23/04/2025 15:03
Tượng đài "Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công" tỉnh trà Vinh. Ảnh: BÁ THI
I. Thành phố Trà Vinh qua các thời kỳ
Vùng đất nay là thành phố Trà Vinh, với lợi thế to lớn là nằm dọc theo sông Trà Vinh (còn có tên khác là sông Long Bình) đổ ra sông Cổ Chiên và có những con giồng đất cát rộng lớn, cao ráo, đã được cộng đồng các dân tộc địa phương khai phá từ nhiều thế kỷ trước, hình thành các thôn xóm, phum sóc trù phú. Từ đầu thế kỷ XVIII, ngã ba vàm sông Trà Vinh với sông cái Cổ Chiên trở thành nơi mua bán, giao thương hàng hóa tương đối sầm uất, có ảnh hưởng mang tính chi phối đến các xóm làng, phum sóc trong khu vực.
Chính vì vậy, sau năm 1757, khi vùng đất phía Nam sông Măng Thít được nhập vào “Hoàng triều cương thổ” và được chúa Nguyễn đặt làm phủ Trà Vang(1) thì khu vực ngã ba sông thuộc địa phận thôn Vĩnh Trường được chọn làm lỵ sở. Một cách gần đúng, thôn Vĩnh Trường là vùng đất dọc bờ hữu ngạn sông Cổ Chiên từ Vĩnh Hưng, Vĩnh Yên (nay thuộc xã Long Đức) qua vàm Trà Vinh xuống Vĩnh Bảo, Vĩnh Trường, Vĩnh Lợi (nay thuộc xã Hòa Thuận), dựng đình Vĩnh Trường(2) làm nơi làm việc của ban hương chức cũng là nơi sinh hoạt chung của cư dân trong làng.
Năm Minh Mạng thứ tư (1823), nhận thấy địa thế thôn Vĩnh Trường tuy có lợi thế lớn về giao thương nhưng quá gần sông lớn và gần biển không thuận tiện cho việc tổ chức phòng thủ của một trung tâm hành chính, triều đình nhà Nguyễn cho dời lỵ sở phủ Trà Vang về sách Thanh Sái (sách là cách phiên âm chữ Hán của từ Srok, Thanh Sái cũng là cách phiên âm chữ U'rai của người Khmer), cách vàm Trà Vinh chừng 4km, và đổi tên thành làng Thanh Lệ(3).
Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), triều đình nhà Nguyễn cho đổi phủ Trà Vang thành huyện Trà Vang(4) lỵ sở vẫn đặt tại làng Thanh Lệ. Đến năm 1942, sau biến cố quân sự Lâm Sâm, huyện Trà Vang được đổi thành huyện Trà Vinh, lỵ sở dời từ Thanh Lệ đến làng Minh Đức (khu vực Phường 2 giai đoạn 1975 - 2025), dựng nhà việc Minh Đức (trụ sở UBND thị xã Trà Vinh sau năm 1975), đình Minh Đức(5) thờ Thần Thành hoàng.
Sau khi xâm chiếm miền Nam nước ta, năm 1867, thực dân Pháp thiết lập trên vùng đất nay là tỉnh Trà Vinh 02 hạt tham biện là Trà Vinh (dọc theo sông Tiền) và Bắc Trang (dọc phía Sông Hậu). Đến năm 1871, nhập 02 hạt tham biện lại thành hạt tham biện Trà Vinh, lỵ sở vẫn đặt tại làng Minh Đức(6). Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ban hành Nghị định phân chia Nam kỳ thành 20 tỉnh, trong đó có tỉnh Trà Vinh(7), trên cơ sở diện tích, dân số của hạt tham biện Trà Vinh trước đó. Tỉnh lỵ Trà Vinh vẫn đặt tại làng Minh Đức. Các cơ quan thiết yếu cấp tỉnh lần lượt được xây dựng trên con giồng đất cát từ Minh Đức qua Thanh Lệ như Tòa bố (Dinh Tỉnh trưởng, nay là cơ quan UBND tỉnh), Tòa án (nay là cơ quan Tỉnh ủy), Bót Ông cò (nay là cơ quan Sở Chỉ huy Bộ đội Biên phòng), Khám lớn (nay là trụ sở các cơ quan Đảng tỉnh), Trường Tiểu học (nay là Trường Lê Văn Tám), Nhà thương…
Do yêu cầu phát triển đô thị, những năm sau đó, chính quyền thực dân cho nhập làng Minh Đức với làng Long Bình và một số làng chung quanh (Thanh Lệ, Tri Tân, Mã Cần, Mỹ Tiền, Vĩnh Yên, Vĩnh Hưng…) thành xã Long Đức(8).
Năm 1948, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập thị xã Trà Vinh trên cơ sở các ấp nội ô của xã Long Đức như một đơn vị hành chính - quân sự cấp huyện(9). Thị xã Trà Vinh là nơi đóng các cơ quan đầu não cấp tỉnh của chính quyền thực dân và chính quyền Sài Gòn, cũng là đơn vị trọng điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy trong suốt hai cuộc kháng chiến.
Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP chuyển thị xã Trà Vinh thành thành phố Trà Vinh trực thuộc tỉnh. Thành phố Trà Vinh có 9 phường và xã Long Đức(10).
Như vậy, thành phố Trà Vinh (tiền thân là thị xã Trà Vinh, xã Long Đức, làng Minh Đức - Thanh Lệ) hơn 200 năm qua (1823 - 2025) luôn là địa bàn thủ phủ của vùng đất Trà Vinh, trừ giai đoạn 1976 - 1992 sáp nhập hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long.
II. Bề dầy truyền thống
Trong hơn hai thế kỷ qua, với tư cách là thủ phủ của vùng đất Trà Vinh (với nhiều diên cách khác nhau như tỉnh Trà Vinh, hạt Trà Vinh, phủ Trà Vang, huyện Trà Vang - Trà Vinh…), thành phố Trà Vinh là nơi tụ hội, kết tinh các giá trị truyền thống của cả vùng đất nằm giữa Sông Tiền, Sông Hậu, tiếp giáp Biển Đông thành bản sắc văn hóa, lịch sử của riêng mình. Với nhiều lớp trầm tích truyền thống ấy, thành phố Trà Vinh luôn khẳng định được giá trị rất riêng, đặc hữu và đặc thù mà khó có đô thị nào trên bản đồ khu vực miền Tây Nam bộ có được.
1. Truyền thống lịch sử
Bậc tiền hiền khởi đầu cho truyền thống chống áp bức bất công trên địa bàn thành phố Trà Vinh và vùng đất Trà Vinh chính là vị Tri huyện thanh liêm, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Với tất cả tấm lòng nghĩa khí, cương trực, ông đã kiên quyết đứng về phía người nông dân nghèo khó chống lại ách cường quyền của các quan lại đầu tỉnh, chấp nhận từ bỏ mọi chức tước, lâm vào cảnh gông cùm, rồi làm thân lính thú miền biên tái Hà Âm. Không sinh ra trên đất Trà Vinh nhưng những năm đáo nhậm Tri huyện tại huyện lỵ Trà Vinh, sống giữa những người dân “gió lay mặc gió chìu ai không chìu” Vĩnh Trường - Thanh Lệ - Minh Đức này, anh hàn nho Bùi Hữu Nghĩa vụt trở thành ngôi sao sáng ngời trong giới sĩ phu Nam kỳ lúc ấy, qua hai câu ca dao “Vĩnh Long có cặp rồng vàng/nhứt Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuẫn Thần”(11). Phan Tuẫn Thần tức Thượng thư Phan Thanh Giản, một vị đại thần nhứt phẩm tiến sĩ xuất thân mà vẫn phải xếp sau anh tri huyện lục phẩm làng nhàng chỉ đỗ đầu kỳ thi hương ở một xứ sở xa xôi. Thứ tự ấy, chắc chắn không đến từ chức tước, cũng không đến từ văn hay chữ tốt, mà với người dân, chẳng qua vì chữ nghĩa khí, là vị nghĩa vong thân!
Hội viên phụ nữ xã Dân Thành tham gia vệ sinh Khu Di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu. Ảnh: MINH TRÍ
Thập niên 1860, thực dân Pháp đưa quân xâm lược và đặt ách cai trị miền Nam nước ta. Sang thập niên 1870, người Pháp chọn Minh Đức - Thanh Lệ làm tỉnh lỵ và tiến hành quy hoạch, xây dựng địa bàn này thành một đô thị trung tâm của vùng đất Trà Vinh, kèm theo là những ưu ái nhất định liên quan đến công ăn việc làm, tiện nghị sinh hoạt… cho cư dân tại chỗ. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân nội ô tỉnh lỵ cam tâm sống trong cảnh nước mất nhà tan. Những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, tại nội ô tỉnh lỵ Trà Vinh xảy ra hai vụ bạo lực của những người cô thân bị áp bức. Một là chàng thanh niên thị dân Sáu Trọng dùng dao đâm chết vợ mình vì thói lăng loàn, bỏ chồng theo Tây(12); một là thầy Thông Chánh nổ súng giết quan biện lý Pháp vì hắn xâm hại người vợ thủy chung của thầy(13). Nhìn bề ngoài, cả hai vụ việc chỉ là hậu quả của việc ghen tuông cá nhân nhưng đi sâu một chút vào bản chất vấn đề thì đó là sự vùng dậy mang tính tự phát của người dân chống lại bọn ngoại xâm đang tròng lên đầu lên cổ họ ách áp bức chừng như không lối thoát.
Bước sang đầu thế kỷ XX, cùng sự chuyển biến chung của xã hội, những thế hệ thanh thiếu niên tại nội ô Minh Đức và các làng phụ cận được tiếp xúc với nền giáo dục của chế độ thực dân, lấy chữ Pháp và chữ quốc ngữ Latin làm phương tiện nhằm “nâng cao dân trí, khuyến khích nhân tài, chấn hưng đất nước”. Tuy theo Tây học nhưng thâm tâm họ luôn luôn hướng về cội nguồn dân tộc, ôm hoài bảo góp sức mình cho ngày mai đánh đổ đế quốc thực dân. Chính vì vậy, vào đầu thập niên 1920, tổ chức Công hội đỏ, do lãnh tụ công nhân Tôn Đức Thắng thành lập, đã nhanh chóng ươm mầm bén rễ vào mảnh đất nội ô tỉnh lỵ Trà Vinh.
Mùa Xuân năm 1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi Xứ ủy Nam kỳ ra đời, ngay tại nội ô, Chi bộ Đảng tỉnh lỵ được thành lập, là một trong ba Chi bộ đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Vài tháng sau đó, mùa thu 1930, tại ngôi nhà số 09 đường Công xi rượu nếp (nay là đường Lê Lợi), Tỉnh ủy Trà Vinh được thành lập, đảm nhận vai trò hạt nhân tập hợp, tổ chức và lãnh đạo các phong trào quần chúng cách mạng tỉnh nhà. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa (1930 - 1945), nhiều đồng chí Bí thư Tỉnh ủy như Huỳnh Ngọc Trảng, Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm, Trần Chí Nam, Võ Hoàng(14)… đứng chân hoạt động ngay tại nội ô tỉnh lỵ. Từ đó, một hệ thống cơ sở vững vàng được hình thành, tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo, sẵn sàng hành động theo sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.
Từ sự chuẩn bị đó, khi lệnh Tổng khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được ban hành, Tỉnh ủy Trà Vinh đã lãnh đạo nhân dân nội ô tỉnh lỵ cùng đông đảo quần chúng cả tỉnh nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thành công ngay trong buổi sáng ngày 25/8/1945, cùng lúc với Sài Gòn - Gia Định, tạo nên mốc son chói lọi trong lịch sử tỉnh nhà.
Sau mấy tháng độc lập, ngày 12/12/1945, thực dân Pháp xua quân theo đường thủy đánh chiếm Trà Vinh. Tại mặt trận Vàm Trà Vinh, quân dân Trà Vinh đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu kềm chân địch suốt một ngày đêm, tạo ra quỹ thời gian cần thiết để Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan, lực lượng vũ trang rời khỏi nội ô, tiếp tục tổ chức cuộc kháng chiến.
Chiến công này của quân dân Trà Vinh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi công điện, ngày 22/12/1945, biểu dương: “Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi các chiến sĩ ở mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn!”(15).
Ở thời điểm năm 1959, khi chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, ráo riết tiến hành những cuộc đàn áp, khủng bố trắng nhằm loại trừ Cộng sản và các hoạt động yêu nước khác thì lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ xuất hiện trên ngọn dương đình Long Đức như một lời khẳng định đanh thép, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng, cách mạng. Những năm kháng chiến sau đó, tại nội ô thị xã Trà Vinh, nhiều cuộc đấu tranh chính trị sôi động diễn ra phối hợp với các cuộc tiến công quân sự, binh vận đẩy chính quyền Sài Gòn lâm vào thế lúng túng, buộc phải giữ chân một lực lượng chủ lực, bảo an tại chỗ, đảm bảo an toàn cho các cơ quan đầu não cấp tỉnh, giảm bớt mật độ và qui mô các cuộc hành quân càn quét ra vùng giải phóng, vùng căn cứ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị vũ trang cách mạng xây dựng, củng cố lực lượng, vươn lên chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng. Trong giai đoạn này, thị xã Trà Vinh lại tạo thêm hai cột mốc lịch sử vẻ vang là tỉnh lỵ duy nhất mà quân Giải phóng chiếm được khuôn viên dinh Tỉnh trưởng trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 và là tỉnh lỵ duy nhất ở miền Tây Nam Bộ tự lực giải phóng vào trưa ngày 30/4/1975, gần như cùng lúc với Sài Gòn - Gia Định.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh quyết định dựng ngôi đền tưởng nhớ Người tại ấp Vĩnh Hội (Long Đức, thị xã Trà Vinh). Trong suốt gần năm năm xây dựng và chiến đấu bảo vệ ngôi đền trước mưa bom bão đạn của kẻ thù, quân dân Long Đức, quân dân thị xã Trà Vinh đã tiếp tục tô thắm nét son trong lịch sử tỉnh nhà. Chính sự hiện diện của anh linh Bác Hồ, thông qua sự hiện diện của ngôi đền, đã là niềm động viên, cổ vũ to lớn để đồng bào Trà Vinh, đồng bào miền Tây Nam Bộ vượt qua mọi thách thức, hy sinh vươn lên chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù.
Kiên cường đối đầu với áp bức bất công, tiên phong vượt lên phía trước trong chiến hào chống ngoại xâm đã là tố chất căn bản làm nên hào khí người thành phố Trà Vinh.
2. Truyền thống văn hóa
Hơn hai thế kỷ đảm nhận vai trò trung tâm, thành phố Trà Vinh thu hút các tinh hoa văn hóa của cả tỉnh, cả vùng đất tụ hội về, hình thành bản sắc văn hóa độc đáo của riêng mình, mà không đô thị nào trong khu vực miền Tây Nam Bộ hay cả nước có được.
Trà Vinh, thành phố đa dân tộc: Theo số liệu thống kê, hiện nay thành phố Trà Vinh có xấp xỉ 76% là dân tộc Kinh, 20% là dân tộc Khmer, 3,3% là dân tộc Hoa, 0,01% là dân tộc Chăm, Ấn… Mỗi dân tộc, tùy theo quy mô dân số, độ dài thời gian cư ngụ đều lưu giữ, thực hành trên thực tế đời sống những sắc thái văn hóa riêng, độc đáo, góp vào bản sắc văn hóa chung của thành phố. Trên các con giồng đất cát khô ráo từ Thanh Lệ qua Tri Tân, Mỹ Tiền lên Đôn Hóa, Ba Se… từ nhiều thế kỷ trước đã là những quần cư khá trù phú của người bản địa, tạo ra những di tích nhiều trăm năm tuổi như Ao Bà Om, chùa Âng, chùa Ông Mẹt… mà không đô thị lân cận nào có được. Ngày nay, quần tụ và xen kẽ nhau trên các tuyến phố thành phố Trà Vinh là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo kèm theo là các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… diễn ra quanh năm. Một biểu hiện rõ nét, dễ thấy của tính đa dân tộc được thể hiện ngay “thực đơn” ăn sáng vô cùng phong phú của người dân thành phố Trà Vinh, vượt xa các đô thị khác trong vùng, từ cơm tấm, bún suông, cháo ám (người Kinh), mì vịt tiềm, vằn thắn (người Hoa), bún nước lèo, bánh ống dừa (người Khmer), cơm nị cà ri dê (người Ấn, Chăm)…
Đình Long Đức trong ngày đón bằng công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Trên địa bàn thành phố Trà Vinh hiện có 06 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó có đình Long Đức (người Kinh), chùa Âng, chùa Ông Mẹt (người Khmer), Phước Minh Cung (người Hoa).
Trà Vinh, thành phố cây xanh: Vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX, chính quyền thực dân tiến hành quy hoạch các đô thị để chuẩn bị thành lập đồng loạt 20 tỉnh ở Nam kỳ. Mỗi đô thị tỉnh lỵ đều được trồng cây xanh dọc theo các tuyến phố và khuôn viên các công thự như nhau. Sau gần một thế kỷ rưỡi, trong số 20 đô thị tỉnh lỵ ấy, gần như chỉ còn thành phố Trà Vinh giữ được cả rừng cây xanh cổ thụ, phần lớn là sao, dầu, me… Bao thế hệ người Trà Vinh được sinh ra, lớn lên, che mát cả cuộc đời dưới bóng cây xanh cổ thụ và cây xanh cổ thụ đã trở thành một phần tình cảm, tâm hồn, tính cách người thành phố Trà Vinh, người Trà Vinh.
Thành phố Trà Vinh được cả nước biết đến, đi vào thơ ca với những tên gọi khác nhau như thành phố cây xanh, thành phố công viên… Nhiều tuyến đường, dù có tên chính thức, vẫn được người Trà Vinh định danh bằng tên cây như đường Hàng Me, đường Hàng sao… Nhiều cây xanh cổ thụ cũng được người Trà Vinh biến thành tên chợ, tên xóm, tên quán như chợ Cây Dầu Lớn, xóm Cây Dầu Dù, Nem nướng Cây Me, Cà phê Cây Me, Cơm tấm Cây Mận, Nhà hàng Cây Dừa, Bún nước lèo Cây Sung…
Trà Vinh, thành phố chan hòa và cởi mở: Xuất phát từ điều kiện của một địa bàn đa dân tộc, đa tôn giáo và đại đa số cư dân là người nhập cư từ nhiều vùng nông thôn về trước những biến động của lịch sử, người dân thành phố Trà Vinh từ xa xưa đã sớm hình thành tính cách chan hòa, cởi mở. Song song với việc trân trọng giữ gìn nếp sống, nếp văn hóa truyền thống của gia đình, dòng tộc, dân tộc mình, họ cũng mở lòng đón nhận, tiếp biến cái hay, cái đẹp của gia đình, dòng tộc, dân tộc khác, tôn giáo khác, kể cả các thể chế chính trị khác nhau để làm giàu, làm phong phú hơn đời sống vật chất lẫn đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Chính nhờ tính cách chan hòa, thân thiện, mà trước hết là thân thiện với thiên nhiên, với môi trường sống đã góp phần giúp người Trà Vinh gìn giữ được hệ thống cây xanh cổ thụ nội ô.
Tuyến đường Lê Thánh Tôn, thành phố Trà Vinh. Ảnh: XUYÊN VÕ
Cũng xuất phát từ tính cách chan hòa, cởi mở mà thế hệ Tây học những thập niên đầu thế kỷ XX đã mở lòng đón nhận nền giáo dục chữ Pháp, chữ quốc ngữ Latin và tiếp biến những kiến thức thu nhận được phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiêu biểu như nhà cách mạng Dương Quang Đông, Tiến sĩ Luật học Phạm Văn Bạch, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ… Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, Soạn giả - NSND Viễn Châu mở lòng đón nhận thể loại tân nhạc và tiếp biến vào bài vọng cổ thành thể loại tân cổ giao duyên hay Nhạc sĩ Trúc Phương cũng đã sẵn sàng đón nhận dòng nhạc Boléro Pháp quốc và tiếp biến thành những ca khúc Boléro Việt Nam trữ tình, sâu lắng một thời chiếm lĩnh đời sống âm nhạc miền Nam Việt Nam.
Trong bữa ăn hàng ngày, người thành phố Trà Vinh cũng rất nhanh nhạy trong việc đón nhận các món ăn truyền thống của các dân tộc chung quanh và tiếp biến nó vào văn hóa ẩm thực cộng đồng, hình thành những món ăn đặc sản nổi tiếng vùng đất Trà Vinh. Điển hình như món bún nước lèo mà trong mỗi tô bún hiện diện đủ nếp ăn, cách ăn của người Khmer (mắm prồhóc), của người Việt (bánh vá), của người Hoa (thịt heo quay).
III. Giàu tiềm năng phát triển
1. Tiềm năng từ truyền thống lịch sử và văn hóa
Truyền thống là nền tảng mang tính cơ sở để mỗi con người, mỗi vùng đất hướng tới tương lai. Lịch sử hơn hai trăm năm đóng vai trò trung tâm hành chính và lịch sử khai phá nhiều trăm năm trước đó của vùng đất nay là thành phố Trà Vinh để lại cho hậu thế nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cần được vận dụng, phát huy trong kỷ nguyên cùng cả nước vươn mình. Tính cách vượt mọi khó khăn, thách thức, vươn mình vượt lên phía trước trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, trong Chiến dịch mùa Xuân 1975 (cùng lúc với Sài Gòn - Gia Định), trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 (tỉnh lỵ duy nhất ở miền Tây Nam Bộ, quân giải phóng chiếm được dinh Tỉnh trưởng), trong phong trào quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận (tỉnh dẫn đầu phong trào đấu tranh đô thị miền Tây Nam Bộ)… đã ăn vào máu thịt, trở thành “tố chất” của người và đất thành phố Trà Vinh. Những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử trong việc lãnh đạo, quản lý địa bàn đô thị đa dân tộc, đa tôn giáo khi được vận dụng, phát huy đúng mức sẽ tạo ra giá trị to lớn trong công tác an ninh quốc phòng, đảm bảo môi trường ổn định cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Trà Vinh, thậm chí địa bàn rộng lớn hơn địa bàn Trà Vinh trong tương lai.
Trong những thập niên qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định văn hóa là một trong ba trụ cột phát triển đất nước và văn hóa, con người chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vùng đất và con người thành phố Trà Vinh trải qua lịch sử nhiều thế kỷ đã khẳng định bản sắc văn hóa riêng, đặc thù không thể hòa lẫn, hòa tan, đủ sức đảm nhiệm vai trò trung tâm cho cả một địa bàn rộng lớn trong kỷ nguyên mới.
Một cảnh trong vở sân khấu Dù Kê “Chuyện tình chàng Via Sa Na” do Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh diễn phục vụ khán giả tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú.
2. Tiềm năng từ địa hình, địa thế
Khi chọn địa bàn này làm trung tâm cho cả vùng đất, triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp đã nhận ra 02 yếu tố thuận lợi cơ bản là những con giồng đất cát (cao trình 0,7 - 1,2m so với mặt biển) rộng lớn, khô ráo, không bị lũ lụt và dòng sông Trà Vinh đổ ra sông cái Cổ Chiên.
Con giồng từ Thanh Lệ xuyên qua trung tâm thành phố, rồi chia thành hai nhánh, một chạy dài ra Đa Lộc, Thanh Mỹ, một ngoặt lên hướng Lương Hòa, Nguyệt Hóa cùng một con giồng khác dọc theo xã Hòa Thuận, xuống Hòa Lợi, Phước Hảo… tạo ra những quần cư đông đảo, sung túc. Chính những con giồng này, qua quá trình kiến tại địa chất lâu dài đã nâng cao cao trình chung cho địa bàn thành phố Trà Vinh và những vùng phụ cận, giúp thành phố ven sông này tránh được tình trạng ngập sâu mỗi khi triều cường. Khác với miền Bắc, miền Trung có địa hình dốc thoai thoải khi đi từ đất liền ra biển, địa hình đồng bằng sông Cửu Long lại cao từ phía biển và thấp dần khi đi vào đất liền, mà lòng chảo là vùng trũng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên. Chính vì vậy, các thành phố Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ… mưa bão, triều cường gây ngập sâu đã và đang là vấn nạn không dễ giải quyết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp, nước biển có xu hướng ngày càng dâng cao thì cao trình cũng là một yếu tố phải tính tới trong quá trình phát triển bền vững các đô thị.
Dòng sông Trà Vinh nối với kinh đào Ba Tiêu, Rạch Lọp vừa đổ ra sông Cổ Chiên (phía Sông Tiền) vừa đổ ra Sông Hậu, kết nối thành phố Trà Vinh với hệ thống đường thủy nội địa quốc gia và đường biển quốc tế. Thành phố Trà Vinh cũng là đầu mối hệ thống giao thông đường bộ khá thuận tiện không chỉ nối các huyện, thị xã trong tỉnh mà còn nối các đô thị nằm sâu trong đất liền ra biển, nối các đô thị ven biển Tây Nam Bộ với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, Quốc lộ 60 và các tuyến cao tốc, tuyến lộ chiến lược ven biển sẽ được hình thành theo quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia…
3. Tiềm năng ven biển và tầm nhìn hướng ra biển lớn
Đô thị Duyên Hải nhìn từ sông Long Toàn. Ảnh: ĐỨC HUY
Thành phố Trà Vinh nằm cách Biển Đông khoảng hơn 40km, theo đường chim bay, là một trong những đô thị quan trọng ven Biển Đông của khu vực miền Tây Nam Bộ. Ngoài thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vùng ven biển Trà Vinh đang phát triển với tốc độ cao để trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, nhất là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) thân thiện với môi trường. Song song đó, với lợi thế nằm giữa hai nhánh chính của sông Cửu Long (sông Cổ Chiên và Sông Hậu) cùng với luồng kinh đào cho tàu trọng tải lớn ra vào Sông Hậu, Trà Vinh đang thực sự là trung tâm kết nối không chỉ cho bán đảo Vĩnh Trà mà còn cả các thành phố lớn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.
Ở thế kỷ XXI, khái niệm lãnh thổ quốc gia, địa phương không chỉ đơn thuần là địa phận như trước mà phải quan tâm đúng mức đến không phận và hải phận. Liên tục hai nhiệm kỳ đại hội vừa qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam có nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách hướng tầm nhìn ra biển lớn, đánh thức tiềm năng, phát huy lợi thế to lớn của vùng ven biển và vùng biển, không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển tại địa phương mà còn góp phần quan trọng nâng cao tiềm lực quốc phòng an ninh quốc gia, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng bền vững.
Với vị trí đắc địa hiện có, thành phố Trà Vinh có tiềm năng to lớn để đảm nhận vai trò trung tâm huy động, điều phối mọi nguồn lực của cả một khu vực rộng lớn hướng tầm nhìn phát triển vùng ven biển và vùng biển theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.
IV. Vài nhận xét
1. Thành phố Trà Vinh có bề dầy truyền thống hàng trăm năm về lịch sử và văn hóa. Lịch sử thành phố Trà Vinh là lịch sử của một quá trình liên tục kiên cường đấu tranh với áp bức bất công, dũng cảm, tiên phong vượt lên phía trước trong chiến hào cùng cả nước chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Văn hóa thành phố Trà Vinh là sự kế thừa văn hóa cội nguồn song song với việc tiếp biến văn hóa các tộc người, các tôn giáo cùng cộng cư, hình thành phong thái chan hòa, cởi mở, dễ dàng tiếp thu, đón nhận, vận dụng cái hay, cái mới vào thực tiễn cuộc sống.
Dũng cảm, kiên cường và chan hòa, cởi mở là hai tố chất cơ bản làm nên tính cách người thành phố Trà Vinh, là bản sắc văn hóa căn cốt của vùng đất thành phố Trà Vinh.
2. Thành phố Trà Vinh hiện nay ẩn chứa nhiều tiềm năng to lớn để phát triển. Tiềm năng đến từ truyền thống lịch sử và văn hóa hun đúc nên hào khí người thành phố Trà Vinh, bản sắc văn hóa đa dân tộc thành phố Trà Vinh. Tiềm năng đến từ địa hình, địa thế, đầu mối kết nối hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường hàng hải quốc tế. Tiềm năng đến từ vị thế của một đô thị trẻ ven biển hướng tầm nhìn ra đại dương mênh mông trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia trong giai đoạn mới.
3. Cần có sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc và phát huy đúng mức vị thế của đô thị thành phố Trà Vinh trong quá trình sáp nhập, mở rộng không gian phát triển toàn diện, đảm bảo cho địa bàn Trà Vinh và các vùng đất lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển hài hòa, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhà văn, NNC TRẦN DŨNG
Chú thích
1. Việt sử xứ Đàng Trong. Phan Khoang. Nhà sách Khai Trí, SG 1969. Tr 218.
2. Đình Vĩnh Trường (nay thuộc xã Hòa Thuận) được xây dựng vào thập niên 1920, được sắc phong Thần Thành hoàng bổn cảnh năm Tự Đức thứ năm (1852) và được công nhận Di tích lịch sử văn hóa ấp tỉnh năm 2023.
3. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh (1930 - 1975). Trần Dũng. Thành ủy Trà Vinh ấn hành 2020. Tr 18.
4. Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn. Tỉnh Vĩnh Long. Nguyễn Đình Đầu. Nxb TpHCM, 1998. Trang 80.
5. Đình Minh Đức, nay gọi là đình Long Đức (tọa lạc tại Ngã tư đường Phạm Hồng Thái và Lê Lợi, nội ô thành phố) được được sắc phong Thần Thành hoàng bổn cảnh năm Khải Định thứ hai (1917) và được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2021.
6. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd. Tr 19.
7. Việt Nam, những sự kiện lịch sử (1858 - 1918). Dương Trung Quốc. Nxb Giáo dục 1999. Tr 264.
8. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd. Tr 20.
9. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd. Tr 21.
10. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd. Tr 22.
11. Ca dao Nam Bộ.
12, 13. Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng (lưu hành tại Nam kỳ đầu thế kỷ XX). Nguyễn Hữu Hiệp, Lê Minh Quốc. Nxb Trẻ TPHCM, 1998.
14. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd. Tr 49 - 51.
15. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh. Sđd. Tr 81.
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới với hơn 2 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, bệnh ung thư vú đứng thứ 3 với 21.555 ca mắc mới.