30/12/2023 14:56
Đoàn văn công Ánh Hồng tỉnh Trà Vinh trên đường lưu diễn trong kháng chiến (Ảnh: Tư liệu Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh)
Khi chúng tôi đến nơi, khoảng sân rộng ở đầu xóm dưới chân đồi cát đã có đông khán giả là đồng bào địa phương và bộ đội. Quanh sân biểu diễn lúc đó có sẵn những dãi công sự, đường hào mới vừa đào xong, tươi màu đất mới.
Trước đó, vào khoảng năm 1965, lúc Đoàn văn công Ánh Hồng đang biểu diễn phục vụ đồng bào ở Ấp 15, xã Long Hữu, bị pháo binh địch từ Chi khu Quân sự Cầu Ngang bắn xuống trong đêm tối. Do thiếu chuẩn bị công sự và đường hào ẩn nấp nên khán giả và diễn viên của đoàn bị thương vong khá nhiều. Từ đó về sau, mỗi lần Đoàn biểu diễn, quanh sân bãi đều có chuẩn bị sẵn công sự, đường hào để đồng bào tránh bom pháo địch. Công sự, đường đào quanh điểm biểu diễn của đoàn mà chúng tôi sắp xem tối năm đó vừa được bộ đội và người dân trong ấp đào xong từ lúc chiều.
Cách điểm biểu diễn của Đoàn không xa, một anh bộ đội được đơn vị phân công đứng trên động cát cao, mắt nhìn ra biển, tay anh cầm chiếc thùng thiếc. Anh đứng đó gác máy bay Mỹ cho Đoàn văn công Ánh Hồng phục vụ đồng bào, đồng đội của anh.
Đoàn văn công Ánh Hồng tỉnh Trà Vinh ra đời cuối năm 1961. Sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi 14/9/1960, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã mở ra giai đoạn mới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân miền Nam. Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh cũng được thành lập ngay sau đó trong niềm hân hoan, tin tưởng vào sự tất thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Khắp xóm thôn vùng giải phóng Trà Vinh lúc bấy giờ, đâu đâu cũng vang lên lời ca:
“… Muôn tiếng thét hoan hô hoan hô/Nức lòng mừng Mặt trận ra đời
Như ánh đuốc đêm đông sáng ngời/Rọi đường cho cả đoàn quân đi…”
Để khơi dậy tinh thần yêu nước, động viên sức người, sức của cho kháng chiến, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ cơ quan đang đóng căn cứ tại xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, thành lập đoàn văn công tỉnh hoạt động văn nghệ cổ vũ phong trào kháng chiến và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ cách mạng của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng giải phóng trong tỉnh.
Từ quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, tại ấp Hồ Tàu, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, được sự “đỡ đầu” của Ban Tuyên huấn tỉnh, đồng chí Mai Hữu Phước (Năm Phương), Bí thư Huyện ủy chỉ đạo Bí thư Chi bộ xã Long Vĩnh, đồng chí Trương Văn Ngà (Hai Lá) đứng ra vận động thành lập đoàn văn công xã Long Vĩnh do các đồng chí Bảy Bừ, Năm Tri, Hai ốm, Ba Chanh cán bộ văn nghệ Ban Tuyên huấn tỉnh tổ chức xây dựng. Buổi đầu mới thành lập, đoàn có hơn 30 người, là nam nữ thanh niên trong xã có năng khiếu và đam mê văn nghệ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn đã sáng tác dàn dựng hoàn thành vở cải lương “Nghĩa tình trong giông tố” của soạn giả Thanh Lam (Hai Ốm), nội dung vở cải lương đề cao tinh thần đoàn kết của đồng bào Việt - Khmer mà tình yêu của đôi nam, nữ trong vở cải lương là một biểu tượng điển hình, biểu diễn phục vụ được đồng bào địa phương hết sức hoan nghênh.
Đầu năm 1962, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh đặt tên Đoàn văn công xã Long Vĩnh là Đoàn văn công Ánh Hồng và rút cả đoàn về Ban Tuyên huấn tỉnh, do đồng chí Trần Văn Cửu (1934 - 1969), nguyên quán ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải làm trưởng đoàn. Sau khi Đoàn văn công Ánh Hồng được rút về Ban Tuyên huấn tỉnh, Huyện ủy Duyên Hải chỉ đạo Ban Tuyên huấn huyện thành lập Đoàn văn công Dũng Tiến do đồng chí Ngô Phương Viễn, nguyên quán ấp Cồn Cù, xã Dân Thành, huyện Duyên Hải làm Trưởng đoàn. Đoàn văn công Dũng Tiến là nguồn cung cấp cán bộ, diễn viên tiếp theo cho Đoàn văn công Ánh hồng.
Màn đêm buông xuống. Khán giả đến chờ xem văn công Ánh Hồng chật cả khoảng sân rộng. Trong số khán giả hôm nay, có nhiều người bồng bế trẻ em, lội bộ hàng mấy cây số đến đây xem văn công trình diễn. Trong kháng chiến, việc khán giả đi bộ vài cây số để xem văn công biểu diễn văn nghệ là chuyện thường. Tôi cũng đã từng theo người lớn đi bộ từ ấp Phước An, xã Long Toàn đến ấp Cồn Cù, xã Đông Hải bay giờ để xem Đoàn văn công Dũng Tiến hát.
Bỗng từ phía sau sân khấu, tiếng máy đèn nổ và ánh điện khiêm nhường bật sáng trên sân khấu nhỏ. Một nữ diễn viên trong chiếc áo bà ba trắng, vai chị quàng khăn rằn, hai bàn tay sấp lên trước ngực, xuất hiện trên sân khấu, tươi cười chào khán giả. Tiếng vỗ tay của khán giả dậy cả một vùng. Tiếng chị trong trẻo cất lên trên “ô bạc lưa” (loa phóng thanh), nóng bỏng tính thời sự:
- Kính thưa đồng bào, đồng chí… Cờ Mặt trận sáng tợ như mây lành/ Với núi sông ngàn thuở rạng oai danh…/Mở đầu chương trình biểu diễn của Đoàn văn công Ánh Hồng tỉnh Trà Vinh hôm nay, chúng tôi xin được giới thiệu…
- Tùng, tùng, tùng…! - Lời mở đầu đêm biểu diễn của nữ diễn viên dẫn chương trình đang vang lên niềm tự hào thì từ trên phía động cát cao, nơi anh bộ đội đứng gác máy bay tôi thấy ban chiều, có 03 tiếng đánh thùng thiếc báo động.
- Có máy bay! - Khán giả vỗ tay chuyền nhau. Ánh điện trên sân khấu tắt. Tiếng máy đèn vẫn kiên nhẫn nổ “tành tạch…” đợi chờ. Cả bãi hát chìm trong bóng đêm. Cái chấm đèn đỏ trên chiếc máy bay trinh sát của hải quân Mỹ bay tuần tra vùng ven biển các tỉnh Nam bộ như thường lệ, nó thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây từ phía xa rồi biến mất.
Trong bóng đêm dày đặc, khán giả nóng lòng chờ đợi và không ngớt lời nguyền rủa chiếc máy bay trinh sát chết tiệt đó của hải quân Mỹ… thì khoảng mươi phút sau…
- Tùng, tùng…!
Có 02 tiếng thùng thiếc, nơi anh bộ đội đứng gác báo yên. Ánh điện sáng lên. Chương trình biểu diễn của Đoàn văn công Ánh Hồng được bắt đầu.
Trên sân khấu, chị diễn viên khi nãy dường như vẫn còn đứng đó - lộng lẫy, tươi cười với khán giả, gieo vào lòng người một cảm giác bình yên. Gió chướng đêm cuối năm vùng ven biển xoa nhẹ lên làn da người mát rượi. Tiếng nhạc trỗi lên rộn rã.
Những bài hát thường ngày chúng tôi vẫn hát trên đường công tác, bên công sự, chiến hào như “Lá xanh”, “Bài ca may áo”, “Chiếc khăn tay”, “Xuân chiến khu”, “Chào chiến công tiểu đoàn quyết thắng”, “Hồ Thị Nhâm sống mãi’, “Gởi anh lá thư viết dở”... nhưng hôm nay qua giọng hát của các diễn viên đoàn văn công Ánh Hồng trình diễn trong đêm cuối năm, nó tự hào và tha thiết làm sao…
Và rồi, đến lượt diễn viên Lệ Trinh bước ra sân khấu. Nhạc điệu, lời ca bài hát “Gởi anh chiếc mũ tai bèo”, sáng tác Nhạc sĩ Phạm Tuấn Khoa, âm thanh sôi động, điệu bộ nhí nhảnh, phong thái vui tươi vang lên:
“Tiếng máy quay reo ngân vang rừng xanh/Chiếc mũ tai bèo em gởi tới anh/ Khuya sớm chăm lo máy nhanh tay càng nhanh/Mối chỉ đường kim theo anh đi diệt thù/Che nắng che mưa những khi hành quân/Che mắt quân thù trên đường tiến bước/ Súng gối trên vai gió rung là nguỵ trang/Bướm lượn vờn bay nghiêng nghiêng mũ tai bèo…”
Tôi nhìn thấy mấy khán giả là bộ đội ngồi kế bên tôi, cái chân các anh nhịp nhịp theo từng điệu nhạc…
Chị diễn viên làm nhiệm vụ dẫn chương trình tiếp tục bước ra sân khấu tươi cười chào khán giả:
- Kính thưa đồng bào, đồng chí…
“… Quân đi giải phóng buôn làng/ Quân về phum sóc hân hoan đón mừng/ Chày khuya gạo trắng trong ngần/ Bom bo sóc nhỏ hết lòng nuôi quân…”.
Người múa, người xem đang hòa quyện cùng nhau trong lời ca, tiếng nhạc sôi động của vũ điệu “Tiếng chày trên sóc bom bo”, nhạc và lời Xuân Hồng. Tiếng nhạc, lời ca, điệu múa “Tiếng chày trên sóc bom bo” đã dứt mà tiếng vỗ tay hoan hô của khán giả tưởng chừng như không dứt.
Đặc biệt, Đoàn văn công Ánh Hồng có những tiết mục tự biên, tự diễn rất đặc sắc - Đó là những nhạc phẩm của tác giả, nhạc sĩ, nhạc công Huỳnh Thanh Hải: Tiêu biểu một số nhạc phẩm của anh như “Chào chiến công tiểu đoàn quyết thắng” do tốp ca nữ của đoàn trình bày, đã trở thành hành khúc của Tiểu đoàn bộ binh 501, bộ đội địa phương tỉnh Trà Vinh; Nhạc phẩm “Hồ Thị Nhâm sống mãi” với giọng ca nam của đoàn, ca sĩ Quang Tiến thủ sướng: “Ai đi Cà Mau, có nghe tiếng mìn của Hồ Thị Kỷ/ Ai về Trà Vinh có nghe tiếng mìn của Hồ Thị Nhâm/ Tiếng nổ còn vang, huyện lỵ Càng Long, xé xác quân thù, lũ ác tay sai…”.
Rồi đến lượt diễn viên Nguyễn Quang Tước (nghệ danh Minh Thành) bước ra sân khấu với bài ruột “Tôi người lái xe”, sáng tác An Chung, chào khán giả. Lúc bấy giờ ở vùng giải phóng Trà Vinh còn rất ít người biết mặt chiếc xe, nhưng qua giọng hát sôi nổi của ca sĩ Minh Thành hòa quyện với tiếng đàn “Ác cooc” dồn dập của nhạc công Huỳnh Thanh Vân (Bảy Thi), làm cho khán giả như hình dung ra cả một đoàn xe đang rầm rập hành quân trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ…
Đêm đã về khuya, trên sân khấu diễn viên vẫn hát. Tiếng hát bài “Long Vĩnh căm thù”, “Cô gái vót chông”, “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư”, “Em là giải phóng quân”, sáng tác nhạc sĩ Thanh Trúc - “Trăng thu chiếu sáng trên dòng sông/ Rộn ràng tiếng hát vui mừng công/ Đêm qua giải phóng quân vượt sông/ Đồn giặc cháy xác phơi đầy đồng/ Bộ đội ơi cho bé em theo/ Đừng cười em em bé tí teo/ Vác súng trên vai ca khúc quân hành/ Nhằm giặc Mỹ súng em pằng pằng…”... của các diễn viên vẫn cứ rộn rã trong đêm. Và màn cuối cùng, tuồng cải lương “Nghĩa tình trong giông tố” níu chặt chân khán giả.
Còn nhớ trước đó, tại ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, Tỉnh đội Trà Vinh tổ chức lễ trao tặng Huân chương Giải phóng cho hai nữ du kích Nguyễn Thị Út và Tô Thị Huỳnh, Đoàn văn công Ánh Hồng và Đoàn văn công Khmer Ánh Bình Minh được Ban Tuyên huấn tỉnh đưa đến biểu diễn phục vụ gần 10.000 khán giả tham dự lễ.
Vào mùa mưa năm 1967, để đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 306 (bộ đội QK9) muốn được xem Đoàn văn công Ánh Hồng phục vụ trước khi vào chiến dịch, đồng chí Lâm Văn Vui (Sáu Hậu), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ lệnh điều động Đoàn văn công Ánh Hồng đang phục vụ tại huyện Trà Cú, được sự hỗ trợ về vũ trang của các địa phương ven Sông Hậu, đoàn cấp tốc xuất quân từ lúc 5 giờ chiều dưới trời mưa tầm tả, lội bộ vượt qua đồng, qua các sông rạch, qua các hương lộ dày đặc đồn bót địch… hành quân dọc bờ sông Hậu suốt đêm cho đến chiều hôm sau, đoàn đến xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn kịp phục vụ bộ đội Tiểu đoàn 306 trước giờ đơn vị xuất quân. Trong buổi lễ khánh thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Long Đức, thị xã Trà Vinh đêm 30 tết Tân Hợi (26/01/1971), Đoàn văn công Ánh Hồng biểu diễn văn nghệ phục vụ hơn 1.000 khán giả, cách đồn địch chưa đầy 300m, đến gần 03 giờ sáng.
Sau gần 03 tiếng đồng hồ trình diễn (kể cả thời gian tắt đèn tránh máy bay Mỹ), đêm cuối năm tại xã Long Toàn, chương trình phục vụ của đoàn văn công Ánh Hồng kết thúc. Tiếng nhạc trên sân khấu đã chấm dứt; nhưng tiếng hát trên sân khấu vẫn cứ đi theo khán giả tỏa về khắp nơi trong đêm tất niên. Sau này tôi được biết, số anh chị em diễn viên của Đoàn văn công Ánh Hồng biểu diễn trong đêm cuối năm đầy kỷ niệm ấy, có người đã hy sinh.
Đoàn văn công Ánh Hồng tỉnh Trà Vinh là một trong số 12 đoàn văn công ở Nam Bộ được Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam biểu dương là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong kháng chiến.
Gần 14 năm (1961 - 1975), phục vụ kháng chiến chống Mỹ, Đoàn văn công Ánh Hồng có 11 cán bộ, diễn viên đã hy sinh, được công nhận liệt sĩ, trong này có một đồng chí Trưởng đoàn(*).
Sau năm 1975, đoàn văn công Ánh Hồng đổi tên thành Đoàn cải lương Ánh Hồng.
Tự hào lắm - Đoàn văn công Ánh Hồng, nhưng cũng không có gì là mãi mãi!
TRẦN ĐIỀN
________
(*) Liệt sĩ là cán bộ, diễn viên Đoàn văn công Ánh Hồng (chưa đầy đủ, còn đang sưu tầm): Trần Văn Cửu (Trưởng đoàn - Dân Thành), Nguyễn Thị Do, Trần Văn Bá (Long Toàn) Trương Văn Bền, Phan Thị Chen (Dân Thành), Ngô Văn Nâu (Tập) (Đông Hải), huyện/thị xã Duyên Hải; Đinh Văn Vẹn (Long Đức, thành phố Trà Vinh) Dương (Trương) Thị Lịch (Mỹ Long, Cầu Ngang), Nguyễn Văn Tác (Cầu Ngang); Đổ Văn Kiệt (Bình Phú, Càng Long); Tư Chí (Trung Ngãi, Vũng Liêm).
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.