17/09/2021 20:32
Theo quan niệm truyền thống người Việt, Tổ nghiệp (giống như Thần Thành hoàng làng, có thể hữu danh có thể vô danh) là biểu trưng của lòng tôn vinh nghề, hướng người nghệ sĩ, nghệ nhân tự thân rèn đức, luyện tài, đoàn kết tương hỗ nhau trong chấn hưng nghề nghiệp cũng như trong thực tiễn cuộc sống. Ở đình, phía sau án thờ Thần, dân làng lập bài vị thờ các vị tiền hiền - hậu hiền có công khai hoang, lập ấp. Theo quan niệm đó, Nghệ sĩ Nhân dân - Soạn giả Viễn Châu, với gần 70 năm tay đờn, tay viết, đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp đồ sộ (trên cả các lĩnh vực sáng tác, đạo diễn, biểu diễn và đào tạo), xứng đáng được tôn vinh là một trong những bậc “tiền hiền” sân khấu cải lương Nam Bộ.
Ở lĩnh vực sáng tác, với bút danh Viễn Châu, ông là một ngôi sao rực sáng trên bầu trời sân khấu nói riêng, cả nền văn học nghệ thuật miền Nam nói chung, trong suốt nửa sau thế kỷ XX. Các con số thống kê chính thức cho thấy, ông đã sáng tác trên 2.000 bài ca vọng cổ cùng hơn 50 vỡ tuồng cải lương và tất cả đã được các nghệ sĩ tài danh biểu diễn trên sân khấu, thu thanh, thu hình phát hành rộng rãi trên cả nước. Đó là một sự nghiệp nghệ thuật mà tất cả những văn nghệ sĩ chân chính đều phải ngước nhìn ngưỡng phục. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí chuyên ngành sân khấu trước năm 1975 đặt cho ông mỹ danh là “Vua bài ca vọng cổ” và năm 2006, Tổ chức Guiness Việt Nam (VietKings Values 2005- 2017) đã chính thức xác nhận kỷ lục ở mục P 14 ghi nhận “Người viết nhiều bài ca vọng cổ nhất”. Tiếc rằng, theo nhạc sĩ Trương Minh Châu (con trai và là người được ủy quyền quản lý di sản nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân - Soạn giả Viên Châu), đến nay, dù đã hết sức cố gắng nhưng gia đình mới hệ thống hóa lại gần 500 bài, trong đó có những bài có đến 2 - 3 dị bản.
Trong số hơn 2.000 bài ca vọng cổ của Soạn giả Viễn Châu, có thể phân thành những nhóm chủ đề chính, như tình yêu quê hương đất nước (Anh đi xa cách quê nghèo, Quê em nặng nghĩa nặng tình, Sóng nước Tiền Giang, Ngã ba Đồng Lộc…), tình yêu đôi lứa (Tình anh bán chiếu, Lá trầu xanh, Mái tóc thề, Chuyện tình Lan và Điệp…), điển tích hương xa (Huyền Trân công chúa, Tần Quỳnh khóc bạn, Hán đế biệt Chiêu Quân, Hận Kinh Kha…), chuyện buồn vui sân khấu (Sầu vương ý nhạc, Tiếng ca lẫn tiếng tơ đồng, Sau bức màn nhung, Nghệ sĩ với cây đàn…) và vọng cổ hài (Anh sui thăm chị sui, Tư Ếch đi chợ Tết, Hề Sa đi Tây, Vợ tui tui sợ…). Dù ở chủ đề nào, lời ca của Viễn Châu bình dị nhưng giàu cảm xúc, giàu chất thơ và hình tượng nên dễ thuộc, dễ đi vào lòng người, tạo ra một sức phổ biến sâu rộng trong nhiều tầng lớp dân cư khác nhau, từ những nhà trí thức uyên bác, nhà tư sản giàu có tới anh phu xe xích lô, anh phụ hồ, chị bạn hàng mua gánh bán bưng hoặc những người nông dân tay lấm chân bùn. Có thể nói, trong chừng bảy thập niên qua, từ sân khấu chính quy, các cuộc hội thi, hội diễn nghệ thật quần chúng, liên hoan đờn ca tài tử, thậm chí ở những cuộc trà dư tửu hậu thì những bài ca vọng cổ Viễn Châu đều được hát lên, lắng đọng và say đắm lòng người.
Trong quá trình sáng tác, như bao nghệ sĩ tầm vóc khác, Soạn giả Viễn Châu luôn cố gắng suy nghĩ, tìm tòi để tự làm mới mình và làm mới bài ca vọng cổ. Điều đáng quý là sự cách tân của ông, tuy ban đầu không tránh khỏi sự dè bỉu, phản kháng nhưng đều thành công. Khởi nguyên, bài ca vọng cổ có sáu câu (nên có thành ngữ sáu câu vọng cổ, gồm câu 1, câu 2, câu 3, câu 4, câu 5 và câu 6), Soạn giả Viễn Châu là người đầu tiên mạnh dạn bỏ đi hai câu 3 và 4, giữ lại bốn câu (câu 1, câu 2, câu 5 và câu 6), rồi xen vào hai “đoạn gối” là bốn câu ngâm thơ hoặc một điệu lý, làm cho bài ca vọng cổ trở nên gọn nhẹ, phù hợp với xu hướng cuộc sống. Một sự cách tân lớn nữa là ông sáng tạo việc lồng ghép đoạn tân nhạc vào thay hai “đoạn gối”, hình thành một thể loại mới được gọi là “Tân cổ giao duyên”, phổ biến từ thập niên 1960 cho tới ngày nay.
Một sự cách tân rất đặc biệt, mà cho tới ngày nay chỉ mình ông làm được, là viết bài ca vọng cổ theo kiểu “đo ni đóng giày”. Trong quá trình gần gũi, Soạn giả Viễn Châu lắng nghe để hiểu thế mạnh về chất giọng, làn hơi, cách nhả chữ của từng nghệ sĩ để viết riêng cho chính giọng ca đó. Qua đó, nhiều nghệ sĩ đã thành danh càng khẳng định thêm tên tuổi (Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu, Hữu Phước với Lòng dạ đàn bà, Tấn Tài với Tôn Tẩn giả điên, Minh Cảnh với Sầu vương ý nhạc…) và nhiều giọng ca trẻ còn chập chững vụt trở thành sao sáng trên sân khấu (Út Bạch Lan với Bông lan trắng, Lệ Thủy với Cô gái bàn chè khuya, Văn Hường với Tư Ếch đi chợ Tết, Hề Sa với Hề Sa đi Tây…). Có thể nói, với tài năng thiên bẫm của mình, Soạn giả Viễn Châu đã góp phần đào tạo hoặc tạo điều kiện sản sinh một dải ngân hà các nghệ sĩ tài danh, đưa sân khấu cải lương đi vào giai đoạn hoàng kim những thập niên 1960 - 1980.
Trong hơn 50 vỡ tuồng cải lương của Soạn giả Viễn Châu, đầu tiên là vỡ Hồn Tử sĩ (1945) và cuối cùng là vỡ Ai điên ai tỉnh (1974). Trong đó, nổi tiếng nhất, có lẽ là Chuyện tình Lan và Điệp, Hoa Mộc Lan, Chuyện tình Hàn Mặc tử, Nát cánh hoa rừng… Riêng vỡ Ai điên ai tỉnh phản ánh thực trạng xã hội miền Nam giai đoạn cuối cuộc chiến tranh được báo giới Sài Gòn bình chọn là “Tuồng cải lương hay nhất năm 1974”.
Là một soạn giả nổi tiếng, Viễn Châu được các đoàn cải lương đại ban như Kim Thanh Út Trà Ôn (1955 - 1958), Thanh Tao (1958 - 1959), Thanh Minh Thanh Nga (1962 - 1966), Dạ Lý Hương (1969), Tân Hoa Lan (1969 - 1971)… mời tham gia với tư cách “thầy tuồng” (mà ngày nay gọi là đạo diễn) trực tiếp dàn dựng tuồng tích mới, trong đó có nhiều vỡ của chính ông.
Trên lĩnh vực biểu diễn sân khấu, với nghệ danh Bảy Bá, ông sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ tài tử, sân khấu cải lương khác nhau nhưng đến mức trác tuyệt và thành danh chính là cây đàn tranh (thập lục huyền cầm). Tung hoành trên sân khấu các đại ban Sài Gòn và lưu diễn khắp các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào, những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 là “Cặp sóng thần trong làng nhạc cổ” Bảy Bá (đàn tranh) - Năm Cơ (một người Trà Vinh khác, đàn sến hoặc kìm). Đến giữa thập niên 1960 trở về sau, làm mưa làm gió trên sân khấu, đài phát thanh và các hãng dĩa là “Bộ ba danh cầm bậc nhất Sài Gòn” Bảy Bá (đàn tranh), Năm Cơ (đàn sến), Văn Vĩ (đàn ghita phím lõm).
Trong nghệ thuật độc tấu và đờn tài tử, vọng cổ, cải lương, người chơi phải nắm vững nhịp nhàng và chữ lồng bản (hò, xự, xang, xê, cống), còn lại là sự tung tẩy, biến hóa một cách sáng tạo tùy theo năng lực và cảm hứng. Cho nên, cùng một người đờn, cùng một bài bản nhưng hai lần đờn khác nhau đã không thể giống nhau và hơn thua nhau chính ở sự biến hóa, sáng tạo ấy. Trong giới đờn tài tử, vọng cổ, cải lương, người ta phân biệt rất rõ đẳng cấp của một nhạc công mới vào nghề, nhạc sĩ đã có sự sáng tạo mang sắc thái riêng. Bảy Bá vượt lên một đẳng cấp khác và giới nghệ sĩ cung kính gọi ông là “thầy đờn”, tức nhạc sư. Ngón đờn thập lục huyền cầm của ông đã bước vào hàng ngũ những nhạc sư lừng danh như thầy Ba Đợi, Nhạc sư Hai Phát, Nhạc sư Vĩnh Bảo…
Là nghệ sĩ, “nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh”, giỏi và tạo dựng tên tuổi trên một lĩnh vực đã là đáng quý. Viễn Châu - Bảy Bá suốt cuộc đời dành cho bài ca vọng cổ và sân khấu cải lương trên cả ba lĩnh vực sáng tác, đạo diễn và biểu diễn (thậm chí còn phát hiện, đào tạo tài năng trẻ), mà lĩnh vực nào cũng vươn tới đỉnh cao khiến người trong nghề, báo giới, người đời hết lòng ngưỡng mộ.
TRẦN DŨNG
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.