15/05/2023 16:45
Ông Thạch Kim Hạnh (bìa trái) thăm hỏi gia đình bà Thạch Thị Sa Ngao.
Ấp Đầu Giồng B, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú có 551 hộ dân, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 80% dân số, phát huy tinh thần đoàn kết, Nhân dân trong ấp không ngừng sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, từ hộ nghèo, vươn lên cận nghèo rồi tính đến chuyện làm giàu, người dân chung sức, đồng lòng XDNTM, chỉnh trang phum sóc, xây dựng khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp.
Chúng tôi đến thăm hộ bà Thạch Thị Sa Ngao, ấp Đầu Giồng B, là hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết. Bà Ngao chia sẻ: “hàng xóm chúng tôi ở đây cũng còn khó khăn nhưng đoàn kết, yêu thương nhau lắm, tối lửa tắt đèn đều có nhau”.
Bà Ngao bồi hồi nhớ lại, trận bão hồi năm 1997, gió quật mạnh làm căn nhà bà tốc mái, xiêu vẹo, lúc đó anh em hàng xóm, lực lượng công an, quân sự xã lại hỗ trợ cột dây, che mái nhà, dọn dẹp cây ngã…Bà xúc động, không bao giờ quên được.
Cuộc sống bà Ngao hiện cái nghèo vẫn đeo đẳng, 07 người con của bà đã lớn và có gia đình riêng nhưng cũng không mấy khá giả, căn nhà lá trước kia cũng xuống cấp nhưng gia đình không có điều kiện xây mới. Năm 2022, bà được hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà Đại đoàn kết, bà Ngao mừng đến xúc động, bà bày tỏ: “có được căn nhà chắc chắn hơn là điều mong ước từ bấy lâu nay của cả vợ chồng tôi. Nay đã thành hiện thực, vợ chồng tôi sẽ cố gắng hơn mong thoát khỏi cảnh nghèo”.
Ông Thạch Kim Hạnh, Trưởng Ban Công tác mặt trận ấp Đầu Giồng B, xã Phước Hưng cho biết: phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, từ năm 2022 đến nay, Ban Công tác mặt trận ấp phối hợp với các vị sư sãi, các đoàn thể, người có uy tín vận động nhà hảo tâm hỗ trợ trên 150 phần quà cho hộ nghèo, khó khăn. Vận động các hộ dân hiến đất xây đường đal liên ấp; cất mới 03 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước được nâng cao. Do đó, hàng năm, Ban Công tác mặt trận ấp luôn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa trang trọng, vừa phong phú các hoạt động để người dân được gặp gỡ, chia sẻ nhau, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng. Nhờ đó, những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc cũng được gìn giữ và phát huy, xây dựng ấp ngày càng văn minh, tiến bộ. Ấp đạt chuẩn ấp văn hóa - NTM năm 2019.
Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Trà Cú, qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã có sức lan tỏa trong đời sống, nhận được sự đồng thuận, tham gia sôi nổi của các tầng lớp Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền cùng với UBMTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức ngày hội chu đáo, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân ở từng khu dân cư. Nội dung, hình thức của ngày hội được chú trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức qua từng năm, tạo được sự đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hơn nữa, UBMTTQ Việt Nam các xã, thị trấn đã tổ chức phần hội với các hoạt động phong phú, như: tổ chức các trò chơi dân gian đẩy cây, kéo co, tiết mục Chăm Riêng Chà Pây, múa Sa dam, đờn ca tài tử; tổ chức bữa cơm đoàn kết tại khu dân cư, thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, tặng quà cho học sinh, bàn giao nhà Đại đoàn kết.
20 năm qua, các khu dân cư đã vận động được trên 10 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội, tặng hơn 73.000 phần quà; vận động sửa chữa và cất mới 680 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng. UBMTTQ Việt Nam các cấp đã vận động Nhân dân, các tôn giáo đóng góp trên 50 tỷ đồng, hiến hơn 152.000m2 đất và hơn 957.000 ngày công lao động để xây dựng trên 157 tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện; nạo vét 38 tuyến kênh nhằm khơi thông dòng chảy với chiều dài trên 92.000m; thu gom trên 1.200 tấn rác thải; trồng trên 900.000 cây xanh, ra quân tổng vệ sinh môi trường trên các tuyến đường...
Đặc biệt, nền kinh tế của huyện sau đại dịch Covid-19 trên đà khôi phục và phát triển; các mặt đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2022, thu nhập bình quân 57,6 triệu đồng/người/năm, đạt 100% so với nghị quyết; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững, đến nay, toàn huyện còn 3.993 hộ cận nghèo, chiếm 9,22%. Huyện có 12/15 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; 03 xã Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Hàm Giang đạt 19/19 tiêu chí NTM; 111/115 ấp văn hóa, NTM. Huyện thực hiện đạt 04/09 tiêu chí huyện NTM.
Ông Thạch Kim Sĩ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Long Hiệp cho biết: giai đoạn 2003 - 2023, UBMTTQ Việt Nam xã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Thông qua ngày hội, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng Nhân dân, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc để phối hợp giải quyết ngay từ cơ sở. Hàng năm, xã tiếp nhận, hòa giải thành chiếm 87% đơn, thư yêu cầu, khiếu nại, tạo sự đồng thuận Nhân dân.
Qua 20 năm, kinh tế - xã hội của xã không ngừng phát triển, xã được công nhận xã NTM năm 2020; 07/07 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa - NTM. Chất lượng cuộc sống Nhân dân từng bước phát triển, hiện xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, Nhân dân ý thức vươn lên để ổn định cuộc sống. Năm 2022, xã còn 101 hộ nghèo, chiếm 05% so tổng số hộ. Dự kiến năm 2023, xã phấn đấu có hơn 50 hộ thoát nghèo.
Ông Kim Kha Giáp, ngụ ấp Nô Rè, xã Long Hiệp phấn khởi nói: “tôi thấy rằng, ngày hội đã góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, từ các hoạt động để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó, các hộ thấy được trách nhiệm của mình đối với phum sóc. Giờ đây, các tuyến đường được xây dựng cơ bản, sạch đẹp, đồng bào dân tộc Khmer đồng lòng, chung tay, góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên thoát nghèo bằng sức lao động của mình”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, tin rằng, những năm tới, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục phát huy ý nghĩa, là ngày hội của toàn dân huyện Trà Cú nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Thông qua ngày hội, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.