16/09/2022 06:45
Bà Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cầu Ngang phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ 5 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2022.
Thực trạng
Theo đánh giá của Thường trực HĐND huyện Cầu Ngang, thời gian qua, công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND dần đi vào nề nếp, đúng quy định, nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri được đổi mới, chất lượng, hiệu quả hơn; từ đó, tạo điều kiện cho cử tri tham gia phát biểu ý kiến, kiến nghị.
Việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri được thực hiện kịp thời, số lượng ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được xem xét, giải quyết ngày càng nhiều. Trong năm 2021, cụ thể là sau kết quả bầu cử HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã không tổ chức cho đại biểu HĐND trực tiếp tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ, nhưng theo luật định, đại biểu HĐND phải nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của cử tri nơi mình ứng cử, Thường trực HĐND huyện ban hành văn bản yêu cầu đại biểu HĐND kịp thời nắm dư luận, ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả, có 123 ý kiến phản ánh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, việc tổ chức các kỳ họp của HĐND huyện và xã, thị trấn được thực hiện đúng quy định, trong đó, việc chất vấn tại kỳ họp dần đi vào nề nếp. Nhìn chung, hoạt động chất vấn được thực hiện đúng thẩm quyền và theo trình tự luật định; tại các kỳ họp thường lệ bố trí thời gian hợp lý để đại biểu HĐND chất vấn; hoạt động chất vấn tại kỳ họp được quan tâm, số lượt ý kiến và nội dung chất vấn ngày càng nhiều hơn, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được quan tâm, đổi mới, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại Điều 107 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND ban hành kế hoạch tiếp công dân, trong đó, có phân công đại biểu HĐND có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định. Thường trực HĐND huyện tổ chức để đại biểu HĐND huyện tiếp công dân khi có yêu cầu của đại biểu HĐND huyện hoặc người dân đăng ký tại Thường trực HĐND huyện; khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân phải có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết đơn thư của công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần tiếp tục tháo gỡ trong hoạt động của đại biểu HĐND thời gian qua. Đơn cử như hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND một số nơi chưa đổi mới, chất lượng, hiệu quả chưa cao; từng lúc đại biểu HĐND chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu kỳ họp để tham gia đặt vấn đề chất vấn tại kỳ họp; một số đại biểu HĐND vẫn còn tâm lý e dè, ngại va chạm nên ít đặt câu hỏi; một số câu hỏi chất vấn thiếu trọng tâm, còn chung chung, còn mang tính chất yêu cầu cung cấp thông tin, việc tham gia tranh luận và truy vấn làm rõ vấn đề thực hiện còn hạn chế; hoạt động chất vấn tại kỳ họp đối với HĐND cấp xã còn ít, có nơi tại các kỳ họp thường lệ không có đại biểu chất vấn.
Khi nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do Thường trực HĐND, đại biểu HĐND huyện chuyển đến thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền từng lúc xem xét, giải quyết chưa kịp thời, đúng thời hạn pháp luật quy định để trả lời cho công dân và báo cáo kết quả giải quyết cho nơi đã chuyển đơn đến để theo dõi, tổng hợp chung.
HĐND huyện Cầu Ngang có 32 đại biểu, trong đó, có 09 đại biểu Khmer, 04 đại biểu hoạt động chuyên trách; các đại biểu được phân công nhiệm vụ tại 10 tổ đại biểu HĐND huyện theo đơn vị bầu cử. Đồng thời, đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn được quy định từ Điều 93 đến Điều 99 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. |
Giải pháp
Theo Thường trực HĐND huyện, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, đại biểu HĐND cần nghiên cứu và nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng của người đại biểu, thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với cử tri; liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực, đầy đủ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; trả lời những kiến nghị của cử tri theo quy định của pháp luật.
Mỗi đại biểu HĐND huyện có trách nhiệm tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp thường lệ HĐND huyện, tùy theo tình hình thực tế của địa phương và công tác của từng đại biểu HĐND huyện mà tổ chức số cuộc tiếp xúc cử tri nhưng phải đảm bảo tiếp xúc cử tri ít nhất 02 điểm/đợt.
Trong đợt tiếp xúc cử tri kỳ họp HĐND huyện cuối năm, ngoài những nội dung báo cáo kết quả tại kỳ họp, đại biểu HĐND còn có trách nhiệm báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND huyện cho cử tri nắm; đồng thời gửi báo cáo kết quả hoạt động của mình đến Thường trực HĐND huyện xem xét chung cho hoạt động của HĐND huyện.
Tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND huyện; tích cực tham gia thảo luận, chất vấn theo quy định (mỗi đại biểu có ít nhất 01 ý kiến chất vấn/năm bằng hình thức chất vấn trực tiếp tại kỳ họp hoặc gửi phiếu chất vấn về Thường trực HĐND huyện trong thời gian giữa 02 kỳ họp): tại kỳ họp, đại biểu HĐND huyện nêu câu hỏi chất vấn tại hội trường hoặc đặt câu hỏi bằng văn bản gửi chủ tọa kỳ họp để yêu cầu người bị chất vấn giải trình làm rõ vấn đề, đưa ra hướng xử lý trong thời gian tới. Đại biểu có thể chất vấn tiếp theo câu hỏi của mình đã đặt ra nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa thỏa đáng nhằm làm rõ vấn đề chất vấn tại kỳ họp.
Thời gian giữa 02 kỳ họp, đại biểu HĐND huyện ghi những vấn đề cần chất vấn theo kiến nghị của cử tri, người được chất vấn vào phiếu và gửi đến Thường trực HĐND huyện để Thường trực HĐND huyện xem xét tổ chức hoạt động chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND huyện hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn theo quy định.
Có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định tại Điều 95 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân phải có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết đơn thư của công dân. Tham gia đầy đủ tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử do Thường trực HĐND huyện tổ chức theo quy định của pháp luật. Ngoài việc gặp gỡ tiếp xúc cử tri theo quy định, đại biểu HĐND huyện cần xây dựng kế hoạch và phối hợp tiếp công dân thông qua UBND xã, thị trấn nơi địa bàn ứng cử.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.