27/06/2020 06:20
Kinh tế tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất nâng cao. Nhiều công trình được xây dựng mới và đi vào hoạt động, tạo động lực phát triển kinh tế của huyện. Thương mại, dịch vụ phát triển khá; lĩnh vực nông nghiệp, nhất là kinh tế vườn có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, đem lại hiệu quả cao. Năm 2019, huyện Cầu Kè đã được công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Để tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ 2020-2025 nhiều đại biểu mong muốn và kiến nghị huyện tiếp tục có những quyết sách căn cơ và vững chắc hơn, góp phần vào phát triển bền vững của huyện.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Ninh Thới
Do nằm ven tuyến Sông Hậu, Ninh Thới đã xác định kinh tế vườn là thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn của Ninh Thới nói riêng và địa bàn Cầu Kè nói chung; nhiệm kỳ 2020-2025, huyện cần đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản để tránh tình trạng sản xuất của nhà vườn “được mùa, mất giá” rơi vào thực trạng như nhiệm kỳ 2015-2020.
Trong đầu tư kết cấu hạ tầng, cần sớm triển khai tuyến đê bao ngăn mặn và triều cường ven tuyến Sông Hậu (dài khoảng 19km), trong đó qua địa bàn Ninh Thới khoảng 09km. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: cầu, đường giao thông, thủy lợi… để kết nối các vùng trọng điểm trong sản xuất cây ăn trái gắn với phục vụ nhu cầu đi lại và tiêu thụ nông sản hàng hóa của Nhân dân. Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, tránh tình trạng chuyển đổi cơ cấu kinh tế vườn manh mún, tự phát không theo quy hoạch dẫn đến phá vỡ quy hoạch gây khó khăn đến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân…
Ông Phạm Thanh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngãi
Phát triển kinh tế nông nghiệp của Cầu Kè được xác định trọng tâm là kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó, xã Tam Ngãi có lợi thế về kinh tế vườn đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục chỉ đạo quy hoạch, chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao (năm 2020, diện tích vườn cây ăn trái toàn xã 1.346ha, hàng năm sản lượng thu hoạch đạt trên 31.000 tấn trái cây các loại, đem lại nguồn thu nhập cho nông dân hàng trăm tỷ đồng. Từ đó, đời sống Nhân dân không ngừng nâng lên, thu nhập bình quân năm 2020 đạt 59 triệu đồng/người/năm, tăng 29,2 triệu đồng so năm 2015).
Để tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế vườn và góp phần tạo đà thúc đẩy kinh tế huyện phát triển trong nhiệm kỳ tới, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn cho du lịch Cầu Kè, tạo nhiều việc làm cho lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương… ông Phạm Thanh Toàn, kiến nghị huyện cần phối hợp với các sở, ngành tỉnh có kế hoạch điều tra lại hiện trạng đất đai, nguồn nhân lực ở địa phương để có giải pháp chỉ đạo phát triển kinh tế đồng bộ và toàn diện, đặc biệt là đưa kinh tế vườn là mũi nhọn, khâu đột phá quan trọng của huyện. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch; quan tâm đầu tư vào các làng nghề truyền thống. Khuyến khích hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi mô hình du lịch theo hướng homestay; phát triển sản phẩm đặc thù phù hợp với nhu cầu thị trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách tạo dựng thương hiệu và hình ảnh du lịch.
Bà Triệu Thị Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phú
Xã Thạnh Phú với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên từ năm 2015, diện tích trồng lúa của địa phương từ 850ha đến nay, qua chuyển đổi sản xuất (trồng cây ăn trái) giảm còn khoảng 350ha. Nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm tạo phát triển trong kinh tế của địa phương, theo bà Triệu Thị Ngọc Sang, xã tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh học an toàn gắn liên kết chuỗi giá trị. Xây dựng kế hoạch phát triển bền vững sản phẩm chủ lực như cam sành, bưởi da xanh,… sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP. Quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chặt chẽ, kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Phát huy thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển thương mại- dịch vụ, đặc biệt các cơ sở mua bán nhỏ tuyến Tỉnh lộ 911, Hương lộ 33 góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ vay vốn cho lao động, đối tượng học sinh, sinh viên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp các ngành chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, giới thiệu lao động cho các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo.
Trong quy hoạch phát triển tổng thể của huyện Cầu Kè, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương cũng kiến nghị huyện: về phát triển kinh tế, triển khai tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm rõ quan điểm, mục tiêu, tiêu chí XDNTM trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. XDNTM gắn với tái cơ cấu sản xuất, các xã cần có kế hoạch phát triển sản xuất theo hướng sản phẩm chủ lực của địa phương, mở rộng quy mô sản xuất, nhân rộng mô hình hiệu quả góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Khuyến khích những mô hình mới, có liên kết, mô hình áp dụng khoa học công nghệ hữu cơ, vi sinh tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng, nhãn hiệu, thương hiệu, đảm bảo khả năng cạnh tranh.
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo hướng: trang bị kiến thức khoa học, công nghệ, cụ thể là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vi sinh và kinh tế hợp tác… cần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đặc biệt, đủ cả về số lượng và chất lượng đáp ứng thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập. Đảm bảo đội ngũ cán bộ phải kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.