25/07/2021 13:22
Bài 2: Làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay là thành quả cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ của toàn dân và toàn quân ta, trong đó, có sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 09 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, gần 01 triệu thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và bệnh binh, hơn 100.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng, hơn 04 triệu người người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, gần 240.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…
ĐVTN và lãnh đạo huyện Càng Long thăm hỏi gia đình chính sách xã Nhị Long nhân dịp sinh nhật Đoàn 26/3/2021.
Là tỉnh có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và hơn 10 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, tỉnh Trà Vinh có gần 19.000 người con thân yêu đã hy sinh; hơn 8.200 cán bộ, chiến sĩ bị thương tật; trên 24.000 gia đình có công với nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ” (Trích trong Diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng (05/01/1960). Với truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước. Kể từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban nhành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với nước; chính sách đó đã được thể chế thành pháp luật, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghía Việt Nam. Điều 59, khoản 1: “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với nước) và Nhà nước ta đã ban hành Pháp lệnh “Ưu đãi người có công với cách mạng”; Pháp lệnh quy định Danh hiệu Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” và nhiều chính sách ưu đãi khác.
Thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chăm lo cho hàng chục ngàn người trên địa bàn tỉnh, đó là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hàng năm, ngân sách tỉnh dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi người có công. Ngoài chính sách trợ cấp, tỉnh còn thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; miễn giảm thuế; xây dựng, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, thăm viếng, tặng quà gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết và ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7...
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước đã trở thành phong trào lôi cuốn sâu rộng các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tham gia. Các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trong tỉnh đã cùng Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân đã tự nguyện vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: trao tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh; tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh, chăm sóc nhà bia ghi tên liệt sĩ, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ. Đồng thời, chúng ta cần ghi nhận sự phấn đấu vươn lên của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng cuộc sống gia đình và góp phần vào các phong trào chung của địa phương, đặc biệt phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “giảm nghèo bền vững”; nhiều cá nhân là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Qua các hoạt động trên, đến nay trên địa bàn tỉnh, các gia đình có công với cách mạng đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức thu nhập trung bình của dân cư trên địa bàn và 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác chăm sóc người có công.
Những kết quả nêu trên khẳng định sự quan tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán, là trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Chúng ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh xương máu vì nền hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tri ân những người có công với đất nước vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Đồng thời, phản bác mạnh mẽ những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bọn cơ hội chính trị cho rằng: “Đảng, Nhà nước ta đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”, chúng còn rêu rao rằng: “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa, sự hy sinh đó có xứng với những chính sách ưu đãi hiện nay?”; hoặc cho rằng “Sự hy sinh của các anh là vô nghĩa, vì cuộc chiến tranh chống Mỹ thực chất là cuộc chiến tranh ủy nhiệm của hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô”.
Nguy hiểm hơn, trắng trợn hơn, chúng đánh đồng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh với những người lính Sài Gòn chết trận và thương, phế binh ngụy; gần đây, một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài câu kết với một số cá nhân, tổ chức tôn giáo trong nước (Như Việt Tân, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” câu kết với một số cá nhân, tổ chức tôn giáo trong nước như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Dòng Chúa Cứu thế (38, Kỳ Đồng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), Hội H.O. Cứu trợ Thương phế binh và Quả phụ Việt Nam Cộng hòa) tổ chức chương trình từ thiện giúp đỡ những thương, phế binh Việt Nam cộng hòa có hoàn cảnh khó khăn, với luận điệu cho rằng, những hoạt động “tri ân” số thương phế binh ngụy là việc làm nhằm thực hiện tiến trình “hòa giải”, “hòa hợp” dân tộc; chúng còn kêu gọi, tập hợp những đối tượng bất mãn, cơ hội lập ra các câu lạc bộ, hội, nhóm… hoạt động trái pháp luật, từ đó tuyên truyền, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia biểu tình, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự…
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, trang 148,149); Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI cũng nêu: “Thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để người có công và thân nhân có mức sống từ trung bình khá trở lên so với địa bàn nơi cư trú; tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng về quyền lợi đối với người có công qua các thời kỳ. Huy động các nguồn lực xã hội để làm tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa” (Tỉnh ủy Trà Vinh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; xuất bản năm 2020, trang 122).
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, trong thời gian tới cần thực hiện các vấn đề sau:
Một là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, cụ thể là Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư “về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng”, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; nhận thức sâu sắc về mục đích, giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện công tác chính sách nói chung, chính sách đối với người có công với cách mạng nói riêng. Qua đó, xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Hai là, triển khai và thực hiện đúng, đầy đủ những điểm mới các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH/QH14, ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về Ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2021) và các nghị định, thông tư hướng dẫn về các chính sách đối với người có công với cách mạng. Hoàn thành việc xác nhận người có công với cách mạng, giải quyết hồ sơ tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và không để sót.
Ba là, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công với cách mạng và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", quan tâm giúp đỡ về vật chất, động viên về tinh thần, giúp đỡ người có công đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống. Tiếp tục vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để tu bổ, xây dựng các công trình đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ người có công, hoặc thân nhân của người có công khi khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Đồng thời, quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”.
Bốn là, nâng cao năng lực của của cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có đạo dức cách mạng trong sáng, lòng nhiệt huyết, năng động, sáng tạo… để thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng, kiến nghị với cấp uỷ và chính quyền các cấp kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.
Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân nêu cao ý thức cảnh giác, không nghe, không tin các luận điệu tuyên truyền, xuyên tác của các thế lực thù địch, phản động, bọn cơ hội chính trị liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc gây chia rẽ của bọn chúng, góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng ở tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, tạo được niềm tin của người có công nói riêng và Nhân dân trong tỉnh nói chung về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tập thể, cá nhân trong tỉnh với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bằng tình cảm sâu sắc và việc làm thiết thực, sẽ tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.