20/04/2023 08:13
Tư vấn tiêm ngừa bệnh dại cho người dân.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh tính đến ngày 28/02/2023, tổng đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh là 136.343 con, nhưng số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Theo quy định, các hộ nuôi phải đăng ký và mang chó, mèo đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại định kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng người dân đến tiêm vắc-xin phòng, bệnh dại cho chó, mèo không cao.
Mặt khác, tại các địa phương trong tỉnh, nhất là vùng nông thôn, người dân nuôi chó thường thả rong, không có dây xích, rọ mõm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người nếu không may bị chúng cắn phải.
Bà Kim Thị Thu, ngụ ấp Kỳ La, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết: nhiều người nuôi chó thả rông ngoài đường, tôi bán vé số nên đi nhiều, thường gặp chó trên đường nên rất sợ, không may bị chúng cắn phải thì rất nguy hiểm. Tôi nghĩ người nuôi chó cần có ý thức tiêm phòng dại định kỳ cho chúng để người đi đường phần nào an tâm hơn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm 2023 đến nay đã phát hiện 02 trường hợp chó nuôi mắc bệnh dại cắn người tại xã Đại Phước, huyện Càng Long và xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Qua đó, đơn vị chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương tiêu hủy 14 con chó (chó dại và cho nghi có tiếp xúc với chó mắc bệnh dại).
Để góp phần hạn chế và đẩy lùi bệnh dại, ngành chức năng phối hợp các địa phương tăng cường triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều biện pháp, tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi và bản thân khi không may bị chó, mèo cắn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp dập dịch theo quy định. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Đồng thời, tuyên truyền người dân quan tâm đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại, tạo thói quen cho người nuôi ý thức việc tiêm phòng dại định kỳ trên chó, mèo để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Cầu Ngang: trước thông tin chó nuôi mắc bệnh dại xuất hiện tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, gần đây Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại. Nhắc nhở người nuôi chó, mèo tuân thủ việc đăng ký, xích nhốt, không thả rông và thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, tiêm ngừa đủ liều khi bị chó, mèo cắn, cào xước, đảm bảo an toàn sức khỏe.
Trung tâm Tiêm chủng và Nha khoa SAM SUM (Phường 2, thành phố Trà Vinh) gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp người dân đến tiêm ngừa dại do bị chó cắn, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em, có trường hợp nghiêm trọng cần phải tiêm huyết thanh kháng dại.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công, Giám đốc y khoa Trung tâm Tiêm chủng và Nha khoa SAM SUM cho biết: từ đầu năm 2023 đến nay có gần 4.000 trường hợp đến tiêm ngừa dại tại Trung tâm với gần 15.000 mũi tiêm vắc-xin. Đặc biệt một tháng gần, có gần 1.000 trường hợp đến tiêm phòng dại, đáng lưu ý nhiều trường hợp là bé dưới 24 tháng tuổi. Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm, khả năng tử vong rất cao nên ngay khi bị vật nuôi cắn, dù chưa xác định mắc bệnh dại hay không cũng đến gặp bác sĩ ngay để tiêm vắc-xin ngừa uốn ván, ngừa bệnh Dại và xử lý vết thương tránh nhiễm trùng… bởi một khi các triệu chứng bệnh dại xuất hiện, gần như 100% nạn nhân tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công khuyến cáo: ngay khi bị chó cắn, nạn nhân cần dự phòng ngay nguy cơ mắc bệnh dại, ngăn vi-rút xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, việc đầu tiên là cần rửa chỗ vết thương bị chó, mèo cắn hay cào xước bằng nước sạch và các dung dịch có thể tiêu diệt vi-rút như: xà phòng, povidone iodine… ít nhất 15 phút, rồi băng bó đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu vết thương hở, nạn nhân sẽ được điều trị vết thương, tiêm vắc-xin phòng dại, cần thiết có thể sẽ chỉ định tiêm huyết thanh ngừa bệnh dại.
Ngoài ra, các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm ngừa dại chủ động trước phơi nhiễm như: nhân viên thú y, nhân viên y tế tiếp xúc người mắc bệnh dại, nhân viên kiểm soát dịch bệnh động vật, kiểm lâm động vật hoang dã, người tiếp xúc trực tiếp với dơi, đặc biệt những người đi du lịch thường xuyên và trẻ em khi chơi với thú cưng, nhất là khi bị thú cưng cắn, liếm… phải được xử trí vết thương và tiêm vắc-xin phòng dại ngay.
Để phòng, chống bệnh dại lây truyền từ động vật sang người, người nuôi chó, mèo cần nâng cao nhận thức, hiểu biết và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi động vật, chủ động tiêm phòng dại cho chó, mèo… Người bị chó, mèo cắn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được dự phòng kịp thời, không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc, “lấy nọc”…) hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành y tế thay thế vắc-xin để điều trị dự phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Trương Văn Dũng, Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gặp ở mọi lứa tuổi và có nguy cơ tử vong rất cao. Hiện nay, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện của bệnh dại. Để chủ động phòng, chống bệnh dại và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại trên người, người dân cần thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế về các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
Ngành Y tế phối hợp các ngành liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền về đặc điểm, tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng dân cư.
Vận động hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, nếu đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm, tránh trường hợp cắn người gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh, các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán chó, mèo và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi động vật.
NGỌC XOÀN
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.