30/07/2020 06:11
Qua 05 năm (2016 - 2020) thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Càng Long từng bước có sự chuyển dịch phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và thị trường tiêu thụ; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất, diện tích sử dụng giống mới ngày càng mở rộng; từng bước nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả; mô hình phân bón thông minh, đầu tư ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; kết cấu hạ tầng từng bước ngày hoàn thiện, công tác phòng, chống sâu bệnh được thực hiện tích cực nên diện tích, năng suất và sản lượng một số cây trồng chủ lực ngày càng tăng.
Để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng trên địa bàn huyện, Càng Long hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường như: đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, xây dựng cánh đồng lớn ở các xã An Trường, An Trường A, Tân Bình, Bình Phú, Phương Thạnh, Mỹ Cẩm... với diện tích 1.460,6ha, sử dụng các loại giống chất lượng cao OM5451, OM4900. Năng suất lúa thuộc cánh đồng lớn bình quân đạt 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với lúa thường, lợi nhuận bình quân cao hơn so với sản xuất lúa IR50404 từ 06 - 08 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long cho biết: thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến đầu năm 2020 toàn huyện đã chuyển đổi 2.894ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng màu, cây ăn trái. Hiệu quả của các loại hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tăng từ 1,5 - 03 lần so với vùng chuyên trồng lúa, giá trị sản phẩm thu được/ha đất trồng trọt năm 2019 đạt 130 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 80 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng bưởi da xanh của ông Lê Kim Sáng, ấp Gò Cà, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long cho thu nhập từ 250 triệu - 350 triệu đồng/năm.
Xã Nhị Long Phú là một trong những địa phương thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Lên, Bí thư Đảng ủy xã Nhị Long Phú cho biết: xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nhị Long Phú xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, từ việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất đến định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, đưa cơ giới hóa và ứng dụng những tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Trong nhiệm kỳ, với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và Nhân dân trong xã, công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả nổi bậc theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất, cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã như: mô hình trồng cây cam sành, bưởi da xanh, cây lác; mô hình nuôi cá lóc; mô hình nuôi bò sinh sản được xây dựng và phát triển, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 165 triệu đồng/ha/năm, tăng 35 triệu đồng/ha so với năm 2015.
Ông Nguyễn Văn RaĐô, viên chức nông nghiệp xã Nhị Long Phú cho biết: những năm qua, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2010, xã Nhị Long Phú có 420ha đất trồng lúa, đến năm 2011 giảm còn 320ha, từ năm 2011 đến nay đã chuyển đổi 312ha sang trồng dừa, xoài, cam sành, bưởi da xanh… hiện trên địa bàn xã Nhị Long Phú chỉ còn 08ha đất trồng lúa. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống của người dân xã Nhị Long Phú những năm qua được nâng lên đáng kể.
Ông Lê Kim Sáng, ấp Gò Cà, xã Nhị Long Phú vui mừng: thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu kinh tế, tôi mạnh dạn chuyển đổi 7.000m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành và bưởi da xanh đến nay đã được 05 năm. Sau khi chuyển đổi mô hình sản xuất, hiệu quả kinh tế mang lại thấy rõ. Với 7.000m2 đất sản xuất lúa trước đây, thu nhập bình quân hàng năm chưa tới 50 triệu đồng. Nhưng sau khi tôi trồng cây có múi, bình quân hàng năm cho thu nhập từ 250 triệu - 350 triệu đồng, đời sống khấm khá hẳn lên. Từ đó cho thấy, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Càng Long đang phát triển đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Trần Văn Xuân, ấp Hiệp Phú, xã Nhị Long Phú cũng phấn khởi: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tôi rất đồng tình. Từ năm 2016 đến nay, tôi đã chuyển đổi 10.000m2 đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng xen dừa với bưởi da xanh, thu nhập hàng năm cao gấp 02, 03 lần trồng lúa, đời sống của gia đình tôi được nâng lên đáng kể.
Tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự chuyển đổi tích cực, từng bước từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, áp dụng tiến bộ KH-KT để vừa tạo cơ hội sinh kế cho người dân, vừa hạn chế dịch bệnh giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Mặt khác, đàn vật nuôi có sự chuyển đổi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Đến nay, việc sử dụng giống heo lai kinh tế chiếm tỷ lệ 100%; đàn bò có trên 95% sử dụng giống nhóm Zebu và 75% đàn bò cái thực hiện phương pháp gieo tinh nhân tạo đã góp phần nâng cao tầm vóc và rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông hộ.
Ông Nguyễn Quốc Phong cho biết thêm: kế hoạch cơ cấu lại ngành trồng trọt trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Càng Long tiếp tục nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản xuất lúa gạo thông qua việc tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng cao và giá trị thương mại bằng các biện pháp thâm canh đồng bộ; nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện. Tập trung mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao chiếm từ 60 - 75% diện tích gieo trồng cả năm, chú trọng phát triển sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ ở các xã cánh A của huyện.
Cây ăn trái, tập trung phát triển một số loại cây ăn trái có lợi thế như bưởi da xanh, cam sành, xoài, quýt đường, thanh long ruột đỏ... Duy trì và phát triển các loại cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; khuyến cáo nông dân trồng mới, nâng cấp cải tạo vườn kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ, phấn đấu đến cuối năm 2020 quy mô diện tích đạt 5.655ha, đến năm 2025 là 7.928ha.
Đối với cây dừa, giữ ổn định diện tích 7.877ha vào năm 2020, tập trung trồng mới, cải tạo vườn dừa đã bị lão hóa với các giống có năng suất, chất lượng cao như dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ tập trung phát triển ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cây màu lương thực, diện tích gieo trồng năm 2020 đạt 744ha, phấn đấu đến năm 2025 là 784ha, chủ yếu là bắp nếp, khoai lang, khoai mì và các loại cây có bột khác. Cây màu thực phẩm, ưu tiên phát triển các loại rau (rau ăn lá, rau ăn quả, dưa hấu...) có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn sinh học để đáp ứng thị trường tiêu thụ tập trung phát triển ở các xã trên địa bàn huyện. Cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó, diện tích trồng lác phấn đấu đến năm 2025 là 2.847ha, tập trung ở các xã Đức Mỹ, Đại Phước, Nhị Long, Nhị Long Phú...
Trong chăn nuôi, tổ chức lại chăn nuôi theo hướng hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn xây dựng nhãn hiệu, từng bước chuyển từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán kém kiệu quả sang chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi bán công nghiệp; tổ chức lại chăn nuôi nông hộ sử dụng các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tạo khối lượng nhiều, hàng hóa lớn, đồng nhất, phù hợp với điều kiện phát triển của huyện, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại giá trị kinh tế cao.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.