19/02/2021 05:05
Nông dân Nguyễn Bảo Hoàng, Ấp 8A, xã An Trường, huyện Càng Long bỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào bể chứa.
Từ rác thải...
Ông Võ Duy Thanh, nguyên Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Càng Long chất vấn ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT: “Hiện nay bãi rác thành phố Trà Vinh (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày 13/10/2020, UBND tỉnh Trà Vinh có công văn gửi UBND thành phố Cần Thơ nhờ hỗ trợ xử lý 30.000/120.000 tấn rác tồn ứ hàng chục năm, tuy nhiên lời đề nghị này đã bị từ chối. Như vậy, rác cũ thì ùn ứ, rác mới cũng xử lý không xong, hàng ngày trên địa bàn thành phố Trà Vinh bình quân có từ 85 - 90 tấn rác, cao điểm là 110 tấn được tập kết về nhà máy. Được biết, nhà máy mới xây dựng chậm tiến độ và không đúng thiết kế kỹ thuật ban đầu nên đã dẫn đến tình trạng trên. Xin hỏi Giám đốc Sở TN-MT nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc chủ đầu tư hay nhà thầu, hướng tới giải quyết vấn đề này như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất và sinh hoạt của người dân?”.
Vấn đề này, ông Trần Văn Hùng cho biết: Dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác thành phố Trà Vinh (dự án xử lý rác cũ), Sở TN-MT được giao làm chủ đầu tư, đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Công ty Vina Encorp) để triển khai thực hiện gói thầu số 4 (dịch vụ đốt rác), với tổng kinh phí thực hiện 49,522 tỷ đồng, thời gian kết thúc của hợp đồng vào ngày 27/6/2020, song, do thực tế có phát sinh khó khăn nên được UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2021.
Quá trình thực hiện gói thầu chậm do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên đến nay việc triển khai dự án chưa đảm bảo theo tiến độ của hợp đồng, đến nay chỉ mới bốc dỡ, vận chuyển về lò đốt được 15.686 tấn/120.000 tấn (đạt 13%), xử lý đốt xong 9.198 tấn/120.000 tấn (đạt 7,7%) lượng rác cần xử lý còn rất chậm so với mục tiêu đề ra. Sở TN-MT đã và đang nỗ lực hết mình, chủ động phối hợp với các ngành và địa phương, trực tiếp và thường xuyên báo cáo, thỉnh thị cấp trên và tham mưu các giải pháp quyết liệt để giải quyết các tồn đọng còn lại.
Với mục tiêu hợp tác cùng chia sẻ với các tỉnh, thành phố nằm trên tuyến đường vận chuyển rác thải từ tỉnh Trà Vinh đến thành phố Cần Thơ, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Công văn số 4169/UBND-NN, ngày 13/10/2020 gửi đến UBND thành phố Cần Thơ, UBND tỉnh Vĩnh Long và UBND tỉnh Hậu Giang để chia sẻ thông tin và hỗ trợ tuyến đường vận chuyển rác thải từ tỉnh Trà Vinh đến Nhà máy xử lý rác thải EB thành phố Cần Thơ để xử lý. Tuy nhiên, UBND thành phố Cần Thơ có công văn phản hồi về lời đề nghị nói trên là chưa đồng ý việc tiếp nhận 30.000 tấn rác thải sinh hoạt của tỉnh Trà Vinh nên việc vận chuyển 30.000 tấn rác về thành phố Cần Thơ để xử lý là không thực hiện, nên tiếp tục thực hiện việc đốt rác tại Trà Vinh theo nội dung dự án ban đầu. Do vậy, thời gian tới Sở TN-MT tiếp tục yêu cầu Công ty Vina Encorp huy động nguồn lực, nhân lực đẩy nhanh tiến độ đốt rác thuộc gói thầu số 4 nhằm xử lý dứt điểm lượng rác tồn lưu tại bãi rác cũ của tỉnh. Tuy nhiên, Sở TN-MT sẽ xem xét về việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng với Công ty Vina Encorp đến ngày 30/6/2021 đúng theo chủ trương của UBND tỉnh. Sau thời gian nêu trên, sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý sau khi dừng dự án sẽ tìm quỹ đất chôn toàn bộ lượng rác còn lại theo đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Đối với Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh (dự án xử lý rác mới), dự án này có công suất giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày đêm do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 553/QĐ-UBND, ngày 14/4/2017. Khi dự án đi vào hoạt động chính thức sẽ góp phần xử lý lượng rác thải phát sinh của thành phố Trà Vinh và các huyện lân cận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, Công ty Vina Encorp (nhà đầu tư) đã thực hiện chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư được phê duyệt là tháng 12/2017 và đã được điều chỉnh gia hạn đến tháng 12/2020. Trong quá trình thực hiện dự án, Sở TN-MT thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn Công ty Vina Encorp thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan để xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT) phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Sở TN-MT đã kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện dự án nhiều lần, yêu cầu Công ty Vina Encorp cam kết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm. Ngày 07/12/2020, Công ty Vina Encorp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Ngày 09/12/2020, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu đối chứng nước thải, khí thải sau hệ thống xử lý. Kết quả phân tích mẫu ngày 23/12/2020 cho thấy, đối với mẫu nước thải đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, đối với mẫu khí thải đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Hiện, Công ty Vina Encorp đang lập báo cáo đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành hạng mục công trình của dự án để đủ điều kiện đi vào vận hành chính thức gửi về Sở TN-MT làm cơ sở kiểm tra, xác nhận dự án vào vận hành chính thức. Trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng là đơn vị quản lý phải kiểm tra, giám sát yêu cầu Công ty Vina Encorp tập trung triển khai dự án giai đoạn 2 tuân thủ theo công suất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở TN-MT tiếp tục theo dõi, đôn đốc Công ty Vina Encorp thực hiện công tác BVMT theo cam kết báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Cùng quan tâm đến vấn đề rác thải, ông Nguyễn Thế Ngoan, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè chất vấn: “Hiện nay ở các huyện nông thôn mới đều xây dựng lò đốt rác, nhưng chưa có hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Đề nghị Giám đốc Sở TN-MT cho biết giải pháp để sử dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Hùng cho biết, Sở TN-MT phối hợp với UBND các huyện Tiểu Cần, Càng Long, Cầu Kè, Duyên Hải và Cầu Ngang đầu tư lò đốt chất thải rắn sinh hoạt nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp. Tuy nhiên, hiện nay việc đốt rác còn chưa được các địa phương triển khai hoặc triển khai thực hiện chậm, nguyên nhân do UBND cấp huyện chưa xây dựng và gặp khó khăn trong việc xây dựng đơn giá đốt rác cho địa phương mình.
Theo đó, Sở Tài chính có Báo cáo số 361/BC-STC, ngày 12/10/2020 và được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 4934/UBND-KT, ngày 04/12/2020, cụ thể là chấp thuận mức giá tạm tính theo mức chi phí xử lý tối đa theo quy định và loại trừ chi phí khấu hao tài sản đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho đến khi mức giá xử lý rác thải được phê duyệt và các địa phương lựa chọn được đơn vị đốt rác theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức giá tạm tính là 250.000 đồng/tấn (bao gồm thuế VAT). Thống nhất cho các địa phương đã được giao tài sản tại Quyết định số 2295/QĐ-UBND của UBND tỉnh đặt hàng các đơn vị có đủ chức năng vận hành lò đốt rác để xử lý rác thải rắn sinh hoạt với mức giá thỏa thuận nhưng tối đa không quá mức giá tạm tính. Hiện tại, địa phương đang thực hiện việc đấu thầu lựa chọn đơn vị lò đốt rác, xây dựng dự thảo phương án vận hành lấy ý kiến đóng góp... Sau khi hoàn chỉnh các nội dung trên, dự kiến quý I/2021 sẽ triển khai đưa các lò đốt vào hoạt động nhằm xử lý lượng rác thải phát sinh tại địa bàn.
Thời gian tới, UBND các huyện có lò đốt khẩn trương đưa lò đốt vào hoạt động theo mức giá tạm như đề xuất của Sở Tài chính. Đồng thời, Sở TN-MT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 nhằm thống nhất đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương. Sở TN-MT tiếp tục theo dõi, hỗ trợ huyện trong việc vận hành các lò đốt, đảm bảo đạt hiệu quả.
…đến ô nhiễm nguồn nước
Ông Nguyễn Thành Đông, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Cầu Kè chất vấn: “Thời gian qua các ngành, các cấp có nhiều cố gắng trong công tác BVMT, nhưng vấn nạn ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm môi trường nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm trọng, như việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất thải nuôi trồng thủy sản và các loại chất thải không được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến kinh tế, đe dọa sức khỏe người dân. Với vai trò lãnh đạo ngành, Giám đốc Sở TN-MT có giải pháp gì để giải quyết vấn đề trên nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người dân trong thời gian tới”.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Hùng cho biết, đối với chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, Sở TN-MT đã tập huấn về hướng dẫn quy trình làm sạch bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; việc thu gom, vận chuyển, xử lý và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV cho cán bộ phụ trách môi trường, hội đoàn thể cấp huyện và cấp xã. Qua đó nâng cao ý thức việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức các quy định của pháp luật về BVMT. Ngoài ra, thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNTBTNMT, ngày 16/5/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND các huyện, thị xã thực hiện mô hình thu gom chai lọ, bao gói thuốc BVTV trên đồng ruộng, bố trí 340 bể chứa chai lọ, bao gói thuốc BVTV trên địa bàn toàn tỉnh, định kỳ 02 lần/năm phối hợp với các công ty cung cấp thuốc BVTV tổ chức thu gom, vận chuyển xử lý đúng quy định.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND cấp huyện hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói chứa thuốc BVTV đã qua sử dụng và xử lý đảm bảo thời gian về quản lý chất thải nguy hại không quá 06 tháng. Tiếp tục tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn nông dân thu gom xử lý rác thải BVTV đúng nơi quy định. Nhân rộng mô hình công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, xây dựng hố chứa rác thải BVTV, vận động nông dân thu gom bao gói chứa thuốc BVTV sau khi sử dụng bỏ vào các hố chứa đúng nơi quy định. Sở NN-PTNT tổ chức nhân rộng mô hình công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, xây dựng hố chứa rác thải BVTV, vận động nông dân thu gom bao bì chứa thuốc BVTV sau khi sử dụng bỏ vào các hố chứa đúng nơi quy định. UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để xây dựng các hố chứa, thu gom và tiêu hủy rác thải BVTV theo đúng quy định của Thông tư hướng dẫn, đảm bảo ngoài đồng ruộng, trong khu dân cư dần dần không còn tình trạng rác thải BVTV vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với vấn đề nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao, ngày 12/3/2019, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND về việc quy định về điều kiện nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Quyết định số 16/2019/QĐ-UBND, ngày 28/8/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định kèm theo Quyết định số 05. Theo đó, Sở TN-MT và Sở NN-PTNT có các hướng dẫn cụ thể về quy trình nuôi, công tác BVMT trong quá trình nuôi, cụ thể là Hướng dẫn số 02/HD-STNMT, ngày 16/4/2019 của Sở TN-MT hướng dẫn thực hiện công tác BVMT đối với UBND cấp huyện theo Quyết định số 05 của UBND tỉnh; Hướng dẫn số 104/HD-SNN, ngày 07/6/2019 của Sở NN-PTNT hướng dẫn quy trình nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao áp dụng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trên cơ sở các hướng dẫn trên, UBND huyện chỉ đạo phòng, ban và UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định tại Hướng dẫn số 161/HD-SNN, ngày 24/9/2019 của Sở NN-PTNT về việc hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong nuôi trồng thủy sản và BVMT nuôi trồng thủy sản.
Thời gian tới, để đảm bảo công tác BVMT trong quá trình nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao, Sở NN-PTNT, Sở TN-MT phối hợp, hỗ trợ UBND huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại Điều 52, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính Phủ. UBND cấp huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi thực hiện đúng các biện pháp BVMT theo Quyết định số 05 của UBND tỉnh về việc quy định về điều kiện nuôi tôm nước lợ siêu thâm canh, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; các hướng dẫn khác của Sở TN-MT, Sở NN-PTNT; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã và Phòng TN-MT tăng cường thường xuyên phối hợp với các phòng, đơn vị kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm đối với các cơ sở nuôi tôm công nghệ cao không thực hiện đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.