31/08/2020 12:53
Toàn huyện có 20.898 hộ, với 78.444 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chiếm 25%, trong đó, hộ Khmer nghèo chiếm 56,33%, những năm qua, chính sách dân tộc làm chuyển biến tích cực vùng có đông đồng bào Khmer nói riêng và Nhân dân trong huyện nói chung.
Huyện Duyên Hải có 07 đơn vị hành chính (06 xã, 01 thị trấn). Những năm qua, huyện triển khai thực hiện tốt Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, thực hiện chiến lược công tác dân tộc, nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Duyên Hải diễu hành tại buổi lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Để thực hiện hiệu quả, ngày 12/9/2016 UBND huyện Duyên Hải ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND về việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TU, ngày 16/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 24/KH-UBND, ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh về việc tuyên truyền công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn huyện. Đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động đối với tình hình thực tế ở địa phương.
05 năm qua (2015 - 2020), toàn huyện huy động 243,7 tỷ đồng từ vốn các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn các xã đặc biệt khó khăn vùng có đông đồng bào Khmer trong huyện. Lồng ghép vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo được tiếp tục theo học các cấp học cao hơn.
Qua đó, đã hỗ trợ trên 3.000 hộ Khmer thoát nghèo và hơn 400 học sinh, sinh viên. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện có sự thống nhất cao trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và vận dụng tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực về sản xuất, đời sống, sinh hoạt ở địa phương có đồng bào Khmer sinh sống, đặc biệt đối với công tác giáo dục và đào tạo.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Duyên Hải được thành lập theo Quyết định số 1181/QĐ-UBND, ngày 24/6/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh được xây dựng tại ấp Sóc Ruộng, xã Ngũ Lạc, với diện tích gần 8.000m², đưa vào hoạt động từ năm học 2009 - 2010. Đến nay, nhà trường có đầy đủ 03 khối phòng cơ bản, khối phòng phục vụ học tập, có 17 phòng; khối phòng hành chính có 11 phòng; khối phòng nội trú có 20 phòng, phục vụ công tác nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Qua 10 năm hình thành và phát triển, nhà trường luôn đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn, có kế hoạch cải tiến chất lượng, kế hoạch huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Cơ sở vật chất của trường tiếp tục được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, trang thiết bị, sân chơi, bãi tập, sân bóng… vừa dạy học, vừa nuôi dưỡng học sinh nội trú, trách nhiệm giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh người Khmer trong huyện. Kết quả, ngày 10/01/2020, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Duyên Hải được Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 49/QĐ-UBND công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Ông Lê Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Duyên Hải phấn khởi cho biết: cơ sở vật chất của trường luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đủ số lượng theo cơ cấu về loại hình, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ đào tạo, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; tổ trưởng chuyên môn đều là những giáo viên có kinh nghiệm trong việc điều hành công tác nên hoạt động của tổ chuyên môn là nền tảng góp phần quan trọng trong thành tích chung của nhà trường, quy mô trường lớp ngày càng phát triển.
Ông Thạch Rọt Tha, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Duyên Hải đánh giá: những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào Khmer nói riêng và Nhân dân trong huyện nói chung. Nổi bật là Chương trình 135 của Chính phủ, chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, điện thắp sáng, vốn sản xuất… nhất là đầu tư phát triển giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, nói riêng là đồng bào Khmer, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer tại địa phương.
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong vùng có đông đồng bào Khmer, huyện tập trung nâng cao ý thức, nhận thức trong việc chấp hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy hiệu quả, giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào Khmer, từ đó, đồng bào Khmer tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.