04/09/2022 05:46
Từ đó, tạo nét riêng, khác biệt trong các sản phẩm du lịch, như: điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Hô, Khu du lịch sinh thái biển Ba Động, du lịch nông nghiệp cùng các điểm di tích của người Khmer, Hoa để thu hút khách tham quan...
Du khách thưởng thức đặc sản cốm dẹp và dừa sáp tại khuôn viên chùa Cành Đa, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè.
Trà Vinh - tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất cộng cư, gắn bó lâu đời của 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành nền văn hóa đa sắc tộc, có sự khác biệt so với các tỉnh trong vùng mà đặc trưng là bản sắc văn hóa Khmer. Tỉnh Trà Vinh có nhiều công trình kiến trúc lâu đời có giá trị lịch sử văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm. Do đó, du lịch văn hóa là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Trà Vinh.
Cùng với đó, điều kiện đặc thù về địa lý, tỉnh có hệ thống sông rạch phong phú, nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn… đã tạo cho Trà Vinh về sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú ở cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt. Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng cũng là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh.
Từ đó, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “thuận thiên” trong hình thành chuỗi giá trị du lịch đã và đang dần hình thành, tạo điểm nhấn trong những năm gần đây về du lịch Trà Vinh.
Biểu đồ phát triển du lịch Trà Vinh.
Ông Nguyễn Hoàng Huy Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch nông nghiệp Việt Nam (chuyên về lĩnh vực du lịch nông nghiệp) nói về lợi thế trong khai thác du lịch ở Trà Vinh: trong xây dựng chiến lược du lịch sẽ được công ty tập trung ở Cầu Kè và kết nối với các vùng nông thôn của tỉnh như Cồn Chim, Cồn Hô… Đặc biệt, Cầu Kè là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, con người mang đậm nét văn hóa Kinh – Khmer - Hoa. “Sạch và lành” là yếu tố mà Công ty nhận thấy ở Trà Vinh nói chung và Cầu Kè nói riêng khi thực hiện khảo sát qua các chuyến về tỉnh trong du lịch, đó là tính an ninh trật tự tốt, môi trường du lịch chưa xáo trộn…
Ông Dương Hoàng Sum, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: du lịch Trà Vinh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: các khu du lịch sinh thái mới được bước đầu triển khai thành lập, cơ sở hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng chưa được đầu tư đồng bộ nên phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có và yếu tố văn hóa lễ hội, tâm linh để thu hút du khách, số lượng khách quốc tế, khách miền Trung, miền Bắc chưa cao; các khu di tích chưa được bảo tồn đúng mức, một số di tích bị xuống cấp.
Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hoá Khmer bằng giải pháp xây dựng hoàn chỉnh Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Khmer và tạo điểm nhấn cho ngành du lịch. Đồng thời, đầu tư, nâng cao chất lượng các điểm đến là “mô hình kiểu mẫu” trong việc xây dựng chuỗi giá trị du lịch gắn với thế mạnh du lịch nông nghiệp của tỉnh.
Đối với một số địa phương sẽ tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, tạo điểm nhấn; như huyện Duyên Hải phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển; huyện Cầu Ngang khai thác du lịch lễ hội gắn với làng nghề và các cồn nổi ven biển; huyện Trà Cú du lịch văn hóa làng nghề; huyện Cầu Kè phát triển du lịch lễ hội, sinh thái miệt vườn; huyện Châu Thành tập trung vào du lịch cộng đồng; huyện Tiểu Cần ưu tiên phát triển loại hình du lịch nông nghiệp; huyện Càng Long đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với làng nghề truyền thống…
Thông tin từ lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, để nâng cao hoạt động du lịch của tỉnh; trong đó, tỉnh sẽ tranh thủ các nguồn vốn ngân sách từ Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thông tin đối ngoại; dự án SME... tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến, quảng bá du lịch và kỹ năng phục vụ khách du lịch; tập huấn “Kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp du lịch” cho các hộ kinh doanh du lịch ở xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải; cù lao An Lộc (xã Hòa Tân) và cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân) huyện Cầu Kè.
Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu như hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tham gia hội chợ, triển lãm quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch; kịp thời cung cấp thông tin, làm đầu mối cho các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, hợp tác phát triển du lịch; hỗ trợ thông tin cho các trung tâm lữ hành, doanh nghiệp du lịch về các địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, đặc sản, sản phẩm OCOP, quà lưu niệm, sản phẩm du lịch.
Hỗ trợ các doanh nghiệp lập các thủ tục xin hỗ trợ theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh ban hành Quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 - 2025. Triển khai xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch với các dự án ưu tiên đầu tư như: Khu du lịch biển Ba Động (thị xã Duyên Hải); Làng Văn hóa- Du lịch Khmer (thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành); khu khoáng nóng thị xã Duyên Hải, khu du lịch sinh thái nông trường ở thị xã Duyên Hải; khu du lịch rừng đước huyện Duyên Hải; khu du lịch sinh thái cù lao Long Trị (thành phố Trà Vinh); khu du lịch sinh thái hàng dương, huyện Cầu Ngang; khu du lịch sinh thái cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Theo lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với gió mạnh, trong 02 ngày 01-02/4 đã gây sạt lở, vỡ bờ bao và sập nhà của hộ dân trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Càng Long và Duyên Hải.