01/07/2021 06:00
Ngôi nhà tình nghĩa vừa được Huyện ủy Châu Thành trao cho bà Trương Thị Cực, con liệt sĩ Trương Văn Đương (anh liệt sĩ Trương Văn Trì), cũng là nơi thờ cúng ông Trương Văn Trì tại ấp Vang Nhứt, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành. Ảnh: NGỌC XOÀN
Trương Việt Trì (mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Trà Vinh vẫn quen gọi với cái tên trìu mến Bé Trì, dù nay nếu còn sống anh cũng đã quá tuổi cổ lai hy) sinh năm 1951 tại ấp Vang Nhứt, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Đây là vùng đất nằm bên hữu ngạn bờ sông Cổ Chiên, dựa lưng vào xã Hưng Mỹ, nơi có phong trào cách mạng phát triển khá sớm, do những tên tuổi lớn như Phạm Thái Bường, Bùi Cát Vũ… gầy dựng. Chính vì vậy, trong cuộc Khởi nghĩa tháng Tám, cả Vang Nhứt vùng lên và ấp này trở thành vùng căn cứ lõm trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Trương Việt Trì sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống. Cha anh, ông Trương Văn Hai, tham gia Vệ quốc đoàn và hy sinh khi anh chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Hai người anh của anh, Trương Văn Đương và Trương Văn Đát, theo gương cha gia nhập lực lượng vũ trang ngay sau Đồng khởi, rồi lần lượt hy sinh vào những năm 1965, 1966.
Những năm 1965, 1966 đế quốc Mỹ ào ạt triển khai chiến lược chiến tranh Đặc biệt, mà vùng đất Vang Nhứt và dòng sông Cổ Chiên quê anh ngay lập tức hứng chịu nhiều đau thương, mất mát. Sự xuất hiện của lính Mỹ, vũ khí Mỹ đã làm cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Vang Nhứt hy sinh ngày một nhiều thêm. Trên dòng sông Cổ Chiên, chúng cho triển khai chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” với những đoàn giang thuyền, hải thuyền, hôbo (bo bo; xuồng cao tốc)… có tốc độ cực nhanh, được trang bị hỏa lực mạnh, xuất phát từ căn cứ Vàm Trà Vinh, căn cứ Bãi Vàng tuần tra liên tục ngày đêm, nằm chia cắt, cô lập tỉnh cù lao Trà Vinh với phần còn lại của khu Tây Nam Bộ. Việc qua lại sông Cổ Chiên trở nên hết sức khó khăn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ giao liên và khách trạm giao liên đã hy sinh trên cung đường dậy sóng này.
Phát huy truyền thống gia đình, khi vừa qua tuổi 14, Trương Việt Trì đã thoát ly tham gia kháng chiến. Anh nằng nặc xin mấy anh, mấy chú được trực tiếp cầm súng chiến đấu tại đơn vị vũ trang huyện nhưng Huyện đội Châu Thành, thấy anh còn nhỏ và cũng có phần ưu ái cho người con còn lại duy nhất của gia đình đã có đến 03 liệt sĩ nên bố trí Trì vào công tác tại trạm giao liên huyện, chuyên đưa khách qua lại hai bên sông Cổ Chiên. Hơn hai năm công tác trên cung đường dậy sóng, Trì trở thành “người bạn đường tin cậy” được anh em đồng đội, được những vị khách dù chỉ một lần vượt sông yêu thương, tin cậy. Sự tận tụy, không quản đêm hôm khó nhọc giúp anh thuộc nằm lòng từng luồng lạch ngoài sông cái cũng như từng con xẻo, con khém trải từ Long Hòa lên Long Hưng, qua Cồn Cò, Cồn Bàng, Cồn Hô cũng như các xã bên đất liền Vinh Kim, Hưng Mỹ, Hòa Thuận, Long Đức, Đức Mỹ... Sự thông minh, chịu khó giúp anh từng bước nắm được quy luật tuần tra, tuần tiễu đánh phá của bọn bộ binh trên bờ, bọn giang thuyền, hải thuyền, hôbo trên sông. Một chiếc xuồng có sức chở vài chục giạ lúa gắn máy đuôi tôm hiệu Kohler 4, Trương Việt Trì đã trực tiếp đưa rước hàng trăm chuyến vượt sông an toàn, góp sức mình vào việc nối liền mạch máu giao liên của huyện Châu Thành, của tỉnh Trà Vinh hòa vào hệ thống giao thông khu Tây Nam Bộ. Mười lăm tuổi đầu, chẳng những điều khiển thành thạo phương tiện vùng hạ lưu Sông Tiền quanh năm sóng dữ, anh còn để tâm học hỏi để sử dụng, sửa chữa, bảo trì tốt ghe máy, bởi với anh đó chính là vũ khí số một trong cuộc đối mặt hàng ngày với kẻ thù. Trong một chuyến giao liên, Trì được anh chiến sĩ đặc công thủy kết nghĩa anh em và tặng cho hai quả lựu đạn M26. Món quà tình nghĩa này lúc nào anh cũng lau chùi sạch sẽ, vắt theo dây thắt lưng như vật bất ly thân.
Tháng 10/1967, chiến sĩ giao liên Trương Việt Trì được lệnh đưa đoàn khách từ Long Hòa, theo ngược lên Cồn Bàng, rồi vượt sông Cổ Chiên qua bờ Rạch Tôm (Hòa Thuận). Ở đây có tuyến giao thông đường bộ bí mật ra vào thị xã. Trời vừa khuất mình, Trì cùng đoàn khách lên đường. Từ căn cứ Rạch Gốc, anh cho chiếc xuồng men theo những con rạch nhỏ, nép vào dãy cồn thưa thớt cư dân giữa sông luôn che khuất tầm nhìn của địch. Giữa đêm, chiếc xuồng có mặt tại trạm Cồn Bàng, chuẩn bị qua sông. Đây là đoạn sông hẹp, ít sóng mà các phương tiện dân dụng nhỏ thường chọn làm nơi qua lại. Biết vậy, địch cũng cho bọn giang thuyền, hôbo tuần tra, tuần tiễu gắt gao nhất. Chúng luôn thay đổi qui luật hoạt động như cho tàu lớn chạy máy lớn, pha đèn sáng rực đi qua, rồi cho tàu nhỏ bí mật thả trôi theo dòng nước, hoặc cho hôbo cao tốc phục tại những cụm bần nào đó, sử dụng tia hồng ngoại để phát hiện ghe xuồng qua sông. Khi phát hiện mục tiêu, chỉ vài phút sau, chúng đã tiếp cận, dùng hỏa lực mạnh tiêu diệt hoặc bắt sống.
Để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, Trương Việt Trì căn dặn khách tuyệt đối ngồi yên trên xuồng nép dưới tàn cây bần bên bến Cồn Bàng, còn anh nhảy ùm xuống sông, bơi một hơi ra cách bờ hơn trăm thước, quan sát động tĩnh. Một chiếc giang thuyền từ phía vàm Trà Vinh chạy xuôi ra biển, đèn pha của chúng quét dọc, quét ngang. Một chiếc bập dừa nhỏ xíu cũng khó có thể qua mắt chúng. Mười lăm phút sau, lại một chiếc giang thuyền rời bến đi tuần tra. Cứ thế, đều đặn. Quãng thời gian này đủ để chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm của anh có thể vượt sang bờ Rạch Tôm. Vấn đề là liệu phía sau những chiếc tàu tuần tra kia, còn có chiếc giang thuyền hay hôbo nào bí mật bám theo không.
Sau một hồi quan sát chắc chắn rằng có thể vượt sông an toàn, chiến sĩ giao liên Trương Việt Trì bơi vào bờ và thông báo cho khách chuẩn bị vượt sông. Dòng sông Cổ Chiên tháng Mười chảy xiết, càng ra xa bờ, sóng mùa chướng càng cao, che khuất chiếc xuồng con, khiến những con mắt hồng ngoại của địch cũng như mù. Chỉ cần đến giữa sông thôi, nếu địch có phát hiện thì các anh cũng đã kịp cập bờ bên kia an toàn trước khi chúng kéo tới. Bờ Cồn Bàng đã khuất dần, bờ Rạch Tôm đã lờ mờ hiện ra trong bóng đêm. Mọi người đã có thể thở một hơi dài trút đi nỗi hồi hộp, lo âu. Thình lình, chiếc máy Kolher sựng lên rồi im re. Trì đứng bật dậy, dùng dây giựt hàng trăm lần để khởi động lại mà chiếc máy vẫn lỳ ra đó. Không ai bảo ai, những người khách ngồi trên xuồng dùng bất cứ vật gì có thể, từ cây dầm, mảnh ván lót ghe, cố bơi cho chiếc xuồng lao nhanh về bến. Sau một hồi chòng chành giữa dòng, từ phía Vàm Trà Vinh, một chiếc hôbo quét đèn pha rực sáng mở hết tốc lực tràn tới. Đứng trước nguy hiểm, Trì bình tĩnh ra lệnh cho mọi người rời ghe, mạnh ai nấy bơi vào đất liền. Trước khi chiếc hôbo áp sát, Trì còn kịp quát lớn:
- Tản ra, mỗi người bơi một phía! đừng bơi dính chùm, chết hết!
Không chỉ ánh đèn pha, chiếc hôbo bắn liên tục nhiều chùm pháo sáng để mở rộng tầm quan sát về mọi hướng. Khẩu đại liên 12,7 ly gắn trước mũi cùng mấy khẩu tiểu liên cực nhanh từ trên tay bốn tên lính Mỹ trên hôbo liên tục nhã đạn về phía những con người không phương chống trả, đang trôi nổi trên sông. Để giải nguy cho khách, chiến sĩ giao liên Trương Văn Trì vẫn bám vào chiếc ghe lắc lư theo sóng, đưa tay lên cao, thu hút sự chú ý của những tên địch. Khi chiếc hôbo áp sát và vãi đạn vào chiếc xuồng, Trì đã lặn một hơi, bám vào phía be bên kia. Chiếc hôbo lại quay một vòng trở lại thì Trì đã lặn ngược trở về phía bên này. Chiếc xuồng cứ bập bềnh trôi vừa là chiếc phao, vừa là công sự giúp anh thoát khỏi tầm truy sát của địch. Cứ thế, chiếc hôbo xoay vòng vòng quanh cái tâm là chiếc xuồng con giữa cơn sóng dữ đang trôi dần về phía hạ lưu, trên nền trời sáng rực bởi ánh đèn pha và pháo sáng. Vừa bám chiếc xuồng, những khẩu tiểu liên của địch vẫn không bỏ rơi những mục tiêu đang cố bơi thoát khỏi vòng vây.
Thấy không thể giải nguy cho khách bằng cách này mãi, chiến sĩ giao liên Trương Việt Trì chống tay lên be xuồng để nhô hẳn người lên cao, tay kia anh ngoắc ngoắc những tên Mỹ trên hôbo. Tưởng đối thủ buông tay đầu hàng, chiếc hôbo từ từ áp sát chiếc xuồng và chiếc thòng lọng được chúng quăng chính xác qua đầu, xiết chặt lấy cổ Trương Việt Trì, kéo lên. Những tên Mỹ xúm lại xí xô, xí xào. Chắc chúng vừa mừng chiến thắng vừa bất ngờ khi đối thủ của chúng chỉ là một thiếu niên, mặt còn non choẹt. Khi gương mặt Trương Việt Trì vừa được chúng kéo lên ngang với mạn tàu, thì hai quả lựu đạn M26 từ tay anh lóe lên ánh lửa xanh rì. Hai tiếng nổ nối tiếp nhau vang lên. Chiếc hôbo trở thành một chiếc bè lửa trôi tự do trên sóng nước Cổ Chiên.
Tiếng súng đại liên, tiểu liên tắt lịm. Ánh đèn pha tắt lịm. Ánh pháo sáng cũng tắt lịm. Chiếc bè lửa rồi cũng tắt lịm. Bóng đêm lại tiếp tục bao trùm lên dòng sông Cổ Chiên giữa mùa sóng dữ.
Sáng hôm sau, một người khách trong đoàn may mắn còn sống sót (khi một giề lục bình bất ngờ trôi ngang đã giúp anh thoát khỏi tầm mắt kẻ thù) trở về trạm kể lại với mọi người tất cả những gì anh tận mắt chứng kiến trong đêm. Và đó cũng là tất cả những gì mà lịch sử còn có thể ghi nhận được về chiến công của người Anh hùng Lực lượng vũ trang, Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt tàu duy nhất vừa qua tuổi thiếu niên của tỉnh Trà Vinh.
Chiến công bất tử của người chiến sĩ giao liên miền sông nước Trương Việt Trì đã nhanh chóng đến với mọi vùng miền Tổ quốc. Từ chiến trường miền Đông, nhà thơ Viễn Phương đã viết:
Em vẫn đứng nhìn con trong giấc ngủ
Mười sáu tuổi xuân đã trưởng thành
“Con như chất phù sa khi lắng xuống
lên cánh sen hồng, lên ngọn lúa xanh!”.
(Dòng sông tôi yêu, 11/1967)
Trường THCS Trương Văn Trì. Ảnh: NGỌC XOÀN
TRẦN DŨNG
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.