28/03/2022 09:33
Ban Chấp hành Xã Đoàn Nhị Trường đến tham quan rẫy bắp giống của đoàn viên Thạch Hoane (trái).
Chị Nguyễn Thị Hương Giang, Bí thư Xã Đoàn Nhị Trường cho biết: nhằm hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, nhiệm kỳ qua, thông qua nhiều nguồn vốn, Xã Đoàn luôn phát huy tích cực vai trò nòng cốt của tuổi trẻ trong phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp, lao động sáng tạo; vận động ĐVTN chủ động trong phát triển kinh tế áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tích cực thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm có giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Nhiệm kỳ qua, Xã Đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho ĐVTN với tổng số tiền hơn 07 tỷ đồng; giới thiệu việc làm cho 500 thanh niên, đưa 25 thanh niên xuất khẩu lao động;… Ngoài ra, Xã Đoàn tích cực tham gia cùng địa phương thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu XDNTM; 05 năm qua, Xã Đoàn thực hiện 05 công trình thanh niên như: sửa chữa đường đal nông thôn, xây dựng công trình thắp sáng đường quê, 03 tuyến đường hoa, 04 căn nhà nhân ái, 01 sân bóng đá… thu hút 180 lượt ĐVTN tham gia. Ra quân thực hiện ngày thứ Bảy tình nguyện thu gom 15 tấn rác thải, trồng hơn 17,5km hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; vận động 3.000 hộ đăng ký gia đình văn hóa - NTM.
Giải pháp liên kết hỗ trợ vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp nhiều ĐVTN có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Điển hình như đoàn viên Thạch Hoane, ấp Nô Lựa A, xã Nhị Trường đã mạnh dạn chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang luân canh lúa - màu với diện tích 3.000m2. Ngoài diện tích sản xuất lúa - màu, Thạch Hoane còn phụ giúp gia đình sản xuất lúa 03 vụ/năm/01ha.
Cùng với đó, Thạch Hoane được Xã Đoàn tạo điều kiện tiếp cận vốn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi bò sinh sản. Vụ bắp giống đợt này, ngoài vật tư, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ cho đến cuối vụ và bao tiêu sản phẩm, trừ vào thời điểm thu hoạch, anh được Công ty hỗ trợ thêm 03 triệu đồng để đầu tư sản xuất.
Theo anh Thạch Hoane, trồng màu lợi nhuận cao gấp 02 - 03 lần so với trồng chuyên lúa. Gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên giá chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, gần gấp đôi so với những năm trước, do đó, lợi nhuận giảm so với trước. Với 3.000m2 đất trồng bắp giống hiện chuẩn bị thu hoạch, năng suất ước đạt từ 01 - 1,1 tấn/1.000m2, giá bán bao tiêu 10.900 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt khoảng 20 triệu đồng/3.000m2.
Đoàn viên Thạch Thị Sô Phiếp, ấp Giồng Thành, xã Nhị Trường là đoàn viên thực hiện thành công mô hình nuôi bò sinh sản, bò thịt với tổng đàn hiện tại 10 con, mỗi năm xuất bán từ 04 - 06 con, tổng thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Chị Sô Phiếp cho biết: sau khi lập gia đình, vì điều kiện xây dựng gia đình tư riêng còn khó khăn nên vợ chồng chị hiện tại sống chung với cha mẹ.
Thời gian đầu khởi nghiệp, vợ chồng chị gặp không ít khó khăn, thiếu vốn sản xuất, chồng chị làm thuê thu nhập 300.000 đồng/ngày. Thời điểm khó khăn ấy, vợ chồng chị được Xã Đoàn tạo điều kiện giúp chị tiếp cận vốn vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội nuôi bò sinh sản. Để đảm bảo nguồn lương thực phục vụ chăn nuôi, chị chuyển đổi 2.000m2 đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò. Ban đầu vốn vay chỉ mua được 02 con bò, trong quá trình chăm sóc, bò phát triển và sinh sản tốt. Ngoài việc vỗ béo những con bê con để bán trang trải cuộc sống, chị còn mua thêm bò thịt về vỗ béo nhằm tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo chị Nguyễn Thị Hương Giang, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, kinh tế của xã có phát triển nhưng chưa đều phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu cây lúa. Cùng với đó, thời tiết biến đổi thất thường, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Do đó, có nhiều thanh niên đi làm ăn xa dẫn đến việc sinh hoạt, tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn còn hạn chế.
Thời gian tới, Xã Đoàn triển khai các giải pháp cụ thể hóa cuộc vận động “xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Nhị Trường thời kỳ mới” phù hợp với từng đối tượng ĐVTN; chủ động đăng ký thực hiện công trình phần việc XDNTM nâng cao. Đẩy mạnh chương trình “thanh niên khởi nghiệp”, thực hiện các giải pháp hỗ trợ thanh niên nông thôn triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương, bộ đội xuất ngũ, thanh niên có nhu cầu xuất khẩu lao động; hỗ trợ và nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm; tranh thủ nguồn vốn ưu đãi giúp ĐVTN tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Thời gian qua, ĐVTN huyện Cầu Kè không ngừng cố gắng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, vượt khó thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giàu ở địa phương. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp trong phát triển kinh, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương. Anh Phạm Thanh Nhiên, Bí thư Chi đoàn ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu vượt khó làm kinh tế giỏi để thoát nghèo.