23/03/2023 10:18
Bưởi xa xanh của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phúc, ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc, huyện Càng Long, sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận theo Quyết định số 1693/QĐ-UBND, ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Kim Nhân, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho biết: toàn tỉnh hiện có 06/09 đơn vị cấp huyện (huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh) được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Năm 2022, có 02 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM là huyện Cầu Ngang và Duyên Hải. Qua rà soát, đánh giá, kết quả thực hiện các tiêu chí huyện NTM của 02 huyện, đến nay cả 02 huyện đều đạt 09/09 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND, ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh. UBND tỉnh đã tổ chức thẩm tra kết quả xây dựng huyện NTM, hiện tại, đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã khảo sát, đánh giá kết quả XDNTM 02 huyện nói trên, tỉnh đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ về XDNTM theo yêu cầu của đoàn khảo sát.
83/85 xã đạt tiêu chí giao thông
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, năm 2022, tranh thủ nhiều nguồn vốn từ bộ, ngành Trung ương, tỉnh triển khai đầu tư xây dựng trên 56 dự án (tổng chiều dài đường trên 952,79km và 140 cầu). Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, đánh giá và công nhận 83/85 xã đạt tiêu chí về giao thông xã NTM; công nhận 28/85 xã đạt tiêu chí về giao thông xã NTM nâng cao, đến nay, có 08/09 đơn vị hành chính cấp huyện đạt tiêu chí giao thông (Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh).
Ngoài ra, triển khai thực hiện 27 công trình duy tu, sửa chữa trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn ngân sách trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu phí đường bộ, với tổng mức đầu tư trên 84 tỷ đồng, trong đó sửa chữa 67,609km đường và 01 cầu, tạo điều kiện để các xã và huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao và huyện NTM trong năm 2022.
85/85 xã đạt tiêu chí thủy lợi
Đầu tư xây dựng nạo vét 84 tuyến kênh cấp II, sửa chữa và thay mới 10 cửa cống, sửa chữa khắc phục sụt lún 03 tuyến đê kè; đầu tư xây dựng 499 công trình, bao gồm tu bổ, gia cố 40 bờ bao; nâng cấp, sửa chữa 18 bọng; nạo vét 441 tuyến kênh cấp III, đến nay, có 85/85 xã đạt tiêu chí thủy lợi.
Nhằm nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn các xã XDNTM đạt tiêu chí điện, tranh thủ nguồn kinh phí được Tổng công ty Điện lực miền Nam phân bổ trong năm 2022 thực hiện chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, kéo chuyền), tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính của ngành điện với kế hoạch xóa câu phụ cho 5.734 hộ, với suất đầu tư bình quân không quá 06 triệu đồng/hộ, đến nay, có 85/85 xã đạt tiêu chí điện.
Đến nay, toàn tỉnh có 82/85 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 96,47%), 03 xã chưa đạt (Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Hàm Giang) huyện Trà Cú; 27 xã NTM nâng cao; 632/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa, NTM (tăng 24 ấp so với cuối năm 2021), đạt 98,6%, trong đó, có 53 ấp NTM kiểu mẫu (tăng 45 ấp so với cuối năm 2021), đạt 8,39%; 95,46% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, NTM. |
Bên cạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn luôn được quan tâm thực hiện tốt.
Năm 2022, toàn tỉnh công nhận thêm 104 sản phẩm mới, nâng sao và tái công nhận 28 sản phẩm, nâng tổng số đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm được công nhận đạt OCOP (09 sản phẩm đạt 5 sao, 38 sản phẩm 4 sao và 137 sản phẩm 3 sao). Thành lập mới 23 hợp tác xã (HTX), vượt 130% kế hoạch năm đề ra, so cùng kỳ tăng 21%. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX lúa gạo và 172 HTX đang hoạt động với vốn điều lệ 166,364 tỷ đồng, thu hút 28.855 thành viên.
Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM
Mục tiêu đề ra năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu 51% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 09/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trước năm 2025, tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Các chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh cho biết: để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới các ngành, các cấp tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc XDNTM trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua XDNTM, phong trào thi đua Trà Vinh cùng cả nước XDNTM bằng những nội dung cụ thể, phù hợp tình hình phát triển của tỉnh. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình mới, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay trong XDNTM để nhân rộng.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực XDNTM
Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình, lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án khác. Có cơ chế phù hợp để huy động và vận động các nguồn lực hợp pháp khác để XDNTM. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ XDNTM, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững, trong đó cần chú trọng các địa phương có đông đồng bào dân tộc. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM các cấp, ưu tiên bố trí người có đủ tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về NTM.
Quy hoạch XDNTM cấp xã, quy hoạch xây dựng vùng huyện bảo đảm tính thực tế, khả thi, hiệu quả, phát huy lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của xã, huyện trên cơ sở kế thừa các quy hoạch và phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh đã được phê duyệt. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã (giao thông, điện, nước sạch, hạ tầng thương mại nông thôn, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa ấp), hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Cần ưu tiên hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng thiết yếu cho những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào Khmer.
Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở mỗi địa phương gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản hàng hóa; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với kết nối thị trường tiêu thụ; tập trung phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Ngày 18/3/2023, gần 100 cán bộ, đảng viên xã Tân An và Nhân dân ấp Tân Tiến (xã Tân An, huyện Càng Long) ra quân vớt lục bình khơi thông dòng chảy, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường và thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp.
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Giải quyết tốt vấn đề dạy nghề, việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện các chính sách xã hội và an sinh xã hội. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.