21/02/2021 07:50
Tổ may khẩu trang ấp Châu Hưng.
Đưa pháp luật đến với đồng bào Khmer
Với mong muốn nâng cao hiểu biết cho đồng bào Khmer, ông Thạch Cơne, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống tội phạm chùa Trà Sất C, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú và là Người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer đã có nhiều cách làm mới.
Nếu như trước đây, trong những ngày lễ, ngày Rằm của đồng bào Khmer, CLB chỉ tuyên truyền các nội dung liên quan đến pháp luật và phòng, chống tội phạm nên các cuộc tuyên truyền chưa thật sự phong phú, chưa gắn với nhu cầu và thực tế đời sống của người dân. Còn nay, trước khi CLB tổ chức tuyên truyền sẽ tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để lựa chọn nội dung cho phù hợp. Hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần; mỗi quý, CLB mời ngành chức năng của xã, huyện đến tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ các thông tin pháp luật liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự diễn ra trong quý đó.
Ông Thạch Cơne cho biết: để góp phần nâng cao công tác tuyên truyền, tôi cùng CLB thu thập những thông tin cần thiết liên quan đến dịch bệnh và thực hiện theo sự khuyến cáo của ngành chức năng. Mỗi lần tổ chức tuyên truyền cho phật tử ở chùa, tôi cùng Ban Quản trị chùa cung cấp những kiến thức và hướng dẫn kỹ năng và các biện pháp phòng, chống. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của sư sãi và phật tử đối bản thân và cộng đồng trong việc tự phòng là chính.
Chị Lư Thị Sang, ở ấp Trà Sất C, xã Long Hiệp cho biết: tôi thường xuyên tham gia sinh hoạt với CLB do có nhiều kiến thức bổ ích cho đời sống. Mỗi khi CLB thông tin nhiều nội dung tôi tiếp thu không kịp thì tôi đến hỏi ông Thạch Cơne, nhờ ông dịch ra tiếng Khmer để dễ hiểu và thực hiện.
Ông Thạch Cơne không chỉ là nhân tố tích cực trong tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Khmer, mà còn là tấm gương trong công tác vận động Nhân dân thi đua lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo và XDNTM. Ông Thạch Kim Sĩ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Hiệp, huyện Trà Cú cho biết: với vai trò là Người có uy tín, ông Thạch Cơne là một nông dân tiêu biểu trong sản xuất với mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi bò. Người dân ở địa phương kính trọng và xem ông là tấm gương sáng trong vượt khó, thoát nghèo, đi đầu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực đóng góp vào các phong trào của địa phương đặc biệt là XDNTM. Không chỉ hiến đất làm đường nông thôn, ông còn vận động các hộ dân ở ấp hàng tuần dọn dẹp vệ sinh, giữ cho con đường được sạch đẹp. Ông xứng đáng là một trong những tấm gương sáng trong phong trào học tập và làm theo Bác.
Uy tín đến từ “miệng nói, tay làm”
Ông Thạch Cơne (trái) giới thiệu về con đường nông thôn mới do ông vận động các hộ dân ở ấp dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
Tuy không được bình chọn là Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, nhưng chị Huỳnh Thị Mỹ Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè lại được hội viên phụ nữ và người dân ở địa phương quý mến, tín nhiệm, xem như người có uy tín đối với họ.
“Miệng nói, tay làm” đó là nhận xét của Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Điền- Đỗ Thị Tuyết Hạnh khi nhận xét về chị Mỹ Thanh. Minh chứng cho lời nói đó, chúng tôi đến thăm Chi hội Phụ nữ ấp Châu Hưng, được chị em dẫn đến tham quan các ngôi chùa Khmer trên địa bàn xã. Cảm nhận đầu tiên khi tôi bước vào ngôi Sa-la của chùa là những chiếc khẩu trang được sắp xếp cẩn thận, ngăn nắp trong tủ kính, cạnh bên là những chai nước rửa tay sát khuẩn.
Sư cả Thạch Chan Tha, Trụ trì chùa Ô Tưng, ấp Ô Tưng, xã Châu Điền cho biết: hiện nay dịch bệnh Covid-19 tuy đã được kiểm soát, nhưng chùa vẫn phải cất giữ những chiếc khẩu trang và chai nước rửa tay sát khuẩn cẩn thận, phòng lúc cần thiết có thể đem ra sử dụng. Trước đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chị em phụ nữ ở ấp Châu Hưng có đến chùa tặng các vị sư khẩu trang và nước sát khuẩn, đồng thời tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ trước tới giờ, chư tăng không quen đeo khẩu trang nên rất ngại, nhưng nhờ Hội Liên hiệp phụ nữ xã, đặc biệt là chị Mỹ Thanh đến tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh và tặng những chiếc khẩu trang được may bằng vải màu áo cà sa nên chư tăng và phật tử hưởng ứng cao.
Chị Mỹ Thanh, người khởi xướng phong trào may khẩu trang nhớ lại: ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân ở gần nhà không mua được khẩu trang nên sẵn tiện biết nghề may, tôi bắt đầu tận dụng vải vụn để may tặng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn không có điều kiện. Thấy vậy, các chị Chi hội trưởng ở các chi hội ấp lân cận điện thoại hỏi tôi, có cần giúp gì không và tình nguyện tham gia. Người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người thì giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, người “khéo ăn khéo nói” thì đảm đương công tác vận động... từ đó “Tổ may khẩu trang” ra đời với 23 người tham gia.
Để đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng sử dụng, việc lựa chọn chất liệu, màu sắc cũng được cán bộ, hội viên chi hội chú trọng. Chị Mỹ Thanh chia sẻ thêm: để phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Khmer, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo khi may khẩu trang tặng cho các vị sư ở các chùa cần lựa chọn màu vải giống với màu áo cà sa; học sinh, sinh viên thì tặng màu xanh nước biển, người già, phật tử thì may vải có những gam màu tối... nhờ đó dù là sư sãi hay phật tử, nam hay nữ, trẻ em hay người lớn tuổi đều nhận được những chiếc khẩu trang phù hợp, ưng ý từ bàn tay khéo léo của các chị.
Mỗi hội viên mỗi hoàn cảnh khác nhau, hàng ngày bận rộn với mưu sinh nên ít có cơ hội tìm hiểu về nhau. Vậy mà, ở thời điểm tâm dịch Covid-19, dẫu rằng phải giữ khoảng cách an toàn khi “giãn cách xã hội” nhưng những thông tin về nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cùa từng hoàn cảnh chị em và các hộ khó khăn trên địa bàn xã lại được chuyền tai nhau một cách nhanh chóng. Từ đó các chị đã bàn bạc nhau và tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời với mục đích “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Song song đó, các hội viên còn tranh thủ thu xếp việc cá nhân để chung tay cùng “Tổ may khẩu trang” tạo ra những sản phẩm mang tính nhân văn sâu sắc.
Bài, ảnh: SỐC KHA
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.