02/06/2021 16:16
Một buổi học văn hóa của trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh.
Với thâm niên trên 25 năm công tác trong nghề, từ một cô giáo dạy chữ cho trẻ khuyết tật ở Trung tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, sau khi sáp nhập với Trung tâm vào năm 2016, cô Trương Thị Bích Chi được lãnh đạo Trung tâm phân công nhiệm vụ chăm sóc 03 nhóm đối tượng (trẻ mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật). Cô Bích Chi kể lại: hằng ngày, tự tay chăm sóc những trẻ khuyết tật, mồ côi có những cháu chưa đầy 01 tuổi chúng tôi phải đúc từng muỗng sữa, có những cháu không ngồi được, nhân viên chăm sóc phải đỡ các cháu để đúc sữa, cháo, vệ sinh cá nhân… với biết bao vui, buồn, thuận lợi, khó khăn xen lẫn, cô luôn tự đặt ra cho mình mục tiêu: phải làm sao cho các cháu, các cụ ở Trung tâm được ăn ngon, ngủ yên, khỏe mạnh; làm thế nào để sau này các cháu đều trưởng thành và có thể tự chăm sóc bản thân, trở thành người có ích cho xã hội và các cụ được sống vui, sống khỏe…
Công việc hàng ngày của cô Bích Chi là chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, đến việc học hành, tập luyện của các cháu như một người mẹ chăm sóc các con trong gia đình; chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho các đối tượng không có khả năng tự phục vụ... Những công việc đó đã trở thành những kỷ niệm khiến cô gắn bó lâu dài với Trung tâm. Cái khó khiến cô Bích Chi trăn trở nhất là trường hợp cùng lúc các cháu ở Trung tâm đau bệnh mà các con của cô cũng bệnh, vừa phải lo cho con vừa phải lo cho các cháu nhưng bằng tình thương của một người mẹ dành cho các con, bản thân cô đã vượt qua tất cả, cùng với sự chia sẻ của gia đình, nhất là người chồng đã tạo nên động lực giúp cô làm tròn cả hai nhiệm vụ vừa chăm sóc được các cháu ở Trung tâm vừa lo cho gia đình.
Cô Bích Chi tâm sự: Trung tâm hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 17 trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi… dạy và chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó, thế nhưng chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật thì khó khăn lại tăng hơn gấp bội. Có những lúc các cháu quấy khóc, phá phách cán bộ, quản lý cũng cảm thấy bực bội nhưng khi nghe tiếng má ơi, mẹ ơi… thì mọi ưu phiền như tiêu tan”.
Trong số những đứa trẻ kém may mắn ở Trung tâm có cháu Nguyễn Ngọc Bích (sinh năm 2017) khiến ai cũng xót xa khi biết về tình cảnh của bé, Ngọc Bích là trẻ bị bỏ rơi thế mà cháu còn mắc phải căn bệnh vẩy ngứa. Nhìn thấy cảnh con không cha, không mẹ, lại phải chịu bệnh tật, chậm phát triển trí tuệ nên mỗi cán bộ, nhân viên ở Trung tâm luôn dành nhiều sự quan tâm cho bé. Hiện Ngọc Bích đã hơn 03 tuổi nhưng căn bệnh vẩy ngứa vẫn còn, hàng ngày nhân viên chăm sóc phải bôi thuốc (giúp giữ độ ẩm cho da bé 03 lần/ngày). Hiện bé đang học chữ ở lớp học văn hóa tại Trung tâm.
Còn cháu Lê Hoàng Nhân (sinh năm 2008) bị khuyết tật vận động, di chuyển bằng xe lăn, nhờ sự tận tình chăm sóc, sự yêu thương của cán bộ, nhân viên ở Trung tâm mà cháu trở nên hoạt bát, thích tham gia các hoạt động tập thể. Cháu Nguyễn Đình Nguyên (sinh năm 2015) chậm phát triển trí tuệ nhưng nhờ sự tận tình dạy dỗ, sự quan tâm đặc biệt của các cô, chú là cán bộ, nhân viên của Trung tâm cháu đã trở nên hoạt bát, hòa đồng với các bạn và rất ngoan.
Theo cô Phạm Thị Nga, giáo viên dạy văn hóa ở Trung tâm, tuy mỗi đứa trẻ ở đây có hoàn cảnh, tình trạng sức khỏe khác nhau và việc chăm sóc các cháu dù khó khăn là vậy, nhưng cán bộ, nhân viên chăm sóc chưa một phút giây nào nản lòng bởi đa số các cháu là trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa nếu chúng ta không chăm sóc thì các cháu sẽ sống ra sao. Suy nghĩ ấy đã ăn sâu trong tôi và mỗi người cán bộ, nhân viên ở Trung tâm. Đó cũng là động lực giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, tiếp tục công việc chăm sóc và bảo trợ xã hội.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.