24/02/2022 16:55
Trước 30/4/1975, ông từng kiếm được nhiều tiền với nghề họa sĩ của mình ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhưng với tấm lòng yêu quê hương, đất nước, ông đã từ bỏ cuộc sống sung túc, đầy đủ, bao cơ hội làm giàu để ra bưng biền tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông có khiếu vẽ từ lúc 7 tuổi, theo thầy học vẽ vào những năm 1956 - 1959 và sau khi đất nước thống nhất ông theo học Đại học Mỹ thuật 06 năm liền. Ông đã từng là cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh, cán bộ Sở Văn hóa tỉnh Cửu Long, Hội Văn học Nghệ thuật Cửu Long, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam,…
Với 82 tuổi đời và 60 năm tuổi Đảng, Họa sĩ Phong Ba đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật tỉnh nhà. Đặc biệt, ông chính là họa sĩ được lãnh đạo tin tưởng giao cho trọng trách họa chân dung Bác Hồ để thờ trong Đền thờ Bác Hồ vào những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Do tuổi cao sức yếu ông đã vĩnh viễn từ giả người thân, gia đình, bạn bè, anh em đồng chí vào ngày 24 tháng 02 năm 2022.
Sau khi Bác Hồ vĩnh viễn ra đi, Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh vô cùng đau xót. Và theo ý Đảng, lòng dân, Đền thờ Bác Hồ được xây dựng vào cuối năm 1970 tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, tỉnh Trà Vinh. Vấn đề khó nhất được đặt ra lúc này là làm sao có bức chân dung của Bác để thờ. Cuối cùng, Ban Tuyên huấn tỉnh đã chọn người tin cậy để giao nhiệm vụ họa bức chân dung của Bác - đó là Họa sĩ Phong Ba, lúc bấy giờ là Phó Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn tỉnh.
Theo lời kể của Họa sĩ Phong Ba (bài viết Bảy ngày sống bên Bác - quyển Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, xuất bản năm 2012): “Tôi xúc động đến bật khóc khi được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và Thị xã ủy Trà Vinh phân công vẽ chân dung Bác Hồ cho Đền thờ Bác ở xã Long Đức mới được xây dựng…”. Theo yêu cầu chân dung của Bác Hồ phải được vẽ bằng sơn dầu mới đủ sức bền cùng năm tháng, nhưng lúc đó trong tay của Họa sĩ Phong Ba không có mực tàu, cọ nho và màu nước, nhưng may thay nhờ sự giúp sức của một người bạn học cũ lúc bấy giờ là “lính kiểng” của chế độ Sài Gòn, nhưng lại là cơ sở của ta, thì mới mua và chuyển được nguyên vật liệu ra vùng giải phóng cho Họa sĩ Phong Ba.
Một cái khó nữa là, tấm ảnh mẫu chân dung của Bác để vẽ. Và cũng theo lời kể của Họa sĩ Phong Ba “Biết tôi băn khoăn, anh tư Tư Kol - Ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh mang đến cho tôi bức ảnh chân dung Bác Hồ mà anh vẫn cất kỹ từ ngày đầu tập kết ra Bắc… Nhìn bức ảnh tôi ôm chặt lấy anh vào lòng là vô cùng biết ơn. Đúng là hình ảnh Bác Hồ mà tôi cần tìm”. Và thế là sau 7 ngày ròng rã, tập trung cả tay nghề, tâm tư, tình cảm hướng về Bác, bức chân dung Bác Hồ đã được Họa sĩ Phong Ba hoàn thành.
Bức chân dung Bác Hồ đã được đặt trang trọng trong ngôi Đền thờ Bác Hồ với sự sung sướng, vui mừng của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ xã Long Đức nói riêng và Đảng bộ, quân, dân tỉnh Trà Vinh nói chung. Và không may, trong một lần càn phá và đốt Đền, quân ngụy đã đem bức chân dung Bác Hồ về Dinh tỉnh trưởng Trà Vinh. Sau này, mặc dù Nhân dân Long Đức đã nhiều lần biểu tình đòi trả lại bức chân dung Bác Hồ, nhưng không thành.
Trong một lần đến thăm và chúc Tết năm 2018 - vị thủ trưởng đầu tiên mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và quý trọng - Chú mười Sao Vàng (Nguyễn Chiến Thắng) - nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long, Vĩnh Long, tôi được chú cho biết rằng bức chân dung Bác Hồ do Họa sĩ Phong Ba vẽ ngày ấy hiện giờ đang được treo trang trọng cùng với các bức chân dung của các danh nhân thế giới tại phòng khách của nhà ông Kent (còn có tên khác là William) là cố vấn Mỹ ở Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông này có tham gia một cuộc càn quét và đốt phá Đền thờ Bác Hồ (ấp Vĩnh Hội, Long Đức, Trà Vinh), khi mãn nhiệm cố vấn ở Việt Nam, ông Kent trở về nước Mỹ và đã mang theo bức chân dung Bác Hồ. Thông tin về bức chân dung Bác Hồ do Họa sĩ Phong Ba vẽ được Chú mười Sao Vàng thể hiện trong bài viết “Chuyện bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” đăng trong quyển sách Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam - Quyển I, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật”.
Thuộc lớp những người đi sau, chỉ đáng là phận con cháu của Họa sĩ Phong Ba, khi nghe tin ông mất, tôi vô cùng đau buồn. Xin nghiêng mình vĩnh biệt người họa sĩ tài hoa, người cán bộ lãnh đạo ngành tuyên huấn tâm huyết, mực thước!
PHẠM THỊ THANH PHƯƠNG
Ngày 24/11, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long kết hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức lễ khánh thành cầu nông thôn Y88. Đây là công trình được xã Phương Thạnh chọn chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.