29/11/2022 09:35
Thầy Nguyễn Mạnh Lâm, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1983 – 1986 thầy nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THPT Duyên Hải. Đây là giai đoạn đầu khi trường mới thành lập với bộn bề khó khăn, thiếu thốn.
Thầy còn nhớ như in những ngày đầu về nhận nhiệm vụ tại trường, khi ấy huyện Duyên Hải là một vùng sâu, vùng xa điều kiện vật chất ăn ở, sinh hoạt, đồ dùng dạy học, điều kiện đi lại rất hạn chế, Trường chỉ có 04 phòng học và dãy nhà tạm bằng tre lá cho giáo viên ở. Không chỉ giáo viên mà học sinh cũng khó khăn, thiếu thốn, giáo viên và một số học sinh phải tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Đời sống, sinh hoạt và điều kiện dạy và học đều khó khăn nhưng tình cảm thầy trò, tình đồng nghiệp rất chân thành gắn bó, tạo nên động lực để tất cả cùng vượt qua khó khăn.
Thầy Nguyễn Mạnh Lâm chia sẻ: “điều đọng lại trong tôi khi nghĩ về Trường THPT Duyên Hải chính là nét hồn hậu, chân chất của các em học sinh và tình người trong gian khó. Đây là những điều mà tôi sẽ không bao giờ có được nếu không được đứng trên bục giảng của Trường THPT Duyên Hải”.
Cô Lê Thị Minh Hiền, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An được phân công giảng dạy tại Trường THPT Duyên Hải từ năm 1982 - 1985. Điều cô Hiền nhớ nhất chính là những năm được sống và công tác tại trường, được sống trong tình cảm chan hòa yêu thương của bạn bè, đồng nghiệp cũng như phụ huynh và học sinh.
Cô còn nhớ, do điều kiện khó khăn nên trong 03 tháng đầu nhận nhiệm vụ cô vẫn chưa được nhận lương, với số tiền mang theo không đáng kể, chẳng mấy chốc đã dùng hết. Đây là thời gian khó khăn nhất của cô, nhưng chính từ trong khó khăn ấy mới thấy chân tình, đó chính là sự san sẻ, bao bọc của phụ huynh có con em theo học tại trường. Chính những tình cảm đó là động lực, là niềm tin để cô tiếp tục bám trụ với trường, với nghề.
Trở về với ngôi trường mình đã từng giảng dạy từ những ngày đầu thành lập, trở về với vùng đất thân quen mình đã từng gắn bó, cô Hiền không khỏi bồi hồi, xúc động. Điều làm cô Hiền xúc động hơn chính sự phát triển của quê hương Duyên Hải và sự lớn mạnh của Trường THPT Duyên Hải. Các bạn học sinh tươi trẻ đầy sức sống, trong các bộ đồng phục thanh lịch, các bạn năng động, lễ phép, hòa đồng, thân thiện và giữ được nét chân chất, thật thà, hồn hậu của người miền Tây như biết bao thế hệ cựu học sinh của trường.
Thầy Mai Phú Thanh, sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp Đại học khoa Địa lí Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/1983 thầy nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường PTTH Duyên Hải. Thầy nhận nhiệm vụ tại Trường vào ngày 19/11 thì sáng ngày 20/11/1983 thầy được dự buổi lễ mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện- đây cũng là một sự trùng hợp, một dấu mốc khó quên trong cuộc đời giáo viên.
Do chưa thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nơi đầu sóng, ngọn gió của miền biển Duyên Hải đã khiến cho thầy giáo trẻ xuất thân nơi thành thị như thầy Thanh bị bệnh suốt một tháng ròng. Trước tình trạng bệnh tình của thầy, học sinh và giáo viên của trường thay nhau chăm sóc, lo lắng từng bữa ăn, giác ngủ cho thầy để thầy mau khỏe mà lên lớp.
Điều kiện ăn ở, sinh hoạt và dạy học còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình cảm chân chất và sự ham học của học sinh là nguồn động lực lớn lao để thầy bám trụ lại với trường. Thế hệ hoc sinh đầu tiên của trường được cả trường gọi là “mẻ thép đầu tiên” đã có nhiều em đậu vào các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ về sau đã trở về góp sức xây dựng quê hương. Năm 1988, thầy hoàn thành nhiệm vụ về trở về Thành phố Hồ Chí Minh, khi đi thầy không cho học sinh biết vì trải qua biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ, thầy sợ cuộc chia tay bịn rịn, thầy sẽ không cầm được nước mắt.
Thầy Mai Phú Thanh chia sẻ: “sau 35 năm xa cách, nay được trở về Trường THPT Duyên Hải dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng thời là kỷ niệm 40 năm thành lập Trường, rất vui mừng khi thấy sự thay da đổi thịt của tỉnh Trà Vinh, của thị xã Duyên Hải, các tuyến đường đều trải nhựa, thị xã được quy hoạch hiện đại, trường được xây dựng khang trang, quy mô và trang bị cũng như chất lượng giáo dục, đào tạo. Đội ngũ lãnh đạo và giáo viên vẫn như ngày xưa, rất thân thiện, nhiệt tình, đoàn kết, học sinh vẫn chăm ngoan, hiếu học.
Tôi có ước muốn học sinh của trường luôn giữ vững truyền thống hiếu học, tôn sư - trọng đạo, tập thể sư phạm của trường luôn đoàn kết, gắn bó với nhau xây dựng trường dạy thực chất, học thực chất để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Phụ huynh học sinh, các ban, ngành, đoàn thể luôn là chỗ dựa vững chắc cho thầy và trò Trường THPT Duyên Hải, các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện cho trường trở thành trường chuẩn quốc gia, tiên tiến, hiện đại, đủ tầm hội nhập quốc tế.
Thay mặt cho các thế hệ giáo viên và học sinh của Trường THPT Duyên Hải gửi đến quý thầy cô nhũng lời tri ân nồng ấm nhất. Các thầy giáo, cô giáo, những người đã góp công sức, để ngôi Trường THPT Duyên Hải từ trong khó khăn, gian khó phát triển như ngày hôm nay. Các thầy cô là những người đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng nên ngôi Trường THPT Duyên Hải tạo nên một ngôi trường mạnh về tổ chức, về kiến thức để có một Trường THPT Duyên Hải lớn mạnh như ngày hôm nay”.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Thời gian qua, ĐVTN huyện Cầu Kè không ngừng cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, vượt khó thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp trong phát triển kinh, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Anh Phạm Thanh Nhiên, Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu vượt khó làm kinh tế giỏi để thoát nghèo.