21/06/2021 05:29
Chuyện dài, nhưng tôi chỉ tóm tắt đoạn này.
Đang là nhóm phóng viên báo chí bên cạnh Thường trực Tỉnh ủy, đóng tại ấp Trà Mềm, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, chúng tôi được lệnh của Thường trực Tỉnh ủy, rời Văn phòng Tỉnh ủy ngay trong chiều nay, đến nhận nhiệm vụ tại Ban Chỉ huy chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đang đặt ở “cánh B” Càng Long vào ngày mai.
Tôi viết bức điện ngắn đưa đồng chí điện báo viên đánh đi cấp tốc về Tiểu ban Thông tấn báo chí, báo cáo tình hình, rồi bí mật “cuốn gói” lên đường.
Nhóm phóng viên tiền phương của chúng tôi lúc này có bốn người: Tôi - Trần Văn Điền (Trần Điền - biên tập viên), đồng chí Nguyễn Bá Tâm, đồng chí Bùi Chí Hùng (điện báo viên), đồng chí Lê Tấn Lực (cơ công).
Không chỉ có đồ dùng cá nhân, mỗi lần nhóm phóng viên tiền phương di chuyển, chúng tôi phải cõng trên lưng bộ đài minh ngữ gồm: một máy phát sóng, một máy thu sóng, ít nhất phải có 60 lố pin con ó để làm nguồn điện hoạt động và dự phòng.
Sau một đêm không ngủ, tự lực hành quân (không nhờ giao liên dẫn đường), qua lộ số 7 (đoạn Phú Hòa), rạng sáng hôm sau, từ Trà Mềm (Hùng Hòa - Tiểu Cần), chúng tôi lọt vào đội hình đóng quân của một đơn vị bộ đội tại xã Phương Thạnh (Càng Long). Tìm người chỉ huy đơn vị bộ đội này để hỏi Ban Chỉ huy chiến dịch ở đâu, tôi được chỉ hướng bên xã Đại phước.
Phải đến quá trưa, chúng tôi mới tìm ra Ban Chỉ huy chiến dịch đóng tại ấp Tân Định, xã Đại Phước và:
- Báo cáo chú năm (đồng chí Nguyễn Nam - Năm Ròm - Tổng chỉ huy chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa), báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh, có mặt.
- Các đồng chí đến rất đúng lúc, tự tìm chỗ đóng quân làm việc.
Tôi “dạ”, rồi quay ra cùng với các đồng chí trong nhóm phóng viên tiền phương đi tìm vị trí giăng dây ăng-ten trên tinh thần: phải kín đáo không để máy bay địch dễ phát hiện, không xa, nhưng cũng không quá gần Ban Chỉ huy chiến dịch để sóng các loại máy truyền tin của Ban Chỉ huy chiến dịch và sóng của Đài minh ngữ hoạt động, không bị nhiễu (tác động xấu) lẫn nhau.
Nhiệm vụ của nhóm phóng viên tiền phương chúng tôi được Thường trực Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn tỉnh phân công là kịp thời đưa tin chiến sự của chiến dịch về Tiểu ban Thông tấn, báo chí thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh, Phân xã Tây Nam Bộ, Thông tấn xã giải phóng và Đài Phát thanh giải phóng. Tin tức phát đi, lúc bên cạnh Thường trực Tỉnh ủy thì phải thông qua Thường trực Tỉnh ủy; lúc bên cạnh Ban Chỉ huy các chiến dịch thì phải thông qua đồng chí Tổng chỉ huy.
Gần một tháng làm việc bên cạnh Ban Chỉ huy chiến dịch, pin dự phòng cho Đài minh ngữ đã cạn dần, nhóm phóng viên tiền phương không còn mua được nữa, vì địch kiểm soát người dân rất gắt gao, đồng chí cơ công Lê Tấn Lực trở về Tiểu ban Thông tấn Báo chí để nhận thêm pin, trên đường trở lại, đồng chí Lê Tấn Lực bị địch phục kích bắn bị thương khi qua lộ số 7, phải nằm điều trị tại quân y cho đến ngày giải phóng. Nhóm phóng viên tiền phương còn lại ba người. Ban Chỉ huy chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa lúc bấy giờ được bổ sung thêm một thành viên - đồng chí Trần Hạnh Chi (chú Tám Chi), Ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh vừa được Tỉnh ủy điều đến.
Chiều ngày 29/4/1975, sau khi đồng chí Tổng chỉ huy phát lệnh xuất quân, nhóm phóng viên tiền phương chúng tôi được nhận một chiếc xuồng năm lá, chở bộ đài minh ngữ, cùng đi với Ban Chỉ huy chiến dịch tiếp cận thị xã Trà Vinh. Vị trí đóng quân của Ban Chỉ huy chiến dịch lúc đó, tôi không còn nhớ rõ địa danh, nhưng, nó ở cặp con rạch nhỏ, chảy thẳng ra là sông Ba Trường, chảy thẳng vô là bến xuồng cặp lộ gần đình Thanh Lệ. Tại Ban Chỉ huy chiến dịch có rất nhiều máy truyền tin quân dụng PRC25. Tiểu khu quân sự địch tại dinh tỉnh trưởng Vĩnh Bình, Chi khu quân sự địch tại các quận (huyện), chỉ huy các tiểu đoàn bảo an địch trong tỉnh đều có một máy PRC25 tại Ban Chỉ huy chiến dịch theo dõi hoạt động. Các cánh quân ta trên đường hành quân vào thị xã đều có một máy PRC25 tại Ban Chỉ huy chiến dịch để liên lạc theo một tầng số riêng.
Đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, các cánh quân ta đồng loạt tiến công. Cái vầng sáng mỏng hắt lên bầu trời hướng thị xã Trà Vinh, liên tục xuất hiện những ánh chớp và tiếng súng nổ.
Hơn một tiếng đồng hồ sau khi nổ súng tiến công, trên con rạch nhỏ trước Ban Chỉ huy chiến dịch, qua ánh trăng mờ của đêm mười chín, tôi thấy xuồng của dân công lần lượt chở chiến thương về. Nhiều năm làm công tác phóng viên bên cạnh Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy các chiến dịch lớn của tỉnh, tôi biết được tương quan ta địch và quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa lần này. Trận đánh đêm 29 rạng ngày 30/4/1975 hôm nay, tôi tin chắc quân ta sẽ giành chiến thắng, nhưng, chiến sĩ hy sinh sẽ phải rất nhiều và không loại trừ những người làm công tác phóng viên báo chí như chúng tôi (nhưng thực tế, quân ta hy sinh trong trận đánh này không nhiều như tôi tưởng).
Khi tiếng súng tổng tiến công của quân ta đồng loạt nổ ra, các cấp chỉ huy quân sự địch trong tỉnh nhốn nháo hoạt động điều hành chỉ huy qua máy bộ đàm, được các chiến sĩ thông tin của ta căng tai, căng mắt theo dõi tại Ban Chỉ huy chiến dịch, tôi nghe có cảm giác như âm thanh của một góc chợ sớm. Mọi hoạt động của ta và cả của địch lúc bấy giờ đã công khai diễn ra một cách rành mạch, chi tiết trước mặt người tổng chỉ huy qua máy bộ đàm.
Trưa ngày 30/4/1975, đang chăm chú nghe radio, đồng chí Nguyễn Nam (Năm Ròm) bỗng ra lệnh các chiến sĩ truyền tin đồng loạt bấm tổ hợp các máy PRC25 theo dõi địch, truyền đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đang được phát đi, phát lại nhiều lần trên Đài Phát thanh Sài Gòn.
Đồng chí Nguyễn Nam cùng các chiến sĩ truyền tin và cận vệ trong Ban Chỉ huy chiến dịch bước xuống chiếc “võ lãi” đậu sẵn cặp con rạch trước Ban Chỉ huy. Chỉ lấy theo cây viết bic và xấp giấy pu-lia, tôi cùng các chiến sĩ bước xuống chiếc võ lãi cùng đồng chí Tổng chỉ huy Nguyễn Nam. Chưa kịp ngồi xuống, đồng chí Trần Hạnh Chi gọi với theo: “Trần Điền, lấy khẩu súng ngắn của chú, mang theo để phòng thân, chú đi xuồng sau”.
Chiếc võ lãi nổ máy, rẽ nước trên dòng rạch cạn, chạy thẳng về thị xã Trà Vinh.
Đón đồng chí Tổng chỉ huy Nguyễn Nam tại bến xuồng trước cửa đình Thanh Lệ là đồng chí Nguyễn Thành Trạng (Út Trạng), cán bộ chỉ huy một cánh quân ta đã đánh chiếm thị xã Trà Vinh trong đêm.
Đồng chí Nguyễn Thành Trạng đưa đồng chí Tổng chỉ huy Nguyễn Nam cùng chúng tôi vòng qua mấy con đường, trước ánh mắt nghi ngờ, dò xét của những tốp lính Việt Nam Cộng hòa vừa buông súng. Chúng tôi vào cổng Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, lúc này người dân xuống đường, tràn vào chật sân Dinh.
Đúng lúc này, Bộ Tư lệnh Vùng IV chiến thuật quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Cần Thơ đưa một chiếc máy bay lên thẳng sang đón Tỉnh trưởng Vĩnh Bình về Cần Thơ, nhưng đã muộn, chiếc trực thăng quay về Cần Thơ.
Theo thói quen nghề nghiệp, tôi đi thẳng vào phòng chỉ huy của Tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Vĩnh Bình- Nguyễn Văn Sơn lúc này đã được lực lượng nổi dậy của quần chúng thị xã đưa ra ngoài. Phòng chỉ huy của Tỉnh trưởng ngổn ngang giấy tờ, máy bộ đàm đang hoạt động. Tôi bấm tổ hợp máy bộ đàm Tỉnh trưởng đang để trên bàn, người bên kia đầu máy tự xưng là Tỉnh trưởng Kiến Hòa, ông ta vội vàng hỏi tình hình tỉnh Vĩnh Bình lúc này ra sao. Tôi trả lời, quân giải phóng đã tiếp quản Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, rồi cúp máy.
Chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi tiếp quản Dinh Tỉnh trưởng, đồng chí Nguyễn Bá Tâm và đồng chí Bùi Chí Hùng cũng đã đưa bộ đài minh ngữ và ba chiếc ba lô cá nhân của nhóm phóng viên tiền phương đến trước cổng Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Binh.
Ngay buổi chiều ngày 30/4/1975, tại căn nhà Ty chiêu hồi Vĩnh Bình (cách Dinh Tỉnh trưởng gần 100m), nhóm phóng viên tiền phương - Tiểu ban Thông tấn, báo chí, thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh chúng tôi, đã dùng máy thông tin vô tuyến điện, đánh về Thông tấn xã giải phóng và Đài Phát thanh giải phóng, bản tin: Tỉnh Trà Vinh đã hoàn toàn giải phóng, bằng tín hiệu morse. Nước mắt tôi rơi ra khi thấy đồng chí điện báo viên viết lên góc tờ giấy chữ “ok” và ngày, giờ đánh đi bản tin.
Không lâu sau đó, khi Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị xuất bản số báo Anh Dũng đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi nhận được Quyết định của Chánh phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát ký đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù lúc này Quốc hội chưa ban hành quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định, thành Thành phố Hồ Chí Minh (như hình trên).
Gần nửa thế kỷ, bốn mươi sáu năm trôi qua, mọi việc đã vào quá khứ. Tháng Tư năm nay, trong lúc soạn tư liệu viết lịch sử ngành tuyên giáo huyện Trà Cú giai đoạn 1930 - 2020, tôi tình cờ nhìn thấy tờ Quyết định khen thưởng hi hữu này và chia sẻ trên mạng xã hội với lời cảm xúc dí dỏm: “Xong rồi, tặng thưởng liền tay/Hoan hô Chánh phủ… lâm thời… miền Nam…/Ba mươi tháng tư bảy lăm/Mới đó mà đã bốn sáu năm, qua rồi!”.
Bài, ảnh: TRẦN ĐIỀN
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn đã trở nên phổ biến như một lựa chọn lối sống để kiểm soát cân nặng và các lợi ích sức khỏe tiềm năng, song bên cạnh đó cũng mang đến rủi ro cho một số người.