19/04/2021 15:00
Ông Nguyễn Văn Khiêm.
Ngày 30/7/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại Điều 31 có quy định lấy ngày 18/4 hàng năm là ngày Bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau này, khi Luật Người khuyết tật Việt Nam, Luật số 51/2010/QH12, tại Điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18/4 hằng năm là ngày Người khuyết tật Việt Nam.
Kể từ ngày 18/4/1998, khắp nơi trong cả nước đều có các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng, chào mừng ngày Người khuyết tật Việt Nam- ngày này được coi là ngày hội của người khuyết tật. Các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan đến người khuyết tật đều có các hành động để hướng đến ngày này, với các hoạt động, như giao lưu văn nghệ - thể thao, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh miễn phí... dành cho người khuyết tật được triển khai khắp cả nước.
Gần đây nhất ngày 01/11/2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó có nhiều nội dung điều chỉnh liên quan đến lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều chương trình, đề án để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.
Số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Hàng năm có hàng triệu người khuyết tật được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; hàng trăm ngàn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ phương tiện trợ giúp (xe lăn, xe lắc…).
Song song đó, hệ thống giáo dục ngày càng phát triển, giúp cho trẻ em khuyết tật có cơ hội được đi học, được phát triển, số người khuyết tật được học nghề và có việc làm ngày càng tăng. Các tổ chức của người khuyết tật ngày càng được mở rộng,... Các chính sách, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng có sự thay đổi căn bản, chuyển từ sự trợ giúp mang tính nhân đạo từ thiện sang trợ giúp theo quan điểm phát triển, tạo động lực để cho người khuyết tật vươn lên. Người khuyết tật được hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng, được hỗ trợ dạy nghề, việc làm, vay vốn ưu đãi để làm kinh tế và hỗ trợ sinh kế… giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân mình cũng như có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Tất cả những điều này đã mang lại cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống, đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa, xã hội.
Thời gian qua có rất nhiều người khuyết tật là những tấm gương có nghị lực vươn lên tiêu biểu của người khuyết tật, đã vượt qua những rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội những điều tốt đẹp.
Qua điều tra, hiện toàn tỉnh có 14.139 người khuyết tật trong đó: khuyết tật vận động 7.230 người, khuyết tật nghe nói 1.333 người, khuyết tật nhìn 1.545, khuyết tật thần kinh, tâm thần 3.237 người, khuyết tật trí tuệ 1.376 người, khuyết tật khác 733 người. Số người đang hưởng trợ cấp hàng tháng 15.087 người, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi 2.064 em.
Từ số liệu trên cho thấy, Trà Vinh là một trong những tỉnh có tỷ lệ người khuyết tật khá cao. Phần lớn người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh. Song điều dễ nhận thấy là bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, đông đảo người khuyết tật đã không cam chịu, tích cực chủ động vươn lên trong cuộc sống.
Mặc dù đã có nhiều kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng tỉnh Trà Vinh chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, chủ yếu về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.
Kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam, là dịp để chúng ta đồng hành cùng người khuyết tật, chung bước với người khuyết tật bằng tình cảm, trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa. Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, của Nhân dân, các tổ chức trong nước và quốc tế, chúng ta sẽ có tiếng nói chung để đưa ra được những sáng kiến, giải pháp kịp thời, phù hợp để hoạt động trợ giúp người khuyết tật ở Trà Vinh được thực hiện một cách hữu hiệu nhất.
NGUYỄN VĂN KHIÊM
(Chủ tich Hội Bảo trợ Người khuyết tật
và Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Trà Vinh).
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.