08/02/2025 17:28
Đồng chí Dương Quang Đông (Năm Đông), sinh ngày 02/5/1902 trong một gia đình trung nông tại ấp Mỹ Cẩm, xã Mỹ Hòa (nay là thị trấn Cầu Ngang), huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Với hơn 80 năm hoạt động cách mạng liên tục, gắn liền với những bước phát triển của cách mạng Việt Nam, đồng chí đã cống hiến và có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và Nhân dân ta, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, đồng chí Dương Quang Đông là người gieo mầm cho những hạt giống đỏ trên mảnh đất Trà Vinh - quê hương của đồng chí.
Đồng chí Dương Quang Đông (đứng giữa) ở Cà Mau tháng 12/1954.
Năm 14 tuổi, sau khi tốt nghiệp tiểu học tại Trường Phan Xíc Hồng, người học trò Dương Quang Đông đến học tại Trường Huỳnh Khương Ninh. Trong thời gian này, qua đọc sách sử, học trò Dương Quang Đông đã nảy nở lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, từ ý thức ghét thực dân Pháp đến hàng động chống thực dân Pháp, nên chỉ học đến năm thứ ba thành chung, Dương Quang Đông bị đuổi học, trở thành công nhân lái xe kiếm sống ở Sài Gòn.
Qua báo chí, Dương Quang Đông biết đến Cách mạng Tháng Mười Nga, đến hoạt động của những người yêu nước, trong đó có hành động của Tôn Đức Thắng, người thủy thủ kéo cờ phản chiến trên Hạm đội của Pháp ở biển Hắc Hải (tháng 4/1019), Dương Quang Đông đã chịu ảnh hưởng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng.
Tháng 02/1920, đồng chí Dương Quang Đông tham gia Hội nghị ở Bình Đông (nay thuộc Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) thành lập tổ chức Công hội đỏ đầu tiên do Tôn Đức Thắng sáng lập và là Hội trưởng.
Theo sự chỉ đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng, từ năm 1923 - 1929, đồng chí Dương Quang Đông hoạt động tại các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho để thành lập tổ chức Công hội, Nông hội đỏ. Sự ra đời của các tổ chức Công hội, Nông hội đỏ ở Mỏ Cày (Bến Tre), Cầu Ngang, Càng Long (Trà Vinh), Long Hồ (Vĩnh Long), Rạch Gầm (Mỹ Tho), đều gắn với hoạt động của đồng chí Dương Quang Đông.
Từ năm 1927 các tổ chức Công hội đỏ bí mật ở Sài Gòn và Nam Kỳ (trong đó có Trà Vinh) chuyển thành tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trở thành hội viên, Dương Quang Đông nhận nhiệm vụ cải tổ các tổ chức Công, Nông hội bí mật ở Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh,... thành tổ chức của Hội Thanh niên.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 03/02/1930), Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời cũng được thành lập do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Xứ ủy Nam kỳ đã cử đồng chí Ung Văn Khiêm và đồng chí Dương Quang Đông về Trà Vinh xúc tiến việc thành lập các Chi bộ Đảng Cộng sản. Đồng chí Ung Văn Khiêm về Càng Long chỉ đạo Nguyễn Phát Đạt và các Hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở An Trường (quận Càng Long) thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản; đồng chí Dương Quang Đông tiến hành tổ chức các Chi bộ Đảng Cộng sản ở địa bàn quận Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh. Kết quả có 03 chi bộ được thành lập là: Chi bộ Mỹ Long, quận Cầu Ngang do đồng chí Dương Quang Đông làm Bí thư; Chi bộ An Trường (quận Càng Long) do đồng chí Nguyễn Phát Đạt làm Bí thư và Chi bộ Tỉnh lỵ do đồng chí Huỳnh Ngọc Trảng làm Bí thư.
Đến mùa thu năm 1930, Tỉnh ủy Trà Vinh được thành thành lập tại nhà số 9, đường Công xi rượu nếp (nay là đường Lê Lợi, thành phố Trà Vinh), đồng chí Dương Quang Đông tham gia là Ủy viên Thường vụ, phụ trách huyện Cầu Ngang. Tuy gánh vác nhiệm vụ tại Trà Vinh, song đồng chí Dương Quang Đông vẫn hoạt động ở Sài Gòn, là cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 12/1930, Xứ ủy Nam Kỳ chính thức được thành lập, đồng chí Dương Quang Đông được giao nhiệm vụ phụ trách Ban Giao liên của Xứ ủy.
Từ những tư liệu trên có thể khẳng định, đồng chí Dương Quang Đông từ một học sinh, rồi một người công nhân có ý thức căm thù thực dân Pháp, chống thực dân Pháp, đồng chí đã hướng về cách mạng, tham gia thành lập Công hội đỏ, là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trở thành một trong những người cộng sản thế hệ đầu tiên của Đảng. Đặc biệt, đồng chí là người gieo mầm hạt giống đỏ trên mảnh đất Trà Vinh thông qua công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công hội, nông hội đỏ ở Trà Vinh, sau đó chuyển thành Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành các chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
Năm 1931, đồng chí Dương Quang Đông bị thực dân Pháp bắt và kết án 03 năm tù giam. Năm 1934, mãn hạn tù, đồng chí Dương Quang Đông trở về, trong bối cảnh cách mạng nước nhà đang bị thực dân Pháp dìm trong biển máu với các hành động “khủng bố trắng”, đồng chí tích cực tìm cách móc nối cơ sở, phát triển lực lượng, gây dựng lại Xứ ủy Nam Kỳ.
Từ năm 1936, lực lượng cánh tả Pháp thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội, giành quyền đứng ra thành lập chính phủ. Nhân sự kiện này, Đảng ta chủ trương hoạt động công khai, đẩy mạnh phong trào dân chủ, thành lập Ủy ban Hành động ở khắp các địa phương Nam Kỳ. Đồng chí Dương Quang Đông được chỉ định tham gia Ủy ban Hành động Nam kỳ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Hành động tỉnh Trà Vinh. Phong trào dân chủ phát triển mạnh mẽ khắp các tầng lớp quần chúng, động viên mọi người tham gia đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.
Đến tháng 9/1939, chiến tranh thế gới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng một cách thảm khốc. Đảng ta chuyển sang hoạt động bí mật. Đầu năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ được củng cố lại, đồng chí Dương Quang Đông nhận nhiệm vụ Thường vụ Xứ ủy. Trên đường truyền đạt lệnh Khởi nghĩa cho các tỉnh miền Tây Nam Kỳ trở về Sài Gòn, đồng chí bị mật thám đón lõng. Chúng bắt đồng chí và gần như toàn bộ Xứ ủy Nam Kỳ, đày lên Tà Lài (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Đêm 27/3/1941, đồng chí Dương Quang Đông cùng 07 đồng chí tổ chức vượt ngục Tà Lài. Cuộc vượt ngục thành công, nhưng chỉ có 03 đồng chí là Dương Quang Đông, Trương Văn Nhâm và Nguyễn Tấn Đức, 03 đồng chí này cùng nhau thành lập Ban vận động Cách Mạng Nam Kỳ, mục đích là tìm cơ sở, bắt liên lạc với các đồng chí cũ, khôi phục hoạt động của Xứ ủy và liên lạc để nhận sự chỉ đạo từ Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, 02 đồng chí Trương Văn Nhâm và Nguyễn Tấn Đức bị Pháp bắt lại, đày đi Côn Đảo. Ban Vận động còn lại duy nhất đồng chí Dương Quang Đông. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của một người tù vượt ngục bị truy nã khắp nơi, lại không nhận được sự chỉ đạo của Trung ương, đồng chí phải bôn ba khắp Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, rồi đi khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Kỳ để móc nối các đồng chí cũ, khôi phục lại các tổ chức Đảng. Thời gian này, Tỉnh ủy Trà Vinh cũng được khôi phục, do chính đồng chí Dương Quang Đông trực tiếp làm Bí thư.
Ngày 13/10/1943, theo sự triệu tập của đồng chí Dương Quang Đông, 11 đồng chí Bí thư các tỉnh về Chợ Lớn dự hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Kỳ và cả 12 đồng chí trở thành Xứ ủy viên. Đồng chí Dương Quang Đông được hội nghị bầu làm Bí thư Xứ ủy, nhưng đồng chí chỉ tạm nhận chức vụ này, trong khi chờ đợi sự bắt liên lạc với đồng chí Trần Văn Giàu. Đồng chí Dương Quang Đông đảm nhiệm cương vị Bí thư Xứ ủy đến ngày 09/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp. Xứ ủy mới liên hệ được với đồng chí Trần Văn Giàu. Sau khi đồng chí Trần Văn Giàu nhận chức Bí thư Xứ ủy, đồng chí Dương Quang Đông là Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh.
Ngày 24/8/1945, tại hội nghị Xứ ủy tổ chức tại Chợ Đệm, Xứ ủy công bố lệnh Tổng Khởi nghĩa, đồng chí Dương Qung Đông trở về Trà Vinh cùng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà giành lấy chính quyền. Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng trong thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Trà Vinh.
Ngày 06/01/1946, đồng chí Dương Quang Đông cùng đồng chí Nguyễn Duy Khâm và Nguyễn Văn Tây (Nguyễn Thanh Sơn) được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tại đơn vị tỉnh Trà Vinh.
Thời giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng ta hết sức khó khăn do chưa có kinh nghiệm chỉ huy, kinh nghiệm chiến đấu, trang bị rất thô sơ, lại chưa nhận được sự chi viện từ Trung ương và Chính phủ. Do vậy, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương tự lực kháng chiến và tổ chức một đơn vị sang Thái Lan tìm mua vũ khí. Ngày 20/02/1946, đơn vị gồm 14 người của 02 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh lên đường, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Dương Quang Đông. Trong hơn 03 năm, từ năm 1946 - 1949, đơn vị đã tìm mua hàng trăm tấn vũ khí, khí tài quân sự và các trang thiết bị phục vụ chiến tranh khác ở Thái Lan và Malaysia chuyển về Nam Bộ. Ngoài ra, đơn vị còn vận động bà con Việt Kiều ở Campuchia, Lào, Thái Lan ủng hộ nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến trong nước. Hàng trăm thanh niên tình nguyện về nước chiến đấu trong các đơn vị bộ đội hải ngoại như Cửu Long I, Cửu Long II,... những đóng góp của đồng chí Dương Quang Đông trong giai đoạn này đã góp phần tạo nên thế và lực mới trên chiến trường Nam Bộ.
Năm 1949, đồng chí Dương Quang Đông được Xứ ủy cử dự lớp chính trị cao cấp Trường Chinh khóa II. Sau đó, đồng chí được Xứ ủy phân công tham gia Xứ ủy Khu Tây Nam Campuchia.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Dương Quang Đông được phân ở lại miền Nam, tham gia vào Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, phụ trách công tác binh vận. Năm 1957, đồng chí bị địch bắt lần thứ 7 tại đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Phú) và bị đưa về bót Catinat tra tấn dã man. Thừa cơ hội bọn gát tù sơ hở, đồng chí chạy thoát xuống Cà Mau, được Khu ủy Khu Tây Nam Bộ giúp đỡ lo giấy tờ hợp pháp, quay trở về hoạt động ở vùng Phú Nhuận.
Thời gian này, tuyến giao liên giữa Trung ương, Chính phủ với Nam Bộ thường bị gián đoạn. Với kinh nghiệm ngược xuôi khắp Nam Bộ và nhiều năm phụ trách công tác giao liên của Xứ ủy cũng như các hoạt động vận chuyển người và vũ khí trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Dương Quang Đông được Xứ ủy tín nhiệm phân công nhiệm vụ mở lại tuyến giao liên huyết mạch Bắc - Nam với phiên hiệu là Đoàn A53. Hệ thống giao liên chính là mạch máu thông tin của công tác lãnh đạo, đảm bảo được liên lạc thông suốt từ Trung ương đến cấp Xứ và đến các tỉnh là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, tuy thầm lặng song đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lãnh đạo cuộc kháng chiến của Đảng. Một hệ thống cơ sở trên suốt tuyến đường bộ từ Nam Bộ qua Campuchia, Lào, Thái Lan đến Hà Nội hoặc tuyến đường thủy Thái Lan - Hồng Kông - Hà Nội hoạt động liên tục, bảo đảm tuyến giao thông liên lạc thông suốt phục vụ nhu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Sau Đồng Khởi 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm phản ứng rất mạnh. Chúng liên tiếp đánh vào căn cứ ta. Binh lính địch tràn khắp rừng, tàn sát cả những người dân sống trên các nương rẫy. Trung ương Cục phải dời căn cứ lên tận rừng sâu Mã Đà, lương thực, thuốc men đều thiếu thốn, tiền nong cạn kiệt. Trong tình thế ngặt nghèo ấy, đồng thời để tuyến giao liên Bắc - Nam hoạt động ổn định, Trung ương Cục miền Nam giao đồng chí Dương Quang Đông nhiệm vụ mở đường biển ra Hải Phòng, từ đó tổ chức các chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam phục vụ nhu cầu của cuộc đấu tranh vũ trang đang ngày phát triển mạnh của Nhân dân miền Nam. Đồng chí lại trở về với những tháng ngày lênh đênh trên biển theo suốt chiều dài đất nước, mưu trí vượt qua biết bao khó khăn, nguy hiểm, sự bao vây, kiểm soát của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại của kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó.
Những năm sau đó, đồng chí Dương Quang Đông được Trung ương Cục cử sang phụ trách công tác kinh tài với cương vị Thường trực Hội đồng cung cấp tiền phương của Trung ương Cục miền Nam. Trên cương vị mới đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những năm cuối của cuộc kháng chiến, đồng chí Dương Quang Đông được điều về nhận nhiệm vụ Phó ban Giao bưu Miền và công tác tại đây cho đến ngày toàn thắng.
Sau 30/4/1975, Trung ương Cục điều động đồng chí Dương Quang Đông về công tác tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được phân công phụ trách ngành Giao thông Công chánh.
Đến năm 1977, đồng chí được nghỉ hưu. Cũng năm này, Câu Lạc bộ hưu trí Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, đồng chí Dương Quang Đông được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ đến năm 2000.
Năm 1987, đồng chí Dương Quang Đông được Thành ủy Thành phố Hồ chí Minh giới thiệu hiệp thương vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, giữ nhiệm vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố.
Đồng chí Dương Quang Đông mất ngày 10/5/2003, hưởng thọ 101 tuổi.
Với 80 năm hoạt động cách mạng, 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Dương Quang Đông đã gắn trọn đời mình với lý tưởng cộng sản, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân. Trong hơn hai phần ba thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục tại Nam Bộ, tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và cả ở nước ngoài (Campuchia, Lào, Thái lan, Malaysia), 07 lần bị địch bắt, 06 năm ngồi tù của Pháp, Mỹ, Thái Lan, đồng chí luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng và ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, sáng tạo, tâm huyết và khiêm nhường, suốt đời vì dân, vì nước, vì Đảng. Suốt cuộc đời cống hiến không màng đến chức tước danh vị. Luôn khiêm tốn, chan hòa với mọi người, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, luôn xác định rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về Đảng, về Nhân dân chứ không phải của riêng cá nhân mình. Ở vị trí nào, thực hiện nhiệm vụ nào, đồng chí luôn kiên trì, nhẫn nại thực hiện một cách có hiệu quả nhất, đem lại những lợi ích cao nhất cho cách mạng.
Đồng chí Dương Quang Đông thật sự là tấm gương sáng ngời về phẩm chất và đạo đức cách mạng. Tấm gương của một người cộng sản suốt đời tận tụy vì nước vì dân, mẫu mực trong lối sống, thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp của Đảng mà không gợn một chút lợi danh, không màng một chút quyền lực, được cán bộ, đảng viên, đồng chí, đồng dội và Nhân dân tin yêu, kính phục.
Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Dương Quang Đông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng: Huy hiệu 50 năm, 60 năm, 70 năm tuổi Đảng; Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều huân, huy chương khác.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Năm 2024, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh (Đảng ủy Khối) và cấp ủy cơ sở kịp thời triển khai quán triệt Quy định số 3286-QĐ/TU, ngày 18/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng mô hình chi bộ “bốn tốt”, đảng bộ “bốn tốt” (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt), có kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình cơ bản đảm bảo tiêu chí theo quy định, hướng dẫn và phù hợp với từng loại hình cơ sở Đảng.