13/10/2023 16:27
Nhóm tác giả Trà Vinh theo dõi các tác phẩm triển lãm.
Niềm vui đó xuất phát từ việc có nhiều nét mới tại Liên hoan lần này. Sau 37 lần diễn ra Liên hoan, thì ở Liên hoan lần thứ 38 này, các tác giả nhiếp ảnh khu vực ĐBSCL được sáng tác thể loại ảnh bộ thay vì chỉ sáng tác ảnh đơn như truyền thống với 02 hình thức thể hiện ảnh màu và ảnh đen trắng. Chính việc thể lệ Liên hoan cho phép gửi ảnh bộ tham gia đã giúp các tác giả thay đổi cách thể hiện những “đứa con tinh thần” của mình. Từ đó nhiều tác phẩm ảnh bộ trở thành những “câu chuyện kể” thú vị về một đề tài nào đó mang hơi thở của cuộc sống.
Đơn cử như bộ ảnh đoạt Huy chương Vàng ảnh màu của tác giả Lý Anh Lam, đơn vị tỉnh Hậu Giang với tác phẩm “Hạt vàng” gieo những niềm vui. Từ 08 ảnh đơn chụp về đề tài cây lúa, thế mạnh của ĐBSCL, tác giả đã liên kết thành một câu chuyện làm thu hút người xem. Đầu tiên đó là một “ảnh đinh” chụp toàn cảnh cánh đồng lúa vàng óng từ góc nhìn trên cao, tiếp theo đó là những bức ảnh được thể hiện nhỏ hơn ghi nhận cảnh thu hoạch, phơi lúa, vận chuyển… cuối cùng là chân dung bác nông dân tươi cười cùng với nắm lúa trên tay với lời chú thích “Lúa trúng mùa, được giá càng khiến hương vị “hạt vàng” thêm trĩu nặng, say đắm lòng người”.
Theo Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lý Hoàng Long, thành viên Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan thì 2.056 ảnh màu và đen trắng của 308 tác giả gửi đến tham gia Liên hoan chính là những khoảnh khắc thể hiện sự tâm huyết của từng người dự thi. Theo đó, 178 tác phẩm tiêu biểu được chọn vào vòng triển lãm và xét giải đã thể hiện quá trình làm việc khá “vất vả” vì phải “cân, đong, đo, đếm…” của từng thành viên hội đồng giám khảo.
Thông qua những tác phẩm tham dự Liên hoan lần này với chủ đề “Đất nước - Con người đồng bằng sông Cửu Long hội nhập và phát triển”, người xem cũng nhận ra được những thông điệp, những thế mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của khu vực ĐBSCL. Từ một ý tưởng khá tinh tế, tác giả Trương Minh Nhựt đơn vị tỉnh Tiền Giang đã cho ra đời tác phẩm “Nghiện game âm thầm tàn phá tương lai”.
Nhìn vào những khía cạnh tương phản được thể hiện ở tác phẩm ảnh đen trắng này giúp người xem hình dung được những tác hại của việc chơi game chưa đúng cách của trẻ em hiện nay. Từ đó, có thể giúp các bậc làm cha, làm mẹ tự soi rọi lại con em mình để đưa ra cách giáo dục tốt hơn. Đánh giá cao về ý tưởng và thông điệp từ tác phẩm “Nghiện game âm thầm tàn phá tương lai”, ban tổ chức đã trao tác giả giải thưởng cao nhất ở thể loại ảnh đen trắng. Ở một góc nhìn khác, tác phẩm “Tập bơi hè” của tác giả Lê Tuấn Anh (Hậu Giang) đoạt Huy chương Bạc thể loại ảnh màu cũng đã khắc họa được việc phòng, chống đuối nước ở ĐBSCL chưa bao giờ được chủ quan.
Riêng đơn vị tỉnh Trà Vinh dù có kết quả khá khiêm tốn ở Liên hoan lần này khi chỉ có 05 tác phẩm được vào vòng triển lãm, nhưng những tác giả trẻ như: Lâm Điều Trung, Ngô Quang Khôi, Dương Tuấn Vũ… đã giới thiệu được với người xem những hình ảnh mới của quê hương. Trong đó, bộ ảnh “Nghề đáy hàng khơi” của Lâm Điều Trung như một câu chuyện vừa vui, vừa buồn của nghề “hạ bạc” của ngư dân miền biển. Vui vì nguồn lợi hải sản từ nghề đánh bắt này đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, phát triển quê hương; nhưng đâu đó cũng phản phất những lắng đọng bởi nghề truyền thống này sắp mai một vì những gian truân mà nó mang lại cho ngư dân.
Hay ở một góc nhìn khác, tác giả Ngô Quang Khôi đã giới thiệu cho người xem một bức ảnh về Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải khá quy mô hàng ngày đang hòa vào lưới điện quốc gia một sản lượng điện khá lớn. Từ góc độ của thông điệp muốn bảo vệ môi trường, tác giả Lâm Hữu Phúc của Trà Vinh cũng “trình làng” bộ ảnh “Những đôi cánh trời Nam” với 07 khoảnh khắc từ những cánh cò trắng trong từng động tác bay lượn khá hấp dẫn…
Ở một góc độ khác, Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 38 năm 2023 tại Kiên Giang còn là dịp để giới nhiếp ảnh trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung hướng về các lễ hội truyền thống nhân kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh. Đây còn là một hoạt động nghệ thuật có nhiều ý nghĩa, mang tính truyền thống của khu vực, nhằm tạo điều kiện cho các tác giả ảnh được gặp gỡ, trao đổi, học tập lẫn nhau, góp phần sáng tác, quảng bá tác phẩm và đưa nghệ thuật nhiếp ảnh đến với công chúng ngày càng sâu rộng hơn. Hơn nữa, đây còn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó từ việc liên kết để phát triển giữa các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực ĐBSCL các năm gần đây.
Thành công của Liên hoan còn thể hiện từ việc có nhiều tác giả trẻ thể hiện góc nhìn và cách thể hiện tác phẩm độc đáo. Một vài địa phương trước đây được đánh giá là “vùng trũng” của phong trao nhiếp ảnh của khu vực như Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… nay đã vươn lên sánh vai với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Trong đó, “điểm sáng” tại Liên hoan lần này chính là đơn vị Hậu Giang, khi các tác giả trẻ của địa phương này đoạt nhiều giải thưởng cao thể hiện được sự kế thừa. Bên cạnh, những tay máy “lão thành” như Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Ngọc Nhuần (thành phố Cần Thơ) hay Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hải (Bến Tre) cũng giữ được “lửa” đam mê với 02 tác phẩm đoạt Huy chương Đồng và Huy chương Bạc của Liên hoan.
Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban tổ chức Liên hoan cho biết, “đọc” những bức ảnh tại Liên hoan, chúng ta thấy được cả một khu vực ĐBSCL, là phần cuối cùng của Châu thổ, bao gồm 13 tỉnh, thành, là vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, là 01 trong 06 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đây là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm liền kề với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất của Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước.
Những tác phẩm ảnh tại Liên hoan còn thể hiện là vùng đất giàu truyền thống, lịch sử, văn hóa và cách mạng. Đồng thời là địa bàn sinh sống, gắn bó, đoàn kết lâu đời của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… với những nét văn hóa hết sức đặc thù và nền văn minh sông nước độc đáo.
Bài, ảnh: BÁ THI
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.