30/06/2022 09:18
Đại diện Chi hội Phụ nữ ấp Qui Nông A đến gặp bà Thạch Thị Trương (phải) thăm hỏi về sức khỏe bé Thạch Nhật Anh.
Chính vì lẽ đó, để vận động nhóm người này tham gia BHYT hộ gia đình, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH tỉnh Trà Vinh đã và đang tích cực vào cuộc triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường, vận động phát triển người tham gia BHYT. Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, thực hiện Quyết định số 861 và các Quyết định của UBND tỉnh Trà Vinh về việc công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện toàn tỉnh có 24 xã và 43 ấp khu vực III, 52 xã khu vực II, với tổng số 314.372 người không còn được ngân sách Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT so với năm 2021.
05 tháng đầu năm 2022, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quyết liệt triển khai công tác phát triển người tham gia BHYT. Qua rà soát, BHXH tỉnh đã chuyển 23.592 người bị ảnh hưởng bởi các quyết định nêu trên đủ điều kiện sang các nhóm được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng, đồng thời vận động được 89.464 người bị ảnh hưởng chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình và học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đến ngày 20/6/2022, số người tham gia BHYT là 775.996 người, đạt 76,77% dân số, đạt 85,22% chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy giao, giảm khoảng 190.000 người so với năm 2021.
Thực tế, còn rất nhiều người chủ quan không tham gia BHYT bởi họ nghĩ không cần sử dụng đến trong khi phải bỏ ra 804.600 đồng tham gia hàng năm. Hơn nữa, suốt thời gian dài, người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nên không phải bỏ tiền ra tham gia BHYT đến khi ngân sách Nhà nước không còn tiếp tục hỗ trợ mua thẻ BHYT, tâm lý rất nhiều người không muốn tự nguyện tham gia.
Bên cạnh, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 làm cho kinh tế, đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước những thách thức trên, BHXH tỉnh đã chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và kịp thời đưa ra các giải pháp vận động người dân tham gia BHYT. Bên cạnh, chú trọng tăng cường công tác truyền thông giúp người dân hiểu các giá trị, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT và đồng thuận tham gia.
Bà Trần Thị Hồng, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải bị bệnh bạch cầu dạng tủy cấp, phải chuyển tuyến điều trị lên Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí điều trị rất cao. Nhờ có thẻ BHYT, bà Hồng được cơ quan BHXH chi trả trên 360 triệu đồng. Hay trường hợp bé Thạch Nhật Anh, ấp Qui Nông A, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành sinh tháng 12/2021. Lúc mới sinh, bé được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm khuẩn trẻ sơ sinh, các đa dị tật bẩm sinh. Gần 07 tháng, từ khi được sinh ra đến nay, bé nằm viện điều trị, chưa một lần được về nhà.
Bà Thạch Thị Trương, bà nội của bé Thạch Nhật Anh chia sẻ: gia đình khó khăn, thật sự không đủ chi phí chữa bệnh cho bé. May mắn có thẻ BHYT của Nhà nước cấp dành cho trẻ em dưới 06 tuổi, bé tiếp tục được điều trị. Do cuộc sống khó khăn nên hơn 02 tháng qua, ngoài số tiền được cơ quan BHXH chi trả, các chi phí còn lại đều được mạnh thường quân hỗ trợ gia đình điều trị bệnh cho bé.
Được biết, số tiền Quỹ BHYT chi trả điều trị cho bé Thạch Nhật Anh khá lớn, trong 05 tháng đầu năm 2022, BHXH đã thanh toán trên 102 triệu đồng điều trị bệnh cho bé. Thấy được lợi ích thiết thực của BHYT nên dù cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng bà Thạch Thị Trương và các thành viên trong gia đình đều dành dụm tiền mua BHYT.
Cùng xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, anh Sơn Nam, ấp Đa Hòa Bắc làm nghề sửa xe, tuy cuộc sống gia đình chỉ ở mức trung bình nhưng anh cũng chủ động mua BHYT cho bản thân và những người trong gia đình. Anh chia sẻ: chứng kiến nhiều người bị bệnh, nhập viện điều trị chi phí rất cao và được cơ quan BHXH chi trả viện phí, dù bản thân là thanh niên khỏe mạnh, nhưng tôi cũng mua thẻ BHYT phòng thân. Trường hợp không có thẻ BHYT, không may bị bệnh, gia đình sẽ nghèo khó, thậm chí bán hết của cải để điều trị.
Như trường hợp ông Thạch Bê, ấp Đa Hòa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành rất khó khăn, do không mua BHYT nên khi đỗ bệnh tai biến, không còn cách nào khác phải kêu gọi sự giúp đỡ của những mạnh thường quân hỗ trợ chi phí chữa bệnh, tiếp tục cuộc sống. Cuộc sống của ông đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Thông tin từ Phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh), trong 05 tháng đầu năm, có 443.387 lượt người khám, chữa bệnh BHYT, số tiền BHXH chi trên 190,5 tỷ đồng, giảm gần 100 tỷ đồng so với 05 tháng đầu năm 2021 (764.638 lượt, 286,8 tỷ đồng). Nguyên nhân giảm một phần do tỷ lệ người tham gia BHYT giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2022.
Nhiều điều bất trắc xảy ra trong cuộc sống, khi đó, tấm thẻ BHYT được xem là “cứu cánh” đối với những gia đình khó khăn, khẳng định BHYT là “điểm tựa” của mọi người. Thực hiện mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, do đó việc phát triển số người tham gia BHYT được cả hệ thống chính trị quan tâm, đưa chính sách BHYT đi vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động và Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Vùng đất nay là tỉnh Trà Vinh được nhập vào “hoàng triều cương thổ” vào năm 1757, dù bàn chân khai phá của người Việt đã có mặt từ nhiều thập niên trước đó. Suốt giai đoạn phong kiến chúa Nguyễn và triều Nguyễn, địa bàn này được phân định và diên cách thành một phủ (Lạc Hóa), bao gồm hai huyện là Trà Vang (sau đổi thành Trà Vinh) và Tuân Ngãi.