13/03/2024 09:14
Đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ bậc Tiểu học.
Tại Trà Vinh những năm qua giáo dục đang có sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, cơ cấu và mạng lưới trường lớp, phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt của người học. Toàn tỉnh hiện có 435 đơn vị, trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý 430 đơn vị với 6.754 lớp, trên 215.200 học sinh; chất lượng giáo dục THPT ngày càng nâng lên, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, giáo dục kiến thức và giáo dục giá trị.
Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua từng môn học, từng chủ đề tự chọn, qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh, việc giáo dục kiến thức được chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học thông qua các hình thức tổ chức dạy học đa dạng, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học… Đồng thời, các trường THPT đẩy mạnh giáo dục giá trị, giáo dục đạo đức học sinh bằng phương pháp thuyết phục, phương pháp rèn luyện, trải nghiệm và nêu gương, động viên, học sinh hành động theo chuẩn giá trị xã hội.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Bạch Vân, nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ then chốt được đặt ra như hiện nay, mọi nỗ lực đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học hay kiểm tra, đánh giá đều gắn liền với hệ quy chiếu cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục.
Những năm qua, các cơ sở giáo dục tập trung đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.
Bên cạnh, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, sự tham gia của phụ huynh là vô cùng cần thiết. Nhà trường và gia đình cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý và giáo dục học sinh, giúp các em nhận thức được giá trị của việc học, của cuộc sống.
Ngoài ra, một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay là đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy. Điều này không chỉ cải thiện môi trường học tập mà còn góp phần tăng cường hiệu quả giáo dục.
Thầy Thạch Sương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hiếu Tử (huyện Tiểu Cần) cho biết: dù đã có những cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, nhưng nhiều trường học vẫn thiếu các trang thiết bị cần thiết như máy tính, thiết bị khoa học và thư viện tiên tiến, hiện đại. Từ đó đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của học sinh với những nguồn tài nguyên học tập và công nghệ mới. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp rất cần thiết trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước những yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề ra các giải pháp: xây dựng nền tảng cơ bản cho học sinh, nhất là từ bậc THCS và nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đồng thời, thực hiện phân luồng học sinh. Chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tích hợp văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục. Xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên và học sinh. Đặc biệt, ứng dụng chuyển đổi số trong đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy và học toàn diện, tạo nên tảng vững chắc cho học sinh.
Ngoài ra, chú trọng đảm bảo công tác an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, nâng cao kiến thức, rèn kỹ năng sống và thu hút học sinh tham gia để tránh xa các hoạt động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến học sinh. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, nắm bắt tình hình, diễn biến tâm lý của học sinh, có biện pháp ngăn chặn, giáo dục kịp thời đối với biểu hiện dẫn đến bạo lực đối với học sinh, tổ chức các hoạt động gắn kết, bồi đắp tình cảm bạn bè của học sinh cùng lớp, cùng trường…
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.