02/09/2021 06:25
Truyền thống văn hóa xã hội và gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long không nằm ngoài văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam là đoàn kết, yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm, tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn để vươn lên, đồng thời có những đặc điểm riêng do đây là một vùng đất mới nằm ở hạ lưu sông Cửu Long, Nhân dân gồm nhiều dân tộc ở miền Bắc, miền Trung của Việt Nam, người Hoa ở phía Nam Trung Quốc, người Khmer ở Cam-pu-chia về đây sinh sống, nhập cư, khai hoang, xây dựng thành làng, xã,... được sự quản lý của triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam) cách đây ba, bốn thế kỷ. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, nhưng do điều kiện sinh tồn nên ngoài đặc điểm đoàn kết, bất khuất,... còn có tính hào sảng, khí khái, tương thân, tương ái sâu đậm.
Bùi Quang Huy sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, được thừa hưởng truyền thống, văn hóa ấy. Nếu nói về cuộc đời Bùi Quang Huy đến năm 2021 đã ở tuổi tám mươi, có thể tóm gọn như sau: từ nhỏ sống tại gia đình với cha mẹ, anh em. Năm mười tuổi đi học ở trường phổ thông tại thị xã Vĩnh Long hết chín năm; năm mười chín tuổi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Trà Vinh mười lăm năm. Sau ngày 30/4/1975 chấm dứt chiến tranh, tiếp tục công tác tại tỉnh Cửu Long mười lăm năm, tỉnh Trà Vinh tám năm, tỉnh Cà Mau ba năm và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ ba năm. Năm 1996 nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi lăm về sống tại thành phố Trà Vinh, gắn bó với Đảng bộ và Nhân dân Phường 6, thành phố Trà Vinh.
Tám mươi tuổi, gần năm mươi năm hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước phân công nhiều lĩnh vực, địa bàn khác nhau cả ở Trung ương và địa phương, được đi nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng thời gian công tác, cũng như lĩnh vực phụ trách lâu dài nhất là công tác tư tưởng, tổ chức, thông tin, báo chí... Trên hai mươi năm được là người đứng đầu, lãnh đạo toàn diện như: Bí thư huyện ủy Duyên Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Cửu Long, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Cà Mau, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thường trực Tỉnh ủy Cửu Long, nhờ đó mà Huy được đi nhiều địa phương trong cả nước, tiếp xúc nhiều cán bộ các cấp, tiếp xúc Nhân dân nhiều dân tộc, góp phần xử lý nhiều lĩnh vực văn hóa, an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững trật tự trị an nơi phụ trách, quan hệ mật thiết với Nhân dân, với nội bộ cơ quan đơn vị nơi công tác.
Điều may mắn trong cuộc đời Bùi Quang Huy thời chiến tranh tại Trà Vinh mười lăm năm chỉ bị thương một lần ở phần mềm, Nhà nước công nhận thương binh hạng 4/4, suốt quá trình liên tục công tác được nhà nước khen thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen… nhưng xúc động nhất là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nhì và Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhứt, Nhì; Huân chương Đại đoàn kết toàn dân tộc do Chủ tịch Nước tặng. Về kỷ niệm chương của các bộ, ban ngành Trung ương thì rất nhiều, nhưng kỷ niệm chương về công tác báo chí được Hội Nhà báo Việt Nam tặng trong những năm tám mươi, có mười năm làm báo từ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Huy coi công tác báo chí là một nhiệm vụ thường xuyên vì trong chiến tranh và sau ngày 30/4/1975 có lúc Bùi Quang Huy phụ trách Tổng Biên tập Báo Trà Vinh, Cửu Long, nhưng từ lúc còn ngồi trên ghế trường trung học phổ thông đã tham gia viết báo tường, đến khi nghỉ hưu đến nay vẫn không rời tay viết, tự nguyện khi còn minh mẫn vẫn tham gia viết báo.
Ông Bùi Quang Huy, trao giải cho các nhà báo đoạt giải, giải Báo chí chất lượng cao tỉnh Trà Vinh năm 2019.
Do thời gian dài, được công tác ở nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực khác nhau, được đi nhiều địa phương, quan hệ với các tầng lớp Nhân dân, nay ôn lại kỷ niệm cuộc đời, tình đất tình người hết sức sâu đậm, phong phú, cả đời không thể nào quên. Tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, nơi Huy được sinh ra, lớn lên và trưởng thành đã hun đúc tình yêu quê hương, yêu tổ quốc. Hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long như hai anh em sinh đôi, nằm giữa hai nhánh sông lớn nhất của sông Cửu Long (Sông Tiền, Sông Hậu), điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội giống nhau. Khi chúa Nguyễn nhà nước Việt Nam quản lý vùng đất nầy, thành lập đơn vị hành chánh đầu tiên thì Trà Vinh, Vĩnh Long chung một tỉnh. Đến khi Nam Bộ là thuộc địa của Pháp, năm 1900 toàn quyền Pháp quyết định thành lập hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, hai tỉnh có lúc được sáp nhập là tỉnh Vĩnh - Trà, trong kháng chiến chống Mỹ chính quyền Sài Gòn tách ra thành hai tỉnh, đến khi cách mạng thành công, thống nhất đất nước, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập thành tỉnh Cửu Long (1976) cho đến năm 1992 lại tách ra thành hai tỉnh Trà Vinh - Vĩnh Long như cũ. Việc nhập tách hai tỉnh như vậy là do nhu cầu lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ, chứ lòng dân hai tỉnh trước sau như một vẫn đoàn kết, thống nhất, gắn bó máu thịt để cùng phát triển. Bản thân, Huy tuổi thơ gắn bó với tỉnh Vĩnh Long, trong kháng chiến chống Mỹ gắn bó với tỉnh Trà Vinh, khi xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa thì gắn bó cả hai tỉnh, thời gian được tham gia trực tiếp lãnh đạo ở Trà Vinh và Vĩnh Long trên hai mươi lăm năm. Điều đó nói lên tình đất, tình người của Huy ở hai tỉnh là một, rất sâu đậm, có nhiều kỷ niệm mà cả đời Huy không bao giờ quên.
Sau Đồng Khởi (1960) Huy từ giã thị xã Vĩnh Long về quê ở làng Hiếu Thành nay là xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm đi kháng chiến. Lần đầu tiên Huy phải đi bộ mấy chục cây số, đi qua xã Hiếu Thành (huyện Vũng Liêm) xã An Trường, Mỹ Cẩm (huyện Càng Long) đến tối đi qua lộ số 7 (nối liền thị xã Vĩnh Long và thị xã Trà Vinh) để về cơ quan huyện Vũng Liêm đóng tại xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm). Đây là những vùng mới được giải phóng sau Đồng Khởi, nhân dân rất phấn khởi, sinh khí tập luyện của anh em du kích, tập múa hát của các em thiếu niên làm xua tan mệt nhọc của Huy sau cả ngày đường đi bộ, đến gần nửa đêm Huy mới đến cơ quan huyện ủy ở trong nhà một người dân mới được giải phóng, chủ nhà là hai vợ chồng anh Ba trên năm mươi tuổi vui vẻ, cởi mở dọn cơm cho Huy và anh cán bộ xã dẫn đường đưa Huy đi kháng chiến... Tất cả đều mới lạ, ngỡ ngàng trong ngày đầu tham gia kháng chiến. Đêm ấy Huy ngủ ngon trong một chòi nhỏ lợp lá mà anh Ba cất cạnh bờ đập, cây cối rậm rạp, vì là vùng mới giải phóng phải cảnh giác địch đánh biệt kích.
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cơ quan, bộ đội đều ở trong nhà nhân dân, thực hiện ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Chiến tranh ngày càng ác liệt, quân Mỹ và quân Ngụy Sài Gòn dùng máy bay ném bom bắn pháo 105 ly, 155 ly bừa bãi khắp vùng nông thôn giải phóng, kể cả ban đêm, ném bom tọa độ những nơi mà chúng nghi ngờ cơ quan, bộ đội đóng quân. Càng ác liệt tình quân dân càng gắn bó, nhân dân tự nguyện “một tấc không đi, một ly không rời ruộng vườn” để sản xuất nuôi cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ cách mạng.
Trong kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ nhắc nhở nhau thực hiện phương châm “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Huy đến khắp các vùng căn cứ giải phóng ở huyện Duyên Hải, Càng Long, Trà Ôn, Cầu Kè,... tuy không rộng lắm, hoặc có lúc nhiều cán bộ bám trụ trong vùng địch kiềm kẹp, dùng mọi thủ đoạn đánh phá, nhưng có dân là cán bộ bám trụ được để đánh địch. Tình đất, tình người là thiêng liêng, đó là căn cứ lòng dân, có Nhân dân bảo vệ, che chở, nuôi dưỡng mới an toàn. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Huy được Đảng, Nhà nước điều động trở lại Trà Vinh là người đứng đầu tổ chức Đảng, nhà nước, sau đó đến công tác ở Cà Mau, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ dù khó khăn đến mấy Huy vẫn bám cơ sở, đoàn kết cán bộ và Nhân dân nơi đến công tác, chăm lo đời sống cho Nhân dân, thực hiện tốt nhiệm vụ, quan tâm thực hiện chính sách ruộng đất, chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công với cách mạng, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là điện, đường, trường, trạm xã,... nhằm bù đắp những thiệt thòi của nhân dân vùng sâu, vùng xa thời chiến tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Điều mà Huy hết sức tâm đắc, đến đâu Huy cũng thấy được tình đất, tình người đều giống nhau, nhân dân một lòng một dạ đi theo Đảng, theo cách mạng, chịu đựng gian khổ, hy sinh lập nên biết bao chiến công. Hiện nay đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng vững mạnh, dù còn khó khăn gian khổ đến mấy, nhất định nhân dân ta giữ vững bờ cõi Tổ quốc, ra sức phát triển kinh tế nâng cao đời sống Nhân dân.
Do điều kiện công tác, nhất là thời gian được tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hay Quốc hội, Huy được đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Huy càng thấm thía tình đất, tình người Việt Nam là vô cùng thiêng liêng. Đất nước Việt Nam giàu đẹp biết bao nhiêu. Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước không ngừng phát triển, là biểu tượng của nước Việt Nam giàu đẹp. Đi dọc đường Trường Sơn, đến các tỉnh biên giới ở miền Trung, miền Bắc mới thấy hết nước non thật hùng vĩ. Huy chiêm nghiệm tình đất, tình người tuy mỗi vùng, miền có khác nhau nhưng đều có cùng một điểm chung giống nhau là “đoàn kết chung sức chung lòng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tươi đẹp”.
Trên thế giới không biết có nước nào như nước Việt Nam ta, từ Bắc chí Nam, các tỉnh, thành, quận, huyện,... đều có nghĩa trang liệt sĩ, nhiều gia đình có bàn thờ thân nhân là liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Huy đến thắp nhang ở nghĩa trang Trường Sơn, có lẽ nơi đây được quy tập mộ liệt sĩ nhiều nhất trên mười ngàn mộ, Huy mường tượng cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội và thanh niên xung phong chiến đấu giữ vững con đường chiến lược nối liền hai miền Nam Bắc Việt Nam cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn trên núi rừng Trường Sơn đầy ác liệt và gian khổ biết bao nhiêu, có thể nói, từ đồng bằng đến rừng núi, biển đảo xa xôi đều có xương máu của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân hòa quyện để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Huy đã đi qua cổng trời, đốt nhang ở cột cờ Lủng Cú - tỉnh Hà Giang giáp biên giới Trung Quốc gặp anh em bộ đội biên phòng ngày đêm bám trụ trên biên giới bảo vệ biên cương. Ở đây ngoài cán bộ, chiến sĩ biên phòng, Huy còn gặp anh chị em giáo viên, cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ lãnh đạo quản lý là người quê ở Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên công tác ở vùng biên giới này, có người đã bám trụ năm mười năm liền gắn bó với đồng bào dân tộc, nhiều chị em giáo viên ba, bốn mươi tuổi vẫn chưa có điều kiện lập gia đình, cuộc sống hết sức cơ cực, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, điện, nước, giao thông có nơi chưa có...
Nếu so sánh với vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long thì khó khăn hơn nhiều. Đi đến đâu Huy cũng nghe những năm 1979 - 1980 bảo vệ các tỉnh biên giới phía Bắc nầy là hết sức gian khổ, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, bộ đội và đồng bào đã hy sinh. Huy nghĩ “tình đất, tình người” của người Việt Nam ở đâu cũng giống nhau “đoàn kết, kiên cường, bất khuất chiến dấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Ở vùng biên giới rừng núi hiểm trở này, nếu không có đồng bào các dân tộc bám trụ, đoàn kết giúp đỡ cùng bộ đội chiến đấu thì khó mà giữ vững biên cương Tổ quốc, giữ vững hòa bình độc lập, tự do.
Những buổi sáng được sống ở Hà Nội, đi ra quảng trường Ba Đình lịch sử, nhìn lăng Bác Hồ uy nghi giữa lòng thủ đô, nhìn các đồng chí công an nghiêm trang chào cờ, hát Quốc ca, Huy rưng rưng nước mắt. Ôi đất nước Việt Nam mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đến thời đại Hồ Chí Minh Nhân dân cả nước đồng lòng, đoàn kết, chiến đấu kiên cường dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đánh đuổi thực dân Pháp chấm dứt chế độ phong kiến, thực dân, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi, thống nhất Tổ quốc, xây dựng nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có uy tín cao trên trường quốc tế cho đến ngày hôm nay. Ôn lại cuộc đời đã đi qua, Huy tự hào đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào tiến trình phát triển vĩ đại của dân tộc. Huy chỉ tiếc, nay tuổi đã cao, sức yếu, không còn được đóng góp cho dân, cho nước nhiều như trước. Bằng trí tuệ, kinh nghiệm vốn có, Huy sẵn sàng truyền lại cho con, cháu và góp phần những gì có thể được cho quê hương.
Tháng 9/2021
BÙI QUANG HUY
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.