02/12/2020 07:23
Bài cuối:
Kinh tế năm 2020 tăng trưởng: Quyết liệt trong lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền và đồng thuận của Nhân dân
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn (trái) tìm hiểu các loại nông sản của nông dân trong tỉnh nhờ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nên đảm bảo năng suất, chất lượng.
Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2020 ở Việt Nam và hiện nay vẫn còn tiếp diễn trên thế giới. Trong đó, có nhiều quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam, đã tác động hầu hết các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương của doanh nghiệp, người dân; các hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch, lễ hội, giáo dục,… tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến thu ngân sách; tỉnh phấn đấu thu ngân sách năm 2020 đạt 5.000 tỷ đồng (đạt 104,2% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao).
Khả năng thu hẹp sản xuất trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 ngắn hạn đã diễn ra, dẫn đến tình trạng mất việc tạm thời của người lao động, việc tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ và cản trở tái sản xuất. Đối với lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ chủ yếu sống nhờ lương, việc các công ty sản xuất cầm chừng và cho luân phiên nghỉ chờ việc hoặc các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các cửa hàng kinh doanh cho nhân viên nghỉ không hưởng lương, việc tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết, cách ly xã hội trong 15 ngày... đã gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của người dân. Đến cuối tháng 10/2020, có 26 doanh nghiệp, 18.641 lao động bị ảnh hưởng, trong đó 1.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 16.264 lao động bị ngưng việc, 1.007 lao động việc làm không ổn định (không có hợp đồng lao động)…
Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ của Tỉnh ủy, sự điều hành, quản lý của UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực của các đoàn thể; Nhân dân đồng thuận nên đã vượt qua; 02 ngành chủ lực công nghiệp và nông nghiệp kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những sụt giảm do dịch bệnh gây ra; nhiều công trình, dự án vẫn triển khai:
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (Km67 - Km114) dài 43,88km quy mô đường cấp III đồng bằng, xây dựng mới 02 cầu và mở rộng 05 cầu cũ, tổng mức đầu tư 1.201,25 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) là đại diện Chủ đầu tư, nguồn vốn đã được Trung ương phân bổ cho Bộ GT-VT 800 tỷ đồng để thực hiện. Hiện nay Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GT-VT đã bàn giao mặt bằng và triển khai thi công 05/06 gói thầu.
Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si, Bộ GT-VT giao Ban Quản lý dự án Thăng Long lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1923/QĐ-BGTVT, ngày 11/10/2019. Hiện đang thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Dự án Xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 53 qua thành phố Trà Vinh, Bộ GT-VT đã giao Ban Quản lý dự án 7 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1901/QĐ-BGTVT, ngày 11/10/2019. Hiện đang thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 54 đoạn Tập Sơn - Trà Vinh, Bộ GT-VT giao Ban Quản lý dự án 7 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 54 qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh (trong đó có đoạn Tập Sơn - Trà Vinh) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1901/QĐ-BGTVT, ngày 11/10/2019. Hiện đang thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án…
Ngoài ra, trung ương và tỉnh đã hoàn thành nâng cấp sửa chữa Quốc lộ 60 đoạn từ đường vào cầu Cổ Chiên đến ngã ba Bình Phú, dài 5,3km, quy mô đường cấp IV, kinh phí thực hiện 27 tỷ đồng; nâng cấp Quốc lộ 60 đoạn Trà Vinh - Sóc Trăng, theo Công văn số 10826/VPCP-QHĐP, ngày 26/11/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GT-VT nghiên cứu, đề xuất bố trí nguồn vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng Đường tỉnh 915B (giai đoạn 2). Thực hiện Công văn số 8472/BKHĐT-TH, ngày 13/11/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2020, Sở GT-VT đã trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tại Quyết định số 330/QĐ-UBND, ngày 24/02/2020, hiện đang lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án…
Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành công nghiệp tỉnh Trà Vinh vẫn phát triển và tăng trưởng, giá trị tổng sản phẩm ngành bình quân giai đoạn 2016-2019 tăng 38,33%/năm, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả tỉnh. Ước năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP chiếm 29,64% (năm 2015 chiếm 11,08%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhóm ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện (chủ yếu sản xuất điện) là 02 nhóm ngành chính của tỉnh, trong đó, giá trị sản xuất ngành điện chiếm trên 50% giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 2220/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg, Trà Vinh đã tham gia xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông”, gồm 04 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Đến nay, Đề án liên kết đã được Bí thư Tỉnh ủy 04 tỉnh ký kết; Trà Vinh đã hoàn chỉnh nội dung phát thảo Đề tài nghiên cứu: “Xây dựng chuỗi giá trị du lịch cho tiểu vùng phía Đông ĐBSCL”… Đây là tiền đề để năm 2021, ngành du lịch khai thác, hoạt động hiệu quả. |
Một số ngành chế tạo mới hình thành hoặc có doanh nghiệp lớn đầu tư (túi xách các loại, bộ tuyền dẫn điện dùng trong ô tô, giày da và bộ phận của giày da, quần áo,…) đã khẳng định được vị thế, tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, thủy sản phát triển chậm hơn các nhóm ngành trên do nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Ngoài ra, các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản phẩm của Tập đoàn Mỹ Lan hiện nay khẳng định hiệu quả, dần chiếm lĩnh thị trường, có nhiều tiềm năng phát triển, hướng đến phát triển công nghiệp 4.0.
Song song đó, cơ cấu các ngành dịch vụ, đưa vào hoạt động hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nâng cấp, cải tạo gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; phát triển thương mại điện tử, duy trì và phát huy hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng không ngừng phát triển, chất lượng tín dụng tăng, đáp ứng nguồn vốn sản xuất, tái sản xuất trong điều kiện dịch bệnh.
Hiện nay, cả nước nói chung, Trà Vinh nói riêng, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát. Việc Trà Vinh chủ động chuẩn bị ở nhiều lĩnh vực, nhất là giao thông, công nghiệp, nông nghiệp làm tiền đề để năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 phát triển nhanh, bền vững.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Cách nay 50 năm, cuối năm 1974, Trung đoàn I Quân khu 9 đã có cuộc hành quân vượt qua Sông Hậu đầy ý nghĩa. Xung quanh sự kiện mang tính lịch sử này là cả một cuộc hành trình dài đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi vẻ vang, tự hào của Trung đoàn!