07/06/2023 09:33
Bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo huyện Trà Cú.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Út, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo mới và hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, đảm bảo cuối năm 2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn phân bổ, Sở đề nghị, các sở, ngành phụ trách các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.
Các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến thoát nghèo trong năm theo chỉ tiêu giao; trong đó, rà soát, xác định kỹ nguyên nhân nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của từng gia đình để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình giảm nghèo.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn để Trà Vinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là trên 278,3 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 214,1 tỷ đồng, vốn địa phương đối ứng gần 32,3 tỷ đồng, số tiền còn lại được huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Năm 2022, với gần 24 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện Chương trình, tỉnh bố trí hơn 7,3 tỷ đồng thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; gần 3,2 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; gần 8,3 tỷ đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Địa phương cũng bố trí gần 1,8 tỷ đồng để thực hiện công tác truyền thông và giảm nghèo; gần 3,2 tỷ đồng nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Bên cạnh đó, tỉnh lồng ghép nhiều chương trình, dự án, các chính sách khác để hỗ trợ người nghèo cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố giải ngân cho hơn 40.583 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền gần 1.198 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện các chương trình cho vay khác để thúc đẩy giảm nghèo (như: giải quyết cho gần 1.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng; giải ngân trên 227 tỷ đồng cho trên 15.000 hộ vay vốn để đầu tư lắp đặt hệ thống sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường; hỗ trợ trên 10.000 hộ vay vốn giải quyết việc làm; giải ngân gần 43 tỷ đồng cho 561 hộ vay vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…).
Từ nguồn Quỹ an sinh xã hội, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho trên 900 hộ nghèo, hộ người cao tuổi thuộc diện cận nghèo với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.253 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng để cải thiện nhà ở... Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2022, Trà Vinh giảm 4.803 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, trong đó có trên 3.200 hộ dân tộc Khmer. Toàn tỉnh hiện còn 5.404 hộ nghèo, chiếm 1,88% so với hộ dân cư. Năm 2023, địa phương đặt mục tiêu giảm 0,5% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 01%.
Tin, ảnh: THANH HÒA
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.