17/05/2021 07:00
Về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên, Lịch sử tỉnh Trà Vinh viết “Trên 90% cử tri tỉnh Trà Vinh đã đến các địa điểm bỏ phiếu vào thời gian quy định, để lần đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình trong việc lựa chọn những đại biểu tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước”(1). Để hiểu hết ý nghĩa được cô đúc trong đoạn văn 49 chữ ấy, chúng ta cần quay về với bối cảnh lịch sử tỉnh nhà hơn 75 năm trước, thời điểm cuối năm 1945, đầu năm 1946.
Sau Khởi nghĩa giành chính quyền thành công (ngày 25/8/1945), Tỉnh ủy lãnh đạo Nhân dân Trà Vinh vừa ra sức xây dựng hệ thống chính trị, tăng gia sản xuất xây dựng cuộc sống mới vừa tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng cùng Nhân dân Nam Bộ và cả nước chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ. Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 quy định ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất là ngày 06/01/1946. Tỉnh ủy, UBND và Mặt trận Việt Minh tỉnh triển khai công tác chuẩn bị cuộc bầu cử một cách nghiêm túc và chu đáo.
Theo phân bổ của Trung ương, Trà Vinh được bầu 03 đại biểu và tỉnh đã thống nhất danh sách ứng cử viên gồm 05 vị là Dương Quang Đông (Bí thư Tỉnh ủy, đại biểu Đảng), Nguyễn Văn Tây (tức Thanh Sơn, Xứ ủy viên Nam Bộ, đại biểu trên đưa về), Nguyễn Duy Khâm (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại biểu chính quyền), Mạch Dùng (Bác sĩ, đại biểu trí thức), Cao Phát Thành (đại biểu huyện Trà Cú)(2). Công tác tuyên truyền, vận động và lập danh sách cử tri được giao về cơ sở để người dân hiểu được ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử và sẵn sàng tham gia, với ý thức trách nhiệm cao nhất của người công dân trước vận mệnh Tổ quốc.
Trong khi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trà Vinh gấp rút triển khai công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tuyển cử, thì ngày 12/12/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm tỉnh lỵ Trà Vinh(3) và huyện Châu Thành, rồi lần lượt đánh chiếm huyện lỵ Càng Long ngày 13/12, huyện lỵ Tiểu Cần ngày 14/12, huyện lỵ Trà Cú ngày 15/12, huyện lỵ Cầu Ngang ngày 08/01/1946 (lúc này huyện Duyên Hải thuộc huyện Cầu Ngang) và huyện lỵ Cầu Kè ngày 20/1/1946 (lúc này huyện Cầu Kè thuộc tỉnh Cần Thơ). Nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ của Tổ quốc được đặt lên hàng đầu, tập trung mọi nỗ lực của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân Trà Vinh. Tỉnh ủy một mặt lãnh đạo lực lượng vũ trang xây dựng các mặt trận, các phòng tuyến cô lập kẻ thù tại nội ô tỉnh lỵ và các huyện lỵ, ngăn bàn chân xâm lược về vùng nông thôn; một mặt vận động đồng bào đô thị và vùng tạm chiếm triệt để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, tự tay đập phá nhà cửa, tản cư toàn bộ gia đình, khu phố ra vùng nông thôn tự do. Một số vùng nông thôn vốn thưa thớt dân cư như Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh (Cầu Ngang), Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu (Trà Cú), mà đặc biệt là khu vực Tập Ngãi, Hùng Hòa, Tân Hòa (Tiểu Cần)… “với những thuận lợi về giao thông đường thủy, đã trở thành địa bàn đón nhận đông đảo bà con tản cư. Nhiều dãy nhà tre lá mọc lên, hình thành những khu dân cư đông đúc. Dưới sông hàng trăm ghe xuồng tụ hội. Ngã tư Tập Ngãi được gọi là “Sài Gòn mới”. Mãi đến giữa năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân ta đi vào hồi ác liệt, bà con lần lượt hồi cư, “Sài Gòn mới” Ngã tư Tập Ngãi mới thưa dần”(4).
Trên mặt trận quân sự, tại các huyện, các đơn vị Cộng hòa vệ binh tỉnh phối hợp cùng đội Tự vệ chiến đấu huyện và Nhân dân các địa phương ngày đêm bám phòng tuyến, sẵn sàng chiến đấu, quyết không để kẻ thù thực hiện âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, kềm chân địch tại nội ô, bảo vệ vùng nông thôn tự do. Tại Cầu Ngang, chiến trường đang hồi nóng bỏng, quân dân ta “thiết lập mặt trận tại Chà Và (Vinh Kim), Bùng Binh (Mỹ Hòa), cắt đứt giao thông trên Tỉnh lộ 35, từ Trà Vinh xuống và mặt trận La Bang (Long Sơn), cống Ông Tà (Mỹ Hòa), đề phòng địch tiến công theo hướng Bình Tân, Nhị Trường”(5).
Trong bối cảnh lịch sử đó, khác với các tỉnh thành khác tại Nam Bộ cũng như cả nước, ngày Tổng tuyển cử 06/01/1946 diễn ra trên địa bàn Trà Vinh trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Để có được con số “trên 90% cử tri đi bầu” là một nỗ lực vô cùng to lớn của cả hệ thống chính trị còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức bầu cử, trong điều kiện chiến sự tràn lan, nhiều mặt trận đang diễn ra ác liệt, nhiều mất mát hy sinh.
Ngoài những điểm bầu cử cố định ở những vùng nông thôn tự do, Tỉnh ủy và UBND, Mặt trận Việt Minh tỉnh chỉ đạo các huyện và các xã thành lập các “thùng phiếu lưu động” đưa ra tận các phòng tuyến để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vừa đánh giặc vừa thực hiện quyền công dân cao cả của mình. Tại tỉnh lỵ Trà Vinh, các “thùng phiếu lưu động” được hóa trang thùng dựng hàng hóa mua bán hoặc âm thầm đưa vào ban đêm, vượt qua mọi sự kiểm soát của kẻ thù, đến các khu phố phục vụ cử tri vì lý do nào đó không thể tản cư ra vùng tự do.
Con số “trên 90% cử tri đi bầu” cũng thể hiện ý thức rất cao của người dân Trà Vinh trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, sử dụng lá phiếu bầu ra Quốc hội thống nhất, thể hiện khát vọng và quyết tâm bảo vệ nền độc lập Tổ quốc trước kẻ thù ngày càng lộ rõ dã tâm xâm lược. Cần quay lại một chút về bối cảnh lịch sử lúc ấy, người dân Trà Vinh sống qua gần thế kỷ dưới chính sách “ngu dân”, “chia để trị” của thực dân Pháp, hơn 95% mù chữ và chưa từng biết bầu cử là gì trong khi thời gian tuyên truyền, vận động không nhiều, mà chủ yếu là tuyên truyền miệng. Vậy mà, trong ngày Tổng tuyển cử, khắp vùng nông thôn tự do, tuyệt đại đa số cử tri, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, giai cấp, kể cả những gia đình có thân nhân tham gia vào bộ máy cai trị của chính quyền thực dân… đã nô nức, hăng hái đi bầu. Ở vùng đô thị, vùng tạm chiếm, người dân cũng bất chấp sự ngăn cản, cấm đoán của kẻ thù, chủ động vượt phòng tuyến ra vùng tự do hoặc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại các “thùng phiếu lưu động”.
Để có được con số “trên 90% cử tri đi bầu”, máu đã đổ, xương đã rơi. Không ít cán bộ, chiến sĩ, cơ sở quần chúng cách mạng đã hy sinh hoặc mất đi một phần thân thể khi trực tiếp đưa các “thùng phiếu lưu động” đến các phòng tuyến, vào vùng đô thị, vùng tạm chiếm cũng như chiến đấu bảo vệ cuộc Tổng tuyến cử. Không ít cử tri đã nằm xuống hoặc chịu thương tích khi tham gia bầu cử, trước mũi súng và sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù.
Đáp lại sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, 03 đại biểu đơn vị tỉnh Trà Vinh được bầu Quốc hội khóa đầu tiên (bao gồm các ông Dương Quang Đông, Nguyễn Duy Khâm và Cao Phát Thành(6)) đều phát huy năng lực, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập Tổ quốc. Ông Cao Phát Thành sau năm 1954 tập kết ra Bắc, đảm nhiệm cương vị Vụ trưởng Vụ Lễ Tân Bộ Ngoại giao và sau năm 1975 là Phó Hiệu trưởng phụ trách Phân hiệu Hành chính quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Duy Khâm, sau bầu cử, được rút ra Chiến khu Việt Bắc, tham gia Ban Thường trực Quốc hội phụ trách công tác tham mưu về những vấn đề Nam Bộ; sau năm 1954 ông phụ trách công tác đào tạo học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ông Dương Quang Đông trong 02 cuộc kháng chiến luôn giữ vai trò quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam, mở đường vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường Nam bộ. Ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và là người Trà Vinh duy nhất, tính đến nay, được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
TRẦN DŨNG
1. Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập II (1945 – 1954). Ban Tư tưởng Tỉnh ủy xuất bản năm 1999. Trang 14.
2. Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập II. Sđd. Trang 14.
3. Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh anh hùng (1930 – 1975). Thành ủy Trà Vinh xuất bản năm 2020. Trang 70.
4. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tập Ngãi anh hùng (1930 – 1975). Đảng ủy Tập Ngãi ấn hành năm 2007. Trang 48.
5. Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Cầu Ngang anh hùng (1945 – 1975). Huyện ủy Cầu Ngang ấn hành năm 2014. Trang 39.
6. Lịch sử tỉnh Trà Vinh Tập II (1945 – 1954). Ban Tư tưởng Tỉnh ủy xuất bản năm 1999. Trang 15.
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.