09/02/2023 13:58
Trao bảng tượng trưng bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo huyện Trà Cú.
Ấm áp những căn nhà Đại đoàn kết
Trà Cú là huyện nghèo vùng sâu của tỉnh Trà Vinh, tổng dân số hơn 156.000 người; trong đó, hơn 62% đồng bào dân tộc Khmer. Đợt hỗ trợ nhà Đại đoàn kết lần này, huyện được hỗ trợ nhiều nhất tỉnh, với 358 căn, tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.
Trong căn nhà Đại đoàn kết vừa được hỗ trợ xây dựng còn thơm mùi sơn mới, bà Nguyễn Thị Bé, 68 tuổi, xã Tập Sơn vui mừng chia sẻ, gia đình bà chỉ có 2 mẹ con, con trai bà làm thuê nhưng do bà thường xuyên đau ốm nên thu nhập của con trai không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, thuốc thang cho bà. Vì vậy, gia đình thường rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”, là hộ nghèo nhiều năm liền, phải sống trong căn nhà lá siêu vẹo, dột nát. Được nhận bàn giao ngôi nhà Đại đoàn kết ngay trước thềm năm mới, nên mùa Xuân này rất ấm áp nhất đối với gia đình bà. “Đây là động lực để mẹ con tôi cố gắng lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, bà Bé nói.
Cùng niềm vui được nhận nhà mới ngay trong những ngày giáp Tết, bà Sơn Thị Xuân, 67 tuổi, ngụ Khóm 1, thị trấn Trà Cú không giấu được sự xúc động cho biết, gia đình bà cũng chỉ có hai vợ chồng, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng bà 70 tuổi, bệnh tai biến nằm liệt giường; bản thân bà sức khỏe yếu, không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy. Nhiều năm hai vợ chồng phải sống trong căn nhà tạm bợ, hư hỏng nặng nhưng không có tiền để sửa chữa. Mỗi khi trời mưa gió bà lại dùng xô, chậu để hứng nước mưa. Gia đình bà rất biết ơn Đảng, Nhà nước, các mạnh thường quân đã tạo điều kiện, giúp đỡ gia đình có căn nhà vững chắc để che mưa, che nắng; càng mừng hơn khi được nhận món quà lớn này ngay trong dịp tết Nguyên đán.
Theo Bí thư Huyện ủy Trà Cú Dương Văn Triệu, được Trung ương và tỉnh quan tâm, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều giải pháp lồng ghép đồng bộ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội nên bộ mặt nông thôn các xã vùng sâu, vùng khó khăn có nhiều đổi mới. Năm 2022, huyện Trà Cú giảm trên 5% hộ nghèo (tương đương hơn 2.200 hộ), đạt hơn 300% chỉ tiêu Nghị quyết huyện đề ra; toàn huyện còn trên 1.900 hộ nghèo (trong đó có khoảng 1.400 hộ nghèo dân tộc Khmer) và gần 2.900 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 57,6 triệu đồng/năm, tăng 4,6 triệu đồng so với kế hoạch và tăng 8,6 triệu đồng so với cùng kì năm trước. Đến nay, 15/15 xã trên địa bàn huyện đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2023.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Út cho hay, đến nay, tỉnh đã cơ bản xóa được nhà ở tạm bợ đối với hộ nghèo. Hiện Sở đang phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương rà soát các hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở để tiếp tục hỗ trợ; trước mắt, đã rà soát được trên 460 hộ và ngành chức năng vẫn đang tiếp tục rà soát.
Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững
Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số trên 1,1 triệu người, trong đó, dân tộc Khmer chiếm gần 34%. Thời gian qua, tỉnh huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; trong đó, ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Cùng với hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tỉnh cũng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như sử dụng nước sạch, xây dựng hố xí hợp vệ sinh, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con em hộ nghèo… Đặc biệt, tỉnh chú trọng việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chương trình, dự án phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho hay, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam- Chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, với tổng dư nợ đạt khoảng 3.600 tỷ đồng. Các chương trình tín dụng chính sách đã từng bước khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, toàn tỉnh đã giải ngân tổng số tiền trên 10.829 tỷ đồng cho gần 775.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn. Qua đó, góp phần cùng tỉnh Trà Vinh giảm trên 142.000 hộ nghèo; tạo việc làm cho trên 103.000 lao động; giúp trên 36.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo gần 115.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng 37.300 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo… |
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Trà Vinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hơn 278 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 214 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 32 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn huy động hợp pháp. Theo đó, thực hiện 07 dự án để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo và người dân huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển trong tỉnh, gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Út cho biết, để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo mới, cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, tỉnh Trà Vinh thường xuyên rà soát, phân loại từng nhóm hộ nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả để khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Trà Vinh hiện còn 5.404 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,88% so với hộ dân cư; gần 11.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%. Năm 2023, tỉnh Trà Vinh phấn đấu giảm 0,5% hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 1%. Tỉnh cũng đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025, trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh được thành lập theo Quyết định số 800/QĐ-BLĐTBXH, ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ Trường Trung cấp Nghề Trà Vinh. Trường là cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về dạy nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Trà Vinh.