28/02/2024 08:38
Nhân viên ngành y tế thực hiện tốt việc tiếp nhận, điều trị bệnh.
Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh (KCB) từ tuyến tỉnh đến cơ sở được mở rộng và củng cố, đến nay, Trà Vinh có 130 cơ sở KCB gồm: 118 cơ sở KCB công lập và 12 cơ sở y tế tư nhân, đạt 9,6 bác sĩ/vạn dân, 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng và chất lượng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện KCB và y tế dự phòng. Chất lượng KCB tại y tế cơ sở từng bước được đẩy mạnh, chất lượng tốt hơn, đảm bảo thực hiện được các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. Triển khai hiệu quả KCB bảo hiểm y tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động ngành y tế.
Năm 2023, Sở Y tế thực hiện Đề án nâng giường của các cơ sở y tế, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh (từ 700 lên 900 giường), Bệnh viện Y Dược cổ truyền (từ 100 giường lên 150 giường), Trung tâm Y tế huyện Trà Cú (từ 200 lên 260 giường); nâng tổng số giường bệnh trên toàn tỉnh là 2.900 giường, đạt 28,45 giường bệnh/vạn dân. Qua đó, thực hiện khám 1.647.334 lượt (đạt 128,7%), điều trị nội trú 143.219 lượt (đạt 111,3%), điều trị ngoại trú 19.143 lượt (đạt 146,7%).
Các cơ sở y tế thực hiện khám, điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh của Bộ Y tế và nghiên cứu, triển khai thực hiện các kỹ thuật mới trong KCB.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh triển khai 22 kỹ thuật mới, gồm: tập tạo thuận thần kinh cơ cảm thụ bản thể (PNF), điều trị bằng sóng ngắn và sóng cực ngắn, điện mảng châm hội chứng dạ dày - tá tràng, điện châm hội chứng tiền đình, chụp mạch vành và can thiệp mạch vành, cấy chỉ đau đầu, đau nửa đầu, điện tâm đồ gắng sức, Holter điện tâm đồ 24h, thẩm tách siêu lọc máu (HDF - online), lọc máu hấp thụ qua màng lọc HA 130, đặt catether hai nòng có cuff, tạo đường hầm lọc máu, hạ huyết áp chỉ huy ≤8h, phẫu thuật điều trị gãy lồi cầu xương hàm dưới bằng nẹp vít hợp kim, phẫu thuật nội soi lấy nhân đệm cột sống thắt lưng qua đường liên bản sống, phẫu thuật bắt vít qua cuống cột sống thắt lưng qua da + ghép xương liên thân đốt qua lổ liên hợp sử dụng hệ thống ống nong, đốt u gan, dinh thiết u gan, xạ trị ung thư, mô phỏng và lập kế hoạch cho xạ trị, kỹ thuật nhuộm hóa mô miễn dịch, dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da.
Bệnh viện Sản - Nhi triển khai 13 kỹ thuật mới, gồm: phẫu thuật điều trị đứt gân Achille, phẫu thuật vết thương phần mềm phức tạp, nắn, bó bột gãy xương đòn, đặt đường truyền vào xương (qua đường xương), nối gân gấp, nối gân duỗi, nắn, bó bột gãy một xương cẳng tay, tháo bột các loại, cắt u bao gan, cắt u máu khu trú đường kính dưới, cắt u nang bao hoạt dịch (cổ tay, khoeo chân, cổ chân), hút thai có kiểm soát bằng nội soi, điều trị vết thương mạn tính bằng chiếu tia plasma.
Các bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên tổ chức sinh hoạt khoa học chuyên đề và chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 cho các Trung tâm Y tế tuyến huyện. Thực hiện phục hồi chức năng, nhiệt trị liệu, các thủ thuật y học cổ truyền, kết hợp tuyên truyền ứng dụng các biện pháp y dược cổ truyền hợp lý, an toàn, hiệu quả trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Chất lượng KCB của các bệnh viện, trung tâm y tế được nâng cao, đặc biệt chú trọng KCB bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi KCB cho người có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, cùng sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, nhất là vùng đồng bào Khmer được nâng lên. Đến nay, ngành y tế tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bác sĩ có trình độ chuyên môn cao được tăng cường, trực tiếp tham gia công tác KCB cho vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị tuyến huyện triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật mới theo phân tuyến, giảm chuyển viện lên tuyến trên, người dân cơ bản được chữa bệnh ngay tại địa phương.
Tại các hội nghị do ngành y tế tổ chức, đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ và người lao động ngành y tế trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đề nghị, ngành y tế tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ thầy thuốc giỏi về chuyên môn, tận tâm với nghề, tuân thủ y đức... đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của Nhân dân. Thực hiện quy trình khám, điều trị khoa học, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Năm 2024, ngành y tế tiếp tục quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống y tế tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của Nhân dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Phát triển mạng lưới KCB, cấp cứu, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ KCB có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở.
Đảm bảo người dân được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, được phát triển tốt về thể chất và tinh thần, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.