24/05/2021 10:26
NCT học nghề đan đát tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh.
Ông Lê Văn Nghiệm, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc 13 đối tượng (12 đối tượng người tâm thần, 01 người khuyết tật nghe - nói) và dừng trợ giúp xã hội 23 đối tượng (19 đối tượng hồi gia, hòa nhập cộng đồng, cho con nuôi 01 trẻ mồ côi, 03 đối tượng tâm thần bệnh, qua đời). Hiện tại, Trung tâm quản lý và chăm sóc, nuôi dưỡng 160 đối tượng (100 nam, 60 nữ), trong đó có 103 người mắc bệnh tâm thần, 30 người từ 60 tuổi trở lên, 16 trẻ mồ côi, 11 người khuyết tật (vận động, trí tuệ, câm điếc).
Trung tâm thực hiện tốt và bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng theo quy định: 03 bữa cơm/ngày và có bổ sung thêm sữa, sữa chua, trái cây, bánh... Riêng người cao tuổi yếu hoặc ốm, đau thì dùng cháo, sữa; nhân viên cấp dưỡng thường xuyên thay đổi các món ăn, hợp khẩu vị, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; vệ sinh cá nhân cho các cụ 02 lần/ngày. Song song đó, phòng ở được bố trí rộng rãi, thoáng mát, khang trang, sạch đẹp. Đầu năm 2021 đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình như: khu hành chính, khu nhà ở cho đối tượng, gồm khu người cao tuổi, khu trẻ em, khu chăm sóc đặc biệt, khu bảo vệ khẩn cấp, khu tâm thần nam, nữ riêng biệt, khu dạy nghề, khu dạy văn hóa, khu nhà ăn…
Công tác chăm sóc sức khỏe luôn được quan tâm thực hiện, ngoài việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, phát thuốc kịp thời cho các đối tượng, Trung tâm đã tổ chức đưa 93 lượt đối tượng đi khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, hợp đồng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh định kỳ đến khám bệnh cho các đối tượng tại Trung tâm 02 lần/tháng (vào ngày 15 và 30), đến nay đã khám cho 250 lượt đối tượng. Đối với NCT, các cháu bị bệnh, cán bộ, nhân viên của Trung tâm quan tâm chăm sóc chu đáo từ chế độ ăn đến thuốc uống.
Để các cụ sống vui sống khỏe, Trung tâm tạo điều kiện cho các cụ tập thể dục, giải trí, phòng ở của các cụ đều trang bị ti-vi hoặc radio để các cụ theo dõi tin tức, thời sự hoặc xem chương trình theo sở thích... Bà Võ Thị Rảnh, quê ở Càng Long vào Trung tâm từ năm 2004 đến nay, bà cho biết, cuộc sống ở đây rất tốt, ngoài việc được chăm sóc sức khỏe, có chỗ ở, có cơm ăn, ở đây bà có thêm nhiều bạn để chia sẻ vui buồn lúc tuổi già. Đặc biệt, ở Trung tâm bà được cán bộ, nhân viên tạo điều kiện học nghề đan thảm, có thêm thu nhập để chi tiêu sinh hoạt.
Bà Phan Thị Thu Hà, nhân viên cấp dưỡng trung tâm cho biết: vào các ngày lễ, tết như: tết Nguyên đán, tết cổ truyền của đồng bào Khmer, kỷ niệm ngày NCT Việt Nam và ngày Quốc tế NCT hàng năm trung tâm tổ chức cho các cụ sinh hoạt, vui chơi giải trí theo quy định; phối kết hợp với Chi hội NCT Khóm 5 và Hội NCT thị trấn Châu Thành tổ chức tặng quà, chúc thọ, mừng thọ cho các cụ 70 tuổi, 75 tuổi, 80 tuổi, 90 tuổi, 95 tuổi…
Bên cạnh công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, thư ngỏ... thời gian qua Trung tâm đã tiếp nhận sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp đến hỗ trợ trên 220 triệu đồng cho các đối tượng. Bà Võ Thị Nga là NCT ở Trung tâm tâm sự: “Những người già neo đơn như chúng tôi được sống ở trung tâm đã là niềm hạnh phúc, khi có các đoàn đến thăm tôi thấy vui lắm. Thấy được sự quan tâm của cộng đồng, đó là sự động viên, khuyến khích để chúng tôi tiếp tục sống vui, sống khỏe”.
Bà Phạm Thị Thùy Tiên, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng thuộc Trung tâm cho biết: do tính chất đặc thù, nên trung tâm phải bố trí viên chức chăm sóc và y sĩ trực 24/24 giờ để phục vụ và đảm bảo an toàn cho các đối tượng. Trong tổng số 160 đối tượng ở trung tâm thì có 86 đối tượng không có khả năng tự phục vụ, các cụ là NCT thường xuyên ốm, đau phải điều trị lâu dài ở bệnh viện, trung tâm phải bố trí từ 01 đến 02 viên chức trực chăm sóc khi có đối tượng nằm viện điều trị. Bên cạnh đó, biên chế của Trung tâm còn thiếu chưa đảm bảo theo Thông tư số 33/TT- BLĐTBXH, ngày 29/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội. Từ đó, Trung tâm gặp khó khăn trong công tác chăm sóc đối tượng đang được quản lý, nuôi dưỡng.
Ông Lê Văn Nghiệm cho biết thêm, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, Trung tâm cũng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Từng khu sinh hoạt, như nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng sinh hoạt chung, phòng điều dưỡng, phòng nghỉ, phòng tập vật lý trị liệu... đều được bố trí khoa học, đảm bảo vệ sinh; chú trọng việc trồng nhiều cây xanh để lấy bóng mát và điều hòa không khí. Trong khuôn viên trung tâm có đặt các ghế đá để đối tượng ngồi nghỉ ngơi, hóng mát. Khu vui chơi, tập thể dục ngoài trời cũng được bố trí thoáng mát, có cây xanh tạo bóng mát, các lối đi cũng được trồng hoa, cây cảnh, tạo mỹ quan sạch đẹp.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.