04/10/2021 09:35
Một cuộc đời gần tròn thế kỷ, với nhiều công trình khoa học nổi tiếng trong và ngoài nước, với nhiều công lao cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cải thiện nòi giống đã vĩnh viễn khép lại. Xin nghiêng mình tưởng nhớ Bác Ba Thành, thế hệ trẻ Trà Vinh xin nguyện ra sức học tập, lao động, công tác, góp phần xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp như tâm nguyện của người!
Hơn 03 thập niên gần đây, đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam được nâng dần từ con số xấp xỉ 63 (năm 1985) lên 71,3 (năm 2005 - Báo cáo chính trị Đại hội X) và 73,6 (năm 2019- số liệu Tổng điều tra năm 2019), thuộc vào loại cao ở các nước đang phát triển. Đây là một thành tựu quan trọng về chỉ số con người của nước ta và là kết quả tổng hợp từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trọng nhất là đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện và thành tựu của hệ thống y tế trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe con người.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một nước vừa thoát khỏi chiến tranh, kinh tế - xã hội kém phát triển nhưng Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước đang phát triển xây dựng, hoàn thiện bộ môn Tích tuổi học như một ngành khoa học chuyên biệt, đặc thù trong hệ thống y tế quốc gia có chức năng nghiên cứu, đề ra các giải pháp, biện pháp, tiến tới xây dựng chiến lược nâng cao tuổi thọ người dân cũng như trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người có tuổi trên phạm vi cả nước. Người đặt nền móng ban đầu, trực tiếp tham gia xây dựng, lãnh đạo, đào tạo và phát triển bộ môn Tích tuổi học Việt Nam chính là Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành.
Từ lâu, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành là một tên tuổi lớn, một nhà khoa học hàng đầu, một bác sĩ điều trị lâm sàng nổi tiếng của ngành y tế Việt Nam. Ông sinh năm 1919, tại làng Phương Trà, tổng Bình Hóa (nay là xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh( và là một trong những vị bác sĩ chính quy khóa đầu tiên được đào tạo từ Trường Đại học Y khoa Hà Nội (trước đó là Thuốc Đông Dương, đào tạo hệ Y sĩ Cao đẳng), tốt nghiệp vào năm đất nước ta vừa giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp sau cuộc Cách mạng Tháng Tám. Rời ghế nhà trường, ông tham gia ngay cuộc “Nam tiến vi dân” về Nam chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược tại chiến trường đồng bằng sông Cửu Long với cương vị Vụ trưởng Quân y Khu IX, rồi Trưởng Phòng Quân y Phân liên khu miền Tây Nam Bộ.
Giai đoạn này có một sự kiện khá đặc biệt liên quan đến bác sĩ trẻ Nguyễn Thiện Thành được lịch sử ngành Quân y Việt Nam ghi lại là khi ông bị thực dân Pháp bắt trên đường công tác tại Trà Vinh, năm 1952 Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề nghị Bộ Quốc phòng phóng thích tên Đại tá, Bác sĩ Duris bị ta bắt trong Chiến dịch biên giới, để thực dân Pháp thả Vụ trưởng Quân y Khu IX. Sau năm 1954, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc và được Đảng, Nhà nước đưa sang đào tạo và hoàn thành luận án Phó Tiến sĩ Y khoa tại Liên Xô.
Từ Moscwa về Hà Nội (1964), Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành lao ngay vào chiến trường miền Nam. Ông được cử giữ trọng trách Phó Viện trưởng Viện K71, rồi Phó Chủ nhiệm Quân y miền kiêm Viện trưởng Viện K71, trực tiếp đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các cơ quan trọng yếu của Trung ương cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trong điều kiện ác liệt của chiến trường những năm 1971 - 1972, từ thực tế các nhà lãnh đạo cách mạng miền Nam đang ngày một cao tuổi dần mà vẫn phải sinh sống, công tác trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ cộng với xu hướng chung của thế giới là tuổi thọ con người đang được nâng cao, với sự mẫn cảm tinh tế của một nhà khoa học, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành nhận thức một vấn đề lớn lao đang đặt ra cho ngành y tế Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai là công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người có tuổi. Với tư cách Viện trưởng Viện K71, ông tập trung tìm hiểu thực tế thể trạng, cơ địa, các xu hướng diễn biến tâm sinh lý, sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo, các bậc niên trưởng trong vùng. Mỗi lần có dịp ra nước ngoài, dù với nhiệm vụ cụ thể gì, ông cũng dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu cách tổ chức, kinh nghiệm thực tế và các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố liên quan đến công tác phòng bệnh và điều trị cho người cao tuổi.
Sau năm 1975, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương kiêm Giám đốc Bệnh viện Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những trọng trách trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ cao cấp và khách quốc tế và đây cũng là điều kiện thuận lợi cho ông trong việc tiếp cận có hệ thống lý luận cũng như thực tiễn để hoàn thiện những công trình nghiên cứu của mình về người cao tuổi trong điều kiện đặc thù Việt Nam.
Năm 1986, khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, tuổi thọ người dân Việt Nam đang có xu hướng cải thiện. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng bộ môn Tích tuổi học. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chuyên khoa đào tạo bậc đại học chuyên ngành về người cao tuổi. Với tư cách là chuyên gia đầu ngành đã có nhiều năm nghiên cứu sâu về chuyên ngành này, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được mời làm Chủ nhiệm bộ môn. Ông là người đóng vai trò chủ yếu trong việc thiết kế chương trình giảng dạy, soạn giáo trình giáo án, xây dựng tủ sách tham khảo… để chuyên khoa Tích tuổi học Việt Nam từng bước sánh vai cùng các trường đại học chuyên ngành danh tiếng trên thế giới. Từ chuyên khoa này, nhiều bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II về Lão khoa tốt nghiệp, có mặt khắp các bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành cả nước, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trên lãnh thổ Việt Nam.
Từ những đóng góp của bộ môn Tích tuổi học trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh; từ sự hình thành và phát triển của đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia y tế về người cao tuổi; từ đòi hỏi của thực tế cuộc sống ở một nước có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, tuổi thọ của người dân đang được nâng cao…, năm 1989, Bộ Y tế thành lập Trung tâm Tích tuổi học quốc gia đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh (trong khuôn viên Bệnh viện Thống Nhất) và Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm. Đây là một trung tâm khoa học trực thuộc Bộ Y tế có chức năng nghiên cứu toàn diện về đời sống tâm sinh lý, về những vấn đề có liên quan đến sức khỏe của người cao tuổi trong điều kiện đặc thù Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm gần 20 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp, giải pháp cụ thể tiến tới xây dựng chính sách nâng cao tuổi thọ trung bình cũng như chính sách đối với thế hệ những người cao tuổi Việt Nam.
Trân trọng tài năng, kiến thức uyên bác của một chuyên gia đầu ngành về Tích tuổi học và Lão khoa Việt Nam nên dù đã được Nhà nước cho nghỉ hưu từ năm 1989 khi vừa bước vào tuổi 70 (ông thôi nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất và Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương để ông có thời gian và điều kiện tập trung nghiên cứu khoa học) nhưng đến năm 1997, Ban Bí thư Trung ương lại mời ông tham gia với tư cách chuyên gia tư vấn lão khoa cho Hội đồng Sức khỏe Trung ương. Dù ở tuổi 90, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành vẫn là một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, ngày đêm miệt mài nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam.
Suốt gần 70 năm theo đuổi nghề thầy thuốc, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã có hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, các hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước. Trong đó, đáng chú ý là những công trình có ý nghĩa thiết thực đến công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe, điều trị chấn thương tại thực tế chiến trường miền Nam Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là tác giả của phương pháp “Cấy nhau Filatov” mà năm 1951, Phòng Quân y Phân liên khu Miền Tây Nam Bộ công bố dưới tên gọi: Phương pháp cấy nhau Filatov, một ứng dụng huyền diệu của luật mâu thuẫn. Đến thời kỳ chống Mỹ, ông lại là tác giả của Phác đồ điều trị bệnh sốt rét ác tính thể đái ra huyết sắc tố - một chứng bệnh nguy hiểm và phổ biến đang cướp đi nhiều sinh mạng chiến sĩ và nhân dân dọc dãy Trường Sơn lúc ấy.
Với những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, cải thiện nòi giống cũng như sự nghiệp phát triển ngành y tế đặc thù Việt Nam, Phó Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước phong học hàm Giáo sư năm 1982, ngay trong đợt phong đầu tiên của nước ta. Đến năm 1985, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động và năm 1989 lại được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân.
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội khóa VI; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Quốc hội khóa VII. Và Đại tá Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa II, nhiệm kỳ 1997 - 2002.
TRẦN DŨNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Lý lịch Anh hùng Lao động - Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, bản lưu tại Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM.
- Nhân vật chí Trà Vinh, tập I. Sở VHTT Trà Vinh - 2000.
- Anh hùng Lao động Nguyễn Thiện Thành, Nhà khoa học của hiện tại và tương lai. Trần Dũng. Tạp chí Văn hóa Trà Vinh, số 02/9/1998.
- Những buổi trò chuyện trực tiếp với Anh hùng Lao động - Giáo sư Nguyễn Thiện Thành của tác giả.
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.