vào sâu bên trong kênh Thầy Cai của huyện Mang Thít, đỏ lửa ngày đêm. Có lúc cung không đủ cầu, người ta xây thêm các lò nung dã chiến bên cạnh các lò nung truyền thống rồi lan sang cả huyện Long Hồ, ở tỉnh thì có xí nghiệp gạch Thái Bình nằm bên bờ sông Cái Cam. Ở các nơi khác cũng có lò gạch nhưng chỉ rải rác thôi như Bình Minh, Vũng Liêm, Cần Thơ, Sa Đéc, An Giang,…Từ chỗ in gạch bằng tay người ta dùng máy in gạch có băng chuyền, khai thác đất sét khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Những năm 90 của thế kỷ XX, nghề gốm bắt đầu xuất hiện ở tỉnh Vĩnh Long. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, gốm mỹ nghệ Vĩnh Long thâm nhập sâu vào các nước châu Âu. Ông Năm Vàng, Chủ tịch Hội nghề gốm Vĩnh Long lúc đương thời khi ấy cho biết: Gốm Vĩnh Long là gốm đỏ hay còn gọi là gốm phèn vì nung lên màu đỏ phơn phớt màu trắng của phèn nhôm rất đẹp, không sơn màu, không hóa chất, không ở đâu có nên người Tây rất quý.
Trên bờ, dọc theo sông Cổ Chiên, từ xã Thanh Đức của huyện Long Hồ đến các xã Mỹ An, Mỹ Phước, An Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh của huyện Mang Thít lò gốm mọc lên như nấm sau mưa. Dưới sông, ghe chở gạch, gốm, chở trấu làm nhiên liệu lũ lượt ngày đêm xuôi ngược; trong khi Tỉnh lộ 902 lúc nào cũng nườm nượp các xe tải nặng chở gốm lên cảng để đưa đi xuất khẩu. Công nhân tứ xứ đổ về hàng ngàn, hàng vạn người làm thuê cho các lò gạch – gốm, còn tổ chức được nghiệp đoàn; trong đó thợ lò, thợ khuôn, họa sĩ được săn đón, chào mời, lương thưởng rất cao. Bấy giờ, nhiều báo cao hứng đặt tựa đề với tên gọi “Vương quốc gốm Vĩnh Long” để ca tụng làng nghề có một không hai này.
Nghề gốm phất lên còn được sự chia sẻ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp. Trong phòng khách của ông Tư Thạch còn treo mấy tấm hình Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và lãnh đạo tỉnh đến thăm, dặn dò, động viên. Ông Ba nghĩa lúc cường thịnh chẳng những mở rộng sản xuất ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ mà còn mở thêm chi nhánh công ty ở xã Tân hội, thị xã Vĩnh Long. Căn nhà bề thế của ông với nhiều vật dụng xây cất, trang trí bằng gốm cũng từ nghề gốm mà ra. Hay như căn nhà gốm đỏ có một không hai của ông Tư Buôi ở Phường 5, thành phố Vĩnh Long không chỉ là niềm vui của gia đình mà còn niềm tự hào của địa phương.
Đến lúc khó khăn
Thế nhưng, sau thời kỳ phồn thịnh, gốm đỏ Vĩnh Long vì nhiều lý do đã lâm vào thoái trào. Tài nguyên đất sét dần khan hiếm và khó khai thác. Bây giờ người ta dành đất để ở, để sản xuất công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, lập vườn có hiệu quả hơn nên ít chịu đào đất sét bán cho lò gạch gốm. Bên cạnh đó, trấu là nhiên liệu chính để đốt lò cũng khó mua lại gây ô nhiễm môi trường. Người ta đã thử chuyển giao công nghệ đốt lò mới nhưng hình như vẫn chưa thành công lắm. Nghe mấy người thợ lò cho biết chỉ có trấu mới nung gạch chín đều, gốm lên màu đẹp hơn những nhiên liệu khác. Mặt khác, từ khi có quy định chỉ được dùng gạch không nung cho các công trình xây dựng có vốn đầu tư từ nhà nước thì nghề gạch – gốm lại càng khó khăn hơn.
Điểm cốt tử là bây giờ nhu cầu thị trường tiêu thụ không còn được như trước. Sau một thời say đắm gốm đỏ Vĩnh Long nay người ta không mê nó nữa; phần vì xu hướng kinh tế xanh, người ta quay ra ít mặn mà với các loại hàng hóa dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, ảnh hưởng sinh thái môi trường; phần vì sự cạnh tranh khốc liệt của gốm Minh Long, Bát Tràng, Chu Đậu... trong khi gốm Vĩnh Long chậm thay đổi mẫu mã, hoa văn, họa tiết, nặng nề, khó làm quà tặng để mang đi.
Bảo tồn và phát huy làng nghề
Ngày 18 - 12/2024, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Theo đó, khu vực lập quy hoạch có quy mô khoảng 3.060ha. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, huyện Mang Thít.
Vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát huy làng nghề quý giá này như thế nào?
Theo thông tin của báo chí cho biết: ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long sẽ ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm nhằm hỗ trợ một phần kinh phí để người dân giữ lại các lò gạch truyền thống, giữ hiện trạng cho vùng di sản trong tương lai.
Điều mà nhiều người băn khoăn là: lúc hoàng kim, cả vùng có khoảng 3.000 lò, hiện nay còn khoảng 800 lò đang hoạt động, bây giờ giữ lại hết hay chỉ bảo tồn một số lò tiêu biểu. Giữ lại hết thì kinh phí quá lớn, lãng phí đất đai và cũng không thể duy trì lâu được. Nhưng chỉ để lại mấy miệng lò tiêu biểu, rêu phong thì không giữ được nguyên trạng của một không gian di sản đương đại, khó mà níu chân du khách đến đây ngắm các lò gạch cũ.
Như đã nói ở trên, hiện nay nhu cầu gốm trên thị trường bị thu hẹp lại, gắn liền với sinh kế của hàng vạn người dân của vùng đất này. Phải tìm cách cho làng nghề sống, làng nghề hoạt động, phát triển, khẳng định thương hiệu gốm đỏ Vĩnh Long, đồng thời với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo cảnh quan, môi trường, tạo một không gian văn hóa, gắn kinh tế công nghiệp với phát triển du lịch. Cần tăng cường quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Vĩnh Long với các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội trong một làng nghề đã và đang tồn tại hiện nay. Bởi suy cho cùng, bảo tồn và phát huy cũng là vì đem lại lợi ích cho chính người dân. Chỉ khi lợi ích của người dân được đảm bảo thì chính họ sẽ là người trực tiếp ra sức bảo tồn và phát huy làng nghề trăm năm mà bao thế hệ người dân nơi đây đã gây dựng và phát triển cho đến ngày nay.
Hy vọng rằng với sự quan tâm sâu sắc, hỗ trợ của cấp ủy và chính quyền các cấp, cùng với sự tâm huyết, yêu thương của người dân, di sản đương đại làng nghề gạch - gốm Mang Thít sẽ được giữ gìn và phát huy, trường tồn với thời gian, đem lại cái đẹp cho quê hương xứ sở và sự giàu có, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
NGUYỄN SAN
Sáng ngày 08/01, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, gắn với kỷ niệm 30 năm thành lập ngành. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại BHXH tỉnh và trực tuyến với BHXH các huyện, thị xã.