22/04/2025 08:34
Đồng chí Lê Chí Nhớ, Bí Thư Chi bộ Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (huyện Tiểu Cần) và đồng chí Trần Thị Thủy, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty thăm hỏi công nhân lao động.
“Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”
Với chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, Tháng Công nhân năm 2025 dự kiến diễn ra 06 hoạt động trọng tâm: (1) Chương trình “Năng suất cao hơn - Phúc lợi tốt hơn”; (2) Chương trình “Công nhân vì cộng đồng”; (3) Chương trình “Đối thoại tháng 5” và hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giới thiệu đoàn viên là công nhân tiêu biểu để Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; (4) Chương trình “Cảm ơn người lao động”, “Công nhân vì doanh nghiệp - Doanh nghiệp vì công nhân”, “Quà Công đoàn - gắn kết người lao động”, “Bữa cơm công đoàn”, Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân”; (5) Tổ chức Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng; (6) Chương trình “Công đoàn 4.0 - Hiểu chính sách, pháp luật ngay trên tay”, “Tan ca vui - khỏe”.
Gắn với từng hoạt động cụ thể, Ban Chấp hành (BCH) Công đoàn các cấp phát động đoàn viên, người lao động (NLĐ) học tập, nâng cao trình độ tay nghề; trau dồi kỹ năng, đổi mới tác phong làm việc; khích lệ đoàn viên, NLĐ đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
BCH CĐCS trong doanh nghiệp thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động (NSDLĐ) điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca theo tinh thần Kết luận số 03/KL-BCH, ngày 18/01/2022 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với luật định, cải thiện môi trường lao động, chăm sóc tốt sức khỏe NLĐ. Tổ chức “Ngày hội lao động sáng tạo”, thông qua việc tổ chức cho đoàn viên, NLĐ thi đua lao động sản xuất, đổi mới sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Qua đó, biểu dương NLĐ có thành tích trong lao động, sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo.
Tổ chức “Ngày hội hiến máu nhân đạo” với chủ đề “Giọt hồng chia sẻ” lan tỏa những hành động, cách sống đẹp, có ích với cộng đồng của đoàn viên, NLĐ. Tổ chức chương trình “Công nhân Việt Nam nhân ái - nghĩa tình” gây quỹ từ thiện hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho con NLĐ, xây dựng và sửa chữa nhà cho NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. LĐLĐ tỉnh, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS trong doanh nghiệp tham mưu, đề xuất, phối hợp tổ chức để cấp ủy, chính quyền các cấp, NSDLĐ tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, NLĐ theo Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” phù hợp với điều kiện thực tế; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, CĐCS trong doanh nghiệp (nơi có tổ chức Đảng) phối hợp tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giới thiệu đoàn viên là công nhân tiêu biểu để Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp.
Các cấp công đoàn sử dụng nguồn tài chính công đoàn, đồng thời vận động xã hội hóa tặng quà cho đoàn viên, NLĐ hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động (TNLĐ)… Riêng LĐLĐ tỉnh, theo kế hoạch trao tặng 4.000 phần quà (mỗi phần trị giá 500.000 đồng). Tại lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ, ngoài các suất quà sẽ trao 13 căn “Mái ấm công đoàn” (mỗi căn 50 triệu đồng), tặng từ 20 - 30 suất học bổng cho con đoàn viên hoàn cảnh khó khăn… BCH CĐCS trong doanh nghiệp đề xuất NSDLĐ tổ chức Chương trình “Cảm ơn NLĐ”, “Công nhân vì doanh nghiệp - Doanh nghiệp vì công nhân”, “Bữa cơm công đoàn”, Chương trình “Đến với nhà trọ công nhân”, gặp mặt biểu dương, tri ân những NLĐ có nhiều sáng kiến góp phần nâng cao năng suất lao động, gắn bó với doanh nghiệp, với tổ chức công đoàn; tổ chức hoạt động tham quan, nghỉ mát; tăng cường hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; chăm lo đời sống, việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của NLĐ.
Các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục NLĐ nâng cao nhận thức, tự nguyện tham gia vào tổ chức công đoàn; tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nghiệp đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, lao động khu vực phi chính thức; tổ chức kết nạp “Đợt đoàn viên tháng 5”. Đẩy mạnh công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú để cấp ủy Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Tổ chức, tham gia thi tìm hiểu trực tuyến kết hợp với tuyên truyền qua mạng xã hội, sân khấu hóa về chính sách, pháp luật về lao động và công đoàn. Xây dựng clip ngắn, infographic đăng tải trên Trang thông tin điện tử, mạng xã hội giúp công nhân tiếp cận dễ dàng về chính sách, pháp luật. Tổ chức chiến dịch truyền thông Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ tập trung vào các hoạt động ở CĐCS, được đông đảo đoàn viên, NLĐ hưởng ứng; kết quả tổ chức các hoạt động góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ và phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức hội thao, giải thể thao, giao lưu thể thao; hội thi, hội diễn văn nghệ với chủ đề về quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
“Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”
Xưởng khâu may (B2), Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (huyện Tiểu Cần).
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc” gắn với các hoạt động trọng tâm: đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt về công tác ATVSLĐ. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho NLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội. Tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố để phòng tránh TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Đẩy mạnh công tác đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ nghỉ việc riêng, tiền lương làm thêm giờ, tiền ăn ca, các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, tiêu chuẩn và việc cung cấp phương tiện bảo hộ lao động, các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, bồi thường, trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, phòng ngừa rủi ro... sát với yêu cầu và đặc thù ngành, nghề, công việc. Tổ chức các hình thức tọa đàm, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về ATVSLĐ; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ như: xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững; sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong sản xuất, khuyến khích các mô hình kinh tế tuần hoàn...
Thông qua các chuỗi hoạt động nhằm khẳng định vai trò, tôn vinh sự đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh. Thể hiện tinh thần làm việc hăng say, sáng tạo, tiên phong, trách nhiệm, hiệu quả của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, góp phần phát huy giá trị tinh thần tự hào dân tộc, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Mừng Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm 2025, Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức “Ngày hội văn hóa thanh niên dân tộc” tuyên dương và tặng bằng khen cho 11 thanh niên dân tộc Khmer tiêu biểu trên các lĩnh vực.