16/04/2024 09:15
Với sự nỗ lực, nghiên cứu tích cực của thành viên trong các Hội đồng tư vấn, tổ tư vấn, hoạt động phản biện xã hội (PBXH) của UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh thời gian qua đã có chiều sâu và chất lượng tốt, nội dung phản biện đi vào trọng tâm, trọng điểm, chủ yếu là những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Kết quả đạt được góp phần thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị.
Đồng chí Nguyễn Văn Triết phát biểu tại hội nghị PBXH về dự thảo Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Trà Vinh đến năm 2030.
PBXH là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đồng chí Nguyễn Văn Triết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, việc tổ chức triển khai thực hiện hoạt động PBXH bảo đảm các nguyên tắc, quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường lệ của các cơ quan, tổ chức chịu sự phản biện; có sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống Mặt trận và giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận với các tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm khách quan, công khai, thiết thực và mang tính xây dựng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để hội nghị PBXH được thành công, ngoài sự tham dự của các tổ chức thành viên, UBMTTQ Việt Nam các cấp còn mời các vị trong Hội đồng tư vấn (hội nghị ở cấp tỉnh); cấp huyện, mời tổ tư vấn của Mặt trận cùng các vị nguyên lãnh đạo của Mặt trận qua các thời kỳ và các vị có liên quan trực tiếp, hiểu rõ các vấn đề, nội dung dự thảo cần phản biện, tham gia đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng cao.
Trong nhiệm kỳ 2019 - 2023, UBMTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 466 hội nghị PBXH (cấp tỉnh 14 cuộc, cấp huyện 45, cấp xã 407 cuộc). Đặc biệt, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức PBXH đối với dự thảo quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận 02 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Các ý kiến phản biện của Mặt trận đều được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận và đánh giá cao, đã và đang trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp chính quyền xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. MTTQ Việt Nam các cấp còn tham gia đóng góp vào 2.125 dự thảo văn bản do các ngành gửi lấy ý kiến đóng góp.
Theo đồng chí Dương Thị Thúy Kiều, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, từ năm 2020 đến nay, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam xã đã tổ chức được 04 cuộc hội nghị PBXH với các nội dung, lĩnh vực như: Dự thảo kết quả XDNTM xã Đa Lộc năm 2021; dự thảo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã năm 2022; dự thảo kế hoạch xây dựng ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu năm 2023; dự thảo kế hoạch thực hiện chỉ tiêu phát triển độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn xã năm 2024. Qua 04 cuộc hội nghị PBXH, có 34 ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản và có trên 125 lượt người tham gia. Sau hội nghị, UBMTTQ Việt Nam xã tổng hợp ý kiến có công văn gửi đến cơ quan soạn thảo. Đa số các ý kiến đóng góp đều được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình đúng theo quy trình PBXH.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBXH của xã Đa Lộc cũng còn một số hạn chế như nhận thức của một số ngành về vai trò PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thật sự đầy đủ; thành viên Mặt trận do kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu văn bản; cán bộ Mặt trận của xã thường xuyên thay đổi. Các tổ chức chính trị - xã hội của xã chưa được bồi dưỡng, tập huấn về công tác PBXH; kinh phí hỗ trợ cho hội nghị PBXH chưa đảm bảo.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 105/ KH-TU, ngày 23/02/2023 của Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư “về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”; năm 2024, theo kế hoạch, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì PBXH đối với 05 dự thảo. Đến nay, đã tổ chức phản biện được 03/05 dự thảo.
Cụ thể, hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, có 31 ý kiến đóng góp. Phản biện dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định về quản lý, sử dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, có 38 ý kiến đóng góp; dự thảo chính sách thu hút giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh có trên 10 lượt ý kiến đóng góp tại hội trường và văn bản giấy.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Triết, tinh thần phản biện của UBMTTQ Việt Nam tỉnh là tiếp thu toàn bộ các ý kiến, kể cả các ý kiến khác nhau. Các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp thu theo các ý kiến đóng góp của đại biểu để phục vụ tốt hơn việc thẩm định văn bản. Do đó, hoạt động PBXH của MTTQ thời gian qua đã tạo điều kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách của địa phương trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp Nhân dân.
Tuy nhiên, công tác PBXH còn một số hạn chế như: hoạt động PBXH cấp huyện và xã chưa thật sự rõ nét, thiếu chiều sâu. Nhiều dự thảo văn bản được gửi lấy ý kiến còn mang tính hình thức, điều kiện và thời gian lấy ý kiến đóng góp thường bị động. Việc cung cấp dự thảo văn bản PBXH còn chưa kịp thời, thời gian nghiên cứu hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng hội nghị phản biện. Các cơ quan cần phản biện gửi văn bản lấy ý kiến phản biện thời gian quá ngắn, không đảm bảo theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam.
Vì vậy, để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác giám sát và PBXH trong thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Văn Triết cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị và chức năng giám sát, PBXH của MTTQ Việt Nam.
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 105-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư và Quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận sau giám sát, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ban hành kèm theo Quyết định số 5628-QĐ/TU, ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Song song đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn nhằm khuyến khích, thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức, những người có nhiều kinh nghiệm trong tham gia các hoạt động giám sát và PBXH. Cần xác định việc Mặt trận huy động lực lượng tham gia hoạt động giám sát và PBXH không chỉ là đóng góp riêng cho Mặt trận, mà chính là tham gia vào quá trình giám sát, xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận của xã hội; tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Đối với Mặt trận sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, PBXH theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những chính sách lớn trọng yếu của tỉnh, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, những vấn đề dư luận quan tâm, bức xúc. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác giám sát và PBXH cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp để đáp ứng với nhiệm vụ, yêu cầu ngày càng cao của công tác Mặt trận trong tình hình mới.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.