30/12/2020 09:22
Nhân dân ở Khu Công nghiệp Long Đức hưởng ứng thực hiện công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp do LĐLĐ tỉnh phát động.
Từ những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp
Thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn đăng ký triển khai thực hiện có hiệu quả 19 công trình thi đua. Nổi bật như: Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Một thành viên BestMate Việt Nam và CĐCS xã Tân Hùng (LĐLĐ huyện Tiểu Cần) thực hiện công trình tuyến đường hoa, dài khoảng 0,7km, tổng kinh phí khoảng 12 triệu đồng. Công đoàn Công ty Điện lực Trà Vinh thực hiện công trình thi đua “Xóa câu phụ điện khu vực huyện Càng Long”, tổng kinh phí 7,3 tỷ đồng. CĐCS Công ty Cổ phần Cấp thoát nước thực hiện công trình “Thi công tuyến ống cấp nước” đường tránh Quốc lộ 53, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tổng kinh phí trên 4,1 tỷ đồng; LĐLĐ tỉnh và Công đoàn Khu Kinh tế vận động đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ), người lao động (NLĐ) tham gia thực hiện trồng và chăm sóc 1.000 cây hoàng yến tại 06 tuyến đường trong Khu Công nghiệp Long Đức, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tổng chiều dài trên 05km, kinh phí 100 triệu đồng và phát động các CĐCS trực thuộc tham gia phối hợp với Ban Giám đốc công ty phân công ĐVCĐ, NLĐ chăm sóc cây cảnh trước, trong khuôn viên doanh nghiệp và thường xuyên phát quang bụi rậm...
Bà Nguyễn Thị Thắm, ngụ ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (gần Khu Công nghiệp Long Đức), cho biết: thấy LĐLĐ tỉnh và Công đoàn Khu Kinh tế cùng với chính quyền địa phương thực hiện công trình trồng mai hoàng yến tại Khu Công nghiệp Long Đức, hầu hết người dân ở đây đều nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều người dân đã chủ động trồng hoa ở các đoạn đường, xung quanh nhà mình. Phong trào trồng hoa ven đường thực sự lan tỏa đến từng hộ dân. Những tuyến đường hoa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường; ý thức làm đẹp cảnh quan ấp trên địa bàn xã Long Đức được nâng lên rõ nét. Tình trạng người dân vứt rác bừa bãi vì thế cũng đã giảm hẳn.
Ông Trần Nhật Linh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế cho biết: từ khi Nhà nước có chủ trương XDNTM, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rất tích cực. Vừa qua, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Công đoàn Khu Kinh tế thực hiện công trình trồng 1.000 cây mai hoàng yến trên các tuyến đường Khu Công nghiệp Long Đức đã tạo nên cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Hiện Công đoàn Khu Kinh tế huy động cán bộ, ĐVCĐ, NLĐ và Nhân dân địa phương tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm trên các tuyến giao thông, tạo nên tầm nhìn thông thoáng, giúp cho việc giao thông được dễ dàng, đồng thời chăm sóc, cắt tỉa hoa kiểng trên các tuyến đường hoa, tạo thêm vẽ mỹ quan xanh - sạch - đẹp.
Bà Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: xác định công tác vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc tuyến đường hoa là việc làm thường xuyên, góp phần XDNTM, LĐLĐ tỉnh phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, ĐVCĐ, CNVCLĐ và toàn thể Nhân dân góp công, góp sức thi đua tham gia trồng hoa, cây xanh, vệ sinh môi trường nơi cư trú, nơi công cộng, tạo ra sức lan tỏa lớn và bền vững góp phần tạo ra cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới.
Nông dân đưa cây màu xuống ruộng lúa kém hiệu quả
Thực hiện có hiệu quả công tác “Dân vận khéo” trong vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó đưa cây màu xuống chân ruộng lúa kém hiệu quả được nông dân xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành quan tâm chọn trồng như: cải bẹ cùi, ớt, bầu, bí, rau ăn lá, rau cần tàu, ngò rí,... góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân gấp 02-03 lần so với độc canh cây lúa. Bí thư Đảng ủy xã Hưng Mỹ, ông Đoàn Văn Bính cho biết: nhờ thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đời sống nhiều nông dân trong xã trở nên khấm khá. Giai đoạn 2015-2020, toàn xã đã chuyển từ đất lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng chuyên màu, luân canh màu, trồng cỏ nuôi bò, nuôi thủy sản với diện tích trên 111ha; phát triển vùng sản xuất rau màu an toàn tập trung ở ấp Ngãi Hiệp, Rạch Vồn và Đại Thôn; vùng lúa chất lượng cao ở ấp Ngãi Lợi và Ngãi Hiệp; vùng nuôi trồng thủy sản ở ấp Cồn Cò, Ngãi Lợi và Bà Trầm; vùng trồng cây ăn trái ở ấp Rạch Giữa, nhiều mô hình có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Trong, ngụ ấp Ngãi Hiệp cho biết: vùng đất ở ấp Ngãi Hiệp kém màu mỡ, sản xuất lúa năng suất không cao, vừa qua, xã vận động chuyển đổi cơ cấu sản xuất đưa cây màu xuống chân ruộng, gia đình tôi và một số người dân ở đây hưởng ứng đưa cây màu xuống chân ruộng hiệu quả. Cây màu được nông dân chọn trồng chủ yếu như các loại họ cải, rau cần tàu, ngò rí, bầu, bí đao, ớt,... từ đầu năm đến nay, nhờ màu có giá ổn định: cải các loại từ 4.000-10.000 đồng/kg, bầu 5.000 - 10.000 đồng/kg; bí đao 5.000 - 6.000 đồng/kg; rau cần tàu 10.000 - 20.000 đồng/kg, ngò rí 20.000 đồng/kg... trung bình mỗi héc-ta trồng màu, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm, cá biệt có nhiều hộ lợi nhuận 150 triệu đồng/ha/năm. Gia đình tôi có 0,15ha đất chuyên trồng màu, mỗi năm lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Năm nay, tuy có những cơn mưa trái mùa làm ảnh hưởng một phần diện tích màu, nhưng nhờ nông dân có kinh nghiệm trồng, ngành chuyên môn hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên các loại màu phát triển tốt vẫn đảm bảo được năng suất.
Nhiều nông dân trồng màu xuống ruộng lúa kém hiệu quả khẳng định: cây màu dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, có thời gian thu hoạch ngắn hơn cây lúa, năng suất ổn định, đồng vốn quay nhanh và cho thu nhập ổn định, nhất là trong thời điểm hiện nay giá rau màu tăng và ổn định nên nông dân sau thu hoạch có lợi nhuận cao gấp 02-03 lần so với trồng lúa, đất sau khi trồng màu xong, trồng lúa lại rất tốt, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất lúa tăng.
Ông Đoàn Văn Bính cho biết thêm: chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn có giá trị trong việc cắt giảm nguồn bệnh tồn dư trong ruộng lúa, cải tạo, gìn giữ độ phì nhiêu của đất. Đối với những địa phương không chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên bị hạn cuối vụ vào mùa khô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ mở hướng đi mới cho nông dân, đó là chủ động được mùa vụ, nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất từng loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết từng vùng hiệu quả.
Ngoài các mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả nêu trên, hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình điển hình trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cần được nhân rộng. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong những năm tới, hệ thống dân vận các cấp sẽ tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân với phương châm khéo tham mưu đề xuất chủ trương, khéo trong tổ chức thực hiện, khéo trong tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.