25/12/2020 07:00
UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh nhân rộng mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng- xanh- sạch- đẹp”
Bà Nguyễn Thị Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: ý thức được tầm quan trọng về môi trường, MTTQ các cấp phối hợp các tổ chức thành viên và ngành tài nguyên và môi trường cùng cấp, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thông qua việc xây dựng các mô hình điểm tại ấp Ô Ka Đa, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành và Phường 9, thành phố Trà Vinh, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường đã có chuyển biến tích cực. Qua đó, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức sơ kết, chỉ đạo nhân rộng ra toàn tỉnh về bảo vệ môi trường. Tiêu biểu như mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh; mô hình “Phát huy vai trò tổ tự quản Nhân dân bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” xã Đông Hải, huyện Duyên Hải; mô hình “Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” tại chùa Praăng Chhuk (Bông Sen), thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải…
Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh vận động Nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật. Các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông được phát động đến từng khu dân cư và được đông đảo hộ dân đăng ký thực hiện. Nổi bật như mô hình “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông” xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, các thành viên đã vận động 1.696 hộ gia đình trên địa bàn xã đăng ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chiếm trên 95% tổng số hộ toàn xã. Xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang vận động 07/07 khu dân cư đăng ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông.
UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư
Theo ông Võ Hoàng Cương, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, để triển khai và thực hiện hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận, nhiều năm qua, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp phát động mô hình tự quản, góp phần đảm bảo an toàn an ninh trật tự, XDNTM, phát triển kinh tế. Một số mô hình tự quản nổi bật và được duy trì đến nay như: Hội quán, Tổ Nhân dân tự quản, Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu vực tuyến biên giới, thi đua phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp.
Mô hình Hội quán, thành lập năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 110 Hội quán với trên 6.000 thành viên tham gia. Với mục tiêu “03 không, 03 tự, 03 cùng” (không ngân sách, không tổ chức, không trụ sở; tự chủ, tự quản, tự quyết và cùng bàn, cùng làm, cùng hưởng). Mô hình phát huy hiệu quả trong XDNTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, thông qua Hội quán, các đơn vị, doanh nghiệp, các chuyên gia đến trao đổi với nông dân về kỹ thuật sản xuất, cách kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… góp phần chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” của nông dân. Trên nền tảng Hội quán, có 22 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, nhất là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mô hình Tổ Nhân dân tự quản, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp thành lập được 12.587 tổ, với 428.018 hộ thành viên phủ kín địa bàn toàn tỉnh. Mỗi tổ là những hộ gia đình sống liền kề, cùng nhau tự quản các vấn đề ở cộng đồng dân cư, trọng tâm là thực hiện tốt 02 nhiệm vụ: tham gia tự quản giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng xã hội học tập. Hàng tháng, có hơn 5.000 Tổ Nhân dân tự quản tổ chức “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”, đây là dịp để người dân trao đổi, bàn bạc, chủ động triển khai thực hiện các hoạt động tại địa bàn dân cư, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cư trú tại địa phương, theo Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về trách nhiệm của đảng viên đang công tác, thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú.
UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An xây dựng “mỗi khu dân cư 01 công trình”
Bà Phạm Ngọc Tiệp, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An cho biết: nhằm nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tại ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, Ban công tác Mặt trận ấp, khóm phát động “mỗi khu dân cư 01 công trình”. Từ đó, Nhân dân mỗi ấp, khóm, khu phố cùng bàn bạc, thực hiện 01 công trình thiết thực, phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Qua 01 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh có 118/118 khu dân cư, có 123 công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm với kinh phí 22,8 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 07 tỷ đồng, hiến trên 42.000m2 đất. Đồng thời, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh vận động, sửa chữa 54 cầu bê tông; nâng cấp, sửa chữa, bê-tông hóa 86,9km đường, trị giá hơn 72 tỷ đồng… Hiện toàn tỉnh có 94/161 xã đạt chuẩn NTM, 02 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam các cấp xây dựng các mô hình “Giảm nghèo bền vững”, trong năm, UBMTTQ Việt Nam mỗi xã, phường, thị trấn đăng ký giúp ít nhất 01 hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua khảo sát cuối tháng 10/2020, 188/188 UBMTTQ Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn đều đạt ít nhất có 01 hộ thoát nghèo.
Với những mô hình cụ thể mà UBMTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm triển khai thực hiện đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua công tác mặt trận, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là các chương trình, chính sách an sinh xã hội, các cuộc vận động lớn đi vào cuộc sống và được Nhân dân thực hiện một cách có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và ổn định của địa phương.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.