30/10/2023 09:21
Hiện toàn huyện chỉ còn 233 hộ nghèo, trong đó có 104 hộ Khmer. Năm 2023, huyện tiếp tục được Trung ương và địa phương đầu tư hơn 17 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2022 chuyển sang) để xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào Khmer. Đặc biệt có 71 hộ được hưởng lợi trực tiếp theo Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023; trong đó 15 hộ được hỗ trợ nhà ở; 44 hộ hỗ trợ chuyển đổi nghề; 12 hộ hỗ trợ nước sinh hoạt.
Tập Ngãi là một trong những xã có gần 50% đồng bào Khmer sinh sống. Năm 2023, Tập Ngãi được Trung ương và địa phương phân bổ vốn hơn 2,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, xã còn có 10 hộ Khmer được hưởng lợi từ chính sách dân tộc. Trong đó có 05 hộ được hỗ trợ nhà ở (46 triệu đồng/hộ); 06 hộ được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất (10 triệu đồng/hộ).
Bà Nguyễn Thị Diễm, công chức xã Tập Ngãi đến thăm gia đình anh Thạch Quang vừa xây xong căn nhà mới từ chính sách dân tộc.
Gia đình anh Thạch Quang, ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi, thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn. Do mắc nhiều bệnh tật, nên anh Quang thường xuyên đi điều trị tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dù thế những anh vẫn cố gắng làm thuê chăm sóc đàn bò ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành để có thu nhập. Chị Thạch Thị Mười (vợ anh Quang) ở nhà chăm lo cho 02 con đi học và tranh thủ đi làm thuê giặm lúa, chăm sóc vườn,... để có tiền trang trải cuộc sống. Chồng đi làm xa nhà, lâu lâu mới về một lần. Mỗi lần mưa to, gió lớn chị và các con rất lo sợ.
Để hỗ trợ đúng đối tượng, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng, đời sống của từng đối tượng cần hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể, với mong muốn hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng. Đối với hoàn cảnh gia đình anh Thạch Quang là hộ đặc biệt khó khăn, nên chính quyền địa phương đề xuất hỗ trợ nhà ở và vốn sản xuất, để gia đình anh có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Anh Thạch Quang vui vẻ cho biết: “năm nay gia đình tôi đón Sêne Đôlta đầu tiên trong ngôi nhà mới. Gia đình tôi rất ấm áp và hạnh phúc khi được Đảng và Nhà nước chăm lo về mọi mặt. Nhiều năm qua, dù vợ chồng tôi cố gắng làm lụng vất vả, nhưng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Do bệnh tật nên tiền làm được chỉ lo cho thuốc men, trị bệnh cho tôi, không thể làm được nhà kiên cố. Nay được Nhà nước hỗ trợ nhà ở để gia đình tôi có được ngôi nhà kiên cố, không còn lo lắng như trước nữa. Bên cạnh đó, gia đình còn được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò sinh sản. Vợ chồng tôi sẽ phấn đấu lao động để lo cho gia đình được đầm ấm hơn, lo cho các con ăn học...”.
Cũng là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ ông Kim Sương, bà Thạch Thị Sa Mal, ở ấp Đại Sư, xã Tập Ngãi vừa nhận được tiền hỗ trợ để chăn nuôi bò nhân dịp mừng lễ Sêne Đôlta.
Vợ chồng ông Kim Sương, năm nay đã ngoài 60 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, có 01 người con bị nhiễm chất độc da cam. Ông Sương bị bệnh tai biến và điều trị nhiều năm nay, nhưng sức khỏe vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, nên mọi công việc đều do vợ ông chăm lo. Năm 2019, gia đình ông được UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ nhà Đại đoàn kết. Năm 2023, gia đình ông tiếp tục được hỗ trợ 10 triệu đồng để chăn nuôi bò.
Bên cạnh đó, gia đình ông được vay ưu đãi 50 triệu đồng từ chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030.
Bà Thạch Sa Mal cho biết, trước đây gia đình tôi được hỗ trợ nhà, năm nay tiếp tục được hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, vợ chồng tôi rất mừng. Tuy sức khỏe tôi có phần sa sút, nhưng tôi còn đi cắt cỏ được, nên tôi vay thêm tiền để mua thêm 02 con bò. Tôi cố gắng chăm sóc bò thật tốt, để làm tiền đề trong phát triển kinh tế gia đình.
Ông Trần Văn Lá, Phó Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần (đứng giữa) đến thăm trao đổi về cách chăn nuôi bò của gia đình bà Thạch Sa Mal ở ấp Đai Sư, xã Tập Ngãi.
Phấn khởi với những thành quả qua triển khai thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bào Khmer trên địa bàn huyện, Hòa thượng Thạch Út, Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần cho biết: được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đến nay, đời sống của người dân trên địa bàn huyện nói chung, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở các xã vùng sâu, vùng xa trong huyện nói riêng cơ bản đã ổn định và có bước phát triển đáng kể; mạng lưới điện quốc gia phủ khắp các xã; trường học, trạm y tế các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng hoàn thiện; an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Bên cạnh phấn khởi với những thành tựu mà người dân trong huyện đạt được, thì Chư tăng cũng rất phấn khởi khi được đầu tư xây dựng đường nhựa thông suốt đến15/15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, huyện còn quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, để đồng bào Khmer phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình; tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo duy trì tốt các hoạt động, lễ hội truyền thống... Từ chính sách ưu đã của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền các cấp, đời sống đồng bào dân tộc Khmer hiện nay đã phát triển toàn diện.
Để triển khai thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bào Khmer đạt được kết quả như hiện nay, ông Trần Văn Lá, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Tiểu Cần cho biết: phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua các cấp, các ngành trong huyện nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi vùng đồng bào Khmer.
Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế vùng đồng bào Khmer, trong các dịp lễ Sêne Đôlta, tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây... huyện còn quan tâm, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách là đồng bào Khmer, người có uy tín vùng đồng bào Khmer, các vị sư các chùa phật giáo Nam tông Khmer trong huyện. Qua đó, chư tăng, đồng bào Khmer trong huyện luôn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nhìn chung tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo luôn được giữ vững và ổn định; tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống giữa các dân tộc, tôn giáo trong huyện ngày càng phát triển, đó là tiền đề huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Bài, ảnh: SU CHỊA
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.