17/06/2024 07:23
Trà Vinh có 1.009.168 người; đồng bào các dân tộc thiểu số 325.365 người, chiếm 32,24%. Trong đó, dân tộc Khmer 318.231 người, chiếm 31,53%; dân tộc Hoa 6.632 người, chiếm 0,65%; dân tộc thiểu số khác 448 người, chiếm 0,05%. Từ khi tái lập tỉnh (5/1992), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và địa phương đã quan tâm đặc biệt để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Nhờ đó, hộ nghèo giảm hàng năm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng nâng lên theo hướng toàn diện.
Nói về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, năm 2023, Trung ương tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư và hỗ trợ đối với vùng đồng bào Khmer, từ đó góp phần làm thay đổi toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer tiếp tục nâng lên. Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc ngày càng được tăng cường, củng cố và thắt chặt. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm, thông qua nhiều chính sách, góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer.
Đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho hộ nghèo ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú.
Theo đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, giữa 02 mùa Chôl Chnam Thmây 2023 - 2024 của đồng bào Khmer dễ dàng ghi nhận về đời sống kinh tế, văn hóa nâng lên rõ nét. Tỉnh đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào Khmer, đã hỗ trợ đất ở 34 hộ; nhà ở 767 hộ; chuyển đổi nghề 298 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 124 hộ; đầu tư mới 03 công trình nước sinh hoạt tập trung... kinh phí trên 44,7 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư, xây dựng 73 công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống và duy tu, bảo dưỡng 39 công trình trong vùng đồng bào Khmer, kinh phí trên 98 tỷ đồng; xây dựng và cải tạo 08 chợ, kinh phí gần 06 tỷ đồng; hệ thống thủy lợi từng bước hoàn chỉnh, phục vụ đi lại và sản xuất nông nghiệp thuận lợi; điện lưới quốc gia và nước sinh họat được đầu tư xây dựng và phát triển rộng khắp, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh họat của đồng bào Khmer.
Về xây dựng hệ thống chính trị luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp quan tâm củng cố và tăng cường. Đến giữa tháng 5/2023, toàn tỉnh có 8.339 đảng viên Khmer, chiếm 17,77%/tổng số đảng viên; có 4.919 cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer, chiếm 20,99%/tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đội ngũ cán bộ Khmer đã và đang được đào tạo, bổ nhiệm, bố trí giữ nhiều chức danh chủ chốt ở các ngành, các cấp. Hiện nay, cấp ủy viên các cấp là dân tộc Khmer 326 người, chiếm 13,13%; đại biểu Quốc hội 02 người, chiếm 33,33%; đại biểu HĐND các cấp 681 người, chiếm 22,81%; có 40 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, chiếm 11,63%; có 242 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, chiếm 12,09%.
Đồng bào Khmer xã Hàm Giang, huyện Trà Cú được tặng máy lọc nước ngọt trong mùa khô.
Công tác bố trí cán bộ dân tộc Khmer trong hệ thống chính trị từ cơ sở đến cấp tỉnh hợp lý: cấp tỉnh, có 1.648 cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer, được bố trí, phân công công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chiếm 19,85%/tổng số 8.301 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 63/673 người, chiếm 9,36%/tổng số cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cấp huyện có 2.801/12.049 cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer được bố trí, phân công công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chiếm 23,25%/tổng số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 35/344 người, chiếm 10,17%/tổng số cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Cấp xã, phường, thị trấn có 366/2.194 cán bộ, công chức dân tộc Khmer được bố trí, phân công, chiếm 16,68%/tổng số cán bộ, công chức. Trong đó, cán bộ, công chức dân tộc Khmer giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các chức vụ bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn 91/556 người, chiếm 16,37%/tổng số cán bộ, công chức.
Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Khmer tiếp tục được bảo tồn, phát huy, tôn trọng, mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển và phát huy… Nổi bật, năm 2023, tỉnh triển khai dự án bảo dưỡng, sửa chữa Làng Bích họa “Không gian ký ức”; hỗ trợ hoạt động cho 06 đội văn nghệ truyền thống tại các ấp, khóm vùng đồng bào Khmer; hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho 20 xã; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị cho 30 ấp vùng đồng bào Khmer... kinh phí trên 15,3 tỷ đồng.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với sự quan tâm của tỉnh trong đồng bào Khmer, nên chất lượng ngày càng nâng lên. Việc dạy và học, ngữ văn Khmer, chương trình Pali - Khmer trong chư tăng và con em đồng bào Khmer được đầu tư đúng mức, tổ chức tốt kỳ thi các lớp Pali và ngữ văn Khmer tại các điểm chùa. Tỉnh hỗ trợ thi tốt nghiệp sơ - trung cấp Phật học năm 2023 - 2024 cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh trên 480 triệu đồng. Đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng 08 trường phổ thông dân tộc nội trú; mua sắm trang thiết bị chuyển đổi số; đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường trên 38,9 tỷ đồng.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào Khmer tiếp tục được tăng cường, hiện hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư cả về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Ở những xã vùng đồng bào Khmer đều có trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực; thuốc điều trị được cung cấp đầy đủ; các hoạt động truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống các loại dịch bệnh trên người được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
Năm 2023, tỉnh đào tạo 07 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 02 bác sĩ chuyên khoa cấp II là dân tộc Khmer, đã bố trí làm việc tại các xã vùng đồng bào Khmer. Đồng thời, hỗ trợ các bà mẹ thực hiện tầm soát, chẩn đoán, một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh là Khmer; triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi... với số tiền trên 1,5 tỷ đồng.
Đồng chí Thạch Mu Ni cho biết thêm: nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, đồng bào Khmer càng tin vào sự lãnh đạo Đảng, đồng tâm hiệp lực cùng với Đảng, chính quyền và các dân tộc khác luôn đề cao ý thức cảnh giác cách mạng, phản bác tư tưởng, hành động chống phá, chia rẻ tình đoàn kết dân tộc; đồng thời, chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế phát triển, tạo động lực giúp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trong năm 2024.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.