19/08/2021 09:12
Tuy số lượng không nhiều, nhưng đội ngũ trí thức Trà Vinh có ảnh hưởng khá lớn đến đời sống văn hóa - chính trị của người dân trong tỉnh, thông qua các hoạt động xã hội của mình. Chính vì vậy, chính quyền thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật tìm mọi cách để mua chuộc, lôi kéo, kể cả tạo điều kiện ưu đãi về vật chất để người trí thức sa vào cuộc sống chăn êm nệm ấm mà xa rời cuộc đấu tranh của dân tộc. Cần nói thêm là đa phần giới trí thức Trà Vinh lúc ấy xuất thân từ các tầng lớp bên trên mà quyền lợi ít nhiều gắn với chế độ cai trị đương thời.
Tuy nhiên, thấm nhuần truyền thống ưu thời mẫn thế của “kẻ sĩ” trong lịch sử dân tộc cộng với vai trò của những trí thức đàn anh giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng… trí thức Trà Vinh từ rất sớm đã cảm thấy chật chội, bức bối trong tấm chăn mà thực dân Pháp cố đắp lên người họ. Nhiều trí thức đã dấn thân vào cuộc đấu tranh chung như: Điền chủ Từ Bá Đước, vợ chồng Bác sĩ Mạch Dùng - Dược sư Thanh Thưởng sớm liên hệ và là cơ sở kinh tài của chí sĩ Nguyễn An Ninh; Tiến sĩ Phạm Văn Bạch chọn đề tài dân tộc và thuộc địa trong bản luận án của mình khiến thực dân Pháp vô cùng căm tức nên khi về nước, vị tiến sĩ luật này thất nghiệp dài dài…
Ngay từ trong Phong trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939), Tỉnh ủy Trà Vinh đã phân công một số đảng viên xuất thân từ tầng lớp trí thức như Dương Công Nữ, Nguyễn Duy Khâm, Nghiêm Khai Cơ… về hoạt động công khai tại tỉnh lỵ và xem công tác trí vận là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, nhiều vị nhân sĩ trí thức đã tham gia Ủy ban Hành động các cấp như: Điền chủ Từ Bá Đước, Bác sĩ Mạch Dùng, Trưởng tòa Nguyễn Văn Trí, Hòa thượng Thích Huệ Quang, Nhà giáo Vương Nghiễn, Nhà giáo Nguyễn Văn Thọ… Lịch sử tỉnh nhà mãi mãi ghi nhận cuộc đấu tranh vạch mặt bọn Bùi Quang Chiêu trong cuộc vận động tranh cử Hội đồng Quản hạt Nam kỳ năm 1937, tại trường Ông Chưởng của giới trí thức Trà Vinh do điền chủ Từ Bá Đước, Bác sĩ Mạch Dùng trực tiếp lãnh đạo.
Sau ngày Nhật đảo chánh Pháp, tổ chức Thanh niên Tiền phong Nam kỳ ra đời do nhóm Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lãnh đạo. Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong từ tỉnh đến huyện, xã như một tổ chức tập hợp quần chúng và phân công Nhà giáo - Tỉnh ủy viên Nguyễn Duy Khâm phụ trách công tác này. Vấn đề đặt ra là ai sẽ đảm nhiệm cương vị Tỉnh bộ trưởng Thanh niên Tiền phong Trà Vinh vừa được Tỉnh ủy tin tưởng lại vừa có vị trí, uy tín xã hội để nhóm trí thức Phạm Ngọc Thạch và nhất là Tỉnh trưởng thân Nhật Đốc phủ Thìn chấp nhận. Trong tình huống tế nhị ấy, các nhân sĩ trí thức được xem là giải pháp thích hợp nhất. Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định đề cử bộ ba trí thức nổi tiếng vào ban lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên Tiền phong là Nguyễn Duy Khâm, Từ Bá Đước, Mạch Dùng, trong đó Điền chủ Từ Bá Đước đảm nhiệm cương vị Tỉnh bộ trưởng. Ở cấp huyện, nhiều nhân sĩ trí thức cũng được giác ngộ cách mạng và được đưa vào lãnh đạo các Quận bộ như Trưởng tòa Nguyễn Văn Trí, Cảnh sát trưởng Phạm Trung Tương ở tỉnh lỵ; Nhà giáo Dư Nhật Thăng, Nhà giáo Vương Nghiễn, Nhân sĩ Khmer Lâm Phái ở Châu Thành; Maha Sơn Thông, Nhà giáo Nguyễn Văn Tân, Huỳnh Công Sáng ở Tiểu Cần; Nhà giáo Đỗ Văn Nại, Cao Phát Thành ở Trà Cú; Nhà giáo Huỳnh Nhựt Thăng, Nhà giáo Nguyễn Trí Tài ở Cầu Ngang…
Trong cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám, một số trí thức như Nguyễn Duy Khâm, Từ Bá Đước, Nghiêm Khai Cơ… tham gia vào Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh. Ủy ban Khởi nghĩa các huyện cũng có nhiều vị trí thức nổi tiếng ở địa phương. Khi lệnh Tổng khởi nghĩa được công bố, lực lượng Thanh niên Tiền phong dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đảng viên Cộng sản và các nhân sĩ trí thức từ các huyện đổ về, phối hợp cùng quần chúng nhân dân tỉnh lỵ vùng lên cướp chính quyền. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, nhiều cơ quan, đơn vị quân đội của chính quyền thân Nhật đã buông súng đầu hàng ngay trong đêm 24/8/1945 nhưng cơ quan đầu não của chúng là Tòa Bố vẫn ngoan cố chống trả.
Để tránh đổ máu không cần thiết, sáng ngày 25/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Trà Vinh cử một đoàn cán bộ gồm Nguyễn Duy Khâm, Từ Bá Đước, Mạch Dùng vào tận hang hùm đóng vai trò thuyết khách. Trước những lời lẽ đanh thép mà chí tình chí lý của các nhân sĩ trí thức, trước khí thế như thác vỡ bờ của quần chúng bao vây bên ngoài, Đốc phủ Thìn buộc phải chấp nhận đầu hàng, giao chính quyền lại cho Ủy ban Khởi nghĩa. Từ đó, cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám ở Trà Vinh giành thắng lợi hoàn toàn. Ở các huyện thị, các vị nhân sĩ trí thức cũng sát cánh cùng nhân dân, trong vai trò lãnh đạo Thanh niên Tiền phong - lực lượng nòng cốt có vai trò quan trọng trong việc giành chính quyền ở địa phương.
Ngay sáng ngày 25/8/1945, Tỉnh ủy và Ủy ban Khởi nghĩa tổ chức cuộc mít-tinh quần chúng để ra mắt chính quyền cách mạng với tên gọi là Ủy ban Hành chánh Lâm thời (gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh) tỉnh Trà Vinh, do Nhân sĩ Từ Bá Đước làm Chủ tịch. Sau đó, trước mưu toan xâm lược nước ta lần nữa của thực dân Pháp, để giữ thế hợp pháp lâu dài cho nhân sĩ Từ Bá Đước, Lâm ủy Hành chánh tỉnh Trà Vinh được cải tổ lại thành Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng do một trí thức khác là Nhà giáo Nguyễn Duy Khâm làm Chủ tịch, Nhà giáo Nguyễn Văn Tân giữ nhiệm vụ Tổng thư ký. Ở các huyện, đội ngũ trí thức được giác ngộ và tích cực tham gia cướp chính quyền cũng giữ vai trò quan trọng trong chính quyền Nhân dân và lực lượng quân sự, Công an địa phương.
Thực hiện chức năng quản lý xã hội trong giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử quả là một nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng chính quyền Nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, trong đó đội ngũ trí thức có những đóng góp xứng đáng, góp phần đấu tranh dẹp bỏ những tàn dư của chế độ thực dân phong kiến, chống giặc đói, giặc dốt, ổn định cuộc sống Nhân dân và tích cực chuẩn bị chống giặc ngoại xâm. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức Trà Vinh đã xắn tay áo, tốc bỏ chiếc chăn cũ chật chội để sát cánh cùng Nhân dân xây dựng xã hội mới trên cương vị người chủ đất nước. Trong Tuần lễ vàng, các nhân sĩ trí thức Trà Vinh như Từ Bá Đước, Mạch Dùng, Nguyễn Văn Khỏe, Lâm Chương, Lâm Phái… không chỉ tích cực tham gia đóng góp mà còn vận động nhiều nhà địa chủ, tư sản như Trương Hoàng Lâu, Lâm Quang Thời, Lê Văn Khai, Dương Văn Vinh… góp nhiều vàng bạc, tài sản để Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vượt qua những khó khăn ban đầu về tài chính.
Ngày 12/12/1945, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Trà Vinh. Cùng với Nhân dân cả tỉnh, những người trí thức Trà Vinh có mặt trên khắp các trận tuyến chống giặc ngoại xâm. Không ít người trong số đó đã hy sinh anh dũng ngay tại chiến hào cho sự trường tồn của Tổ quốc như: Giáo Hựu, Nguyễn Văn Khỏe Ru… Nhiều nhân sĩ trí thức khác dấn thân trọn đời cho sự nghiệp chung của dân tộc như Maha Sơn Thông, Lâm Phái, thầy giáo Nguyễn Văn Tân, Đỗ Văn Nại, Nguyễn Trí Tài, Cao Phát Thành, Đỗ Xuân Quang, Vương Nghiễn, Cò Tương, Trưởng tòa Nguyễn Văn Trí… số khác, cương quyết vượt qua mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ thậm chí tù đày, tra tấn của kẻ thù để sống trọn lòng với kháng chiến như Bác sĩ Khỏe, bác sĩ Cường, Bác sĩ Mạch Dùng, Hòa thượng Huệ Quang, Khánh Hòa, Khánh Anh, nhà tư sản Dương Văn Vinh, Giáo sư Lý Chánh Trung…
Giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân Trà Vinh chứng kiến sự hy sinh dũng cảm của ba nhà trí thức tiêu biểu là Dương Công Nữ, Đỗ Xuân Quang và Đỗ Văn Nại. Ông Dương Công Nữ đang giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh bị địch bắt ở Đức Mỹ (Càng Long). Chính tên Tham biện Garric sau nhiều lần mua chuộc dụ dỗ không thành đã ra lệnh bắn ông tại cầu tàu vàm Trà Vinh, rồi hất xác xuống sông Cổ Chiên. Thầy giáo Đỗ Xuân Quang là Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh xã Long Vĩnh bị địch bắt trong chuyến công tác. Địch đem ông về neo đá để dìm ông xuống sông Long Bình. Thầy giáo Đỗ Văn Nại là Ủy viên Quân sự thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Trà Vinh, người trực tiếp chỉ huy trận tấn công giải phóng huyện Trà Cú ngày 31/12/1946 khi còn giữ cương vị Ủy viên Quân sự huyện này. Ông hy sinh trong trận ném bom của thực dân Pháp khi đang tổ chức cuộc mít-tinh “Đoàn kết Miên - Việt” tại Đôn Châu.
Noi gương đội ngũ trí thức trực tiếp dấn thân vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc trong Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám và cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, các thế hệ trí thức Trà Vinh tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sau này.
TRẦN DŨNG
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.