31/07/2022 07:43
Trở lại Tập Sơn hôm nay, chúng tôi mới thấy rõ sự “thay da đổi thịt” của vùng nông thôn từng khó khăn một thời, đường quê rộng thoáng, sáng - xanh - sạch - đẹp, nhà cửa kiên cố, san sát nhau, đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của người dân trong phong trào XDNTM.
Ông Trầm Văn Nhành, Chủ tịch UBND xã Tập Sơn cho biết: xã xác định năm 2022 sẽ xây dựng thành công xã NTM nâng cao, đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Do đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay thực hiện các tiêu chí. Đồng thời, xã lồng ghép các dự án, các chương trình đầu tư tạo điều kiện thúc đẩy hộ dân tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao, đảng bộ, chính quyền xã tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là 19 tiêu chí NTM nâng cao, 06 tháng đầu năm 2022, theo đánh giá, xã đạt 11/19 tiêu chí, 08 tiêu chí chưa đạt gồm giao thông, văn hóa, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh.
Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tổ chức sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ban Nhân dân các ấp tiếp tục phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa, 06 tháng đầu năm, ấp Trà Mềm, Bến Trị, Ấp Ô chuyển đổi 3,35ha đất kém hiệu quả sang trồng dừa, cây có múi; chuyển đổi sang nuôi cá lóc, tôm thẻ, nuôi ba ba…
Ông Tăng Reng (đứng giữa) giới thiệu mô hình nuôi ba ba.
Ông Tăng Reng ngụ ấp Bến Trị, là nông dân tiên phong nuôi ba ba trên địa bàn xã 04 năm nay. Mô hình phát huy hiệu quả, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi ba ba.
Dẫn chúng tôi ra sau nhà, ông Reng chỉ xuống hồ với diện tích khoảng 800m2 mặt nước, là hồ nuôi ba ba. Theo ông Reng, ban đầu ông mua 2.000 con ba ba giống ở Hậu Giang về nuôi, nuôi khoảng 2,5 năm, ba ba đạt trọng lượng từ 800g trở lên sẽ xuất bán. Lúc đầu nuôi, ba ba loại I, từ 1,3kg trở lên có giá 400.000 đồng/kg. Sau khi xuất bán, ông tiếp tục mua con giống về nuôi, đến nay, ông nuôi 03 đợt với 14.000 con. Thức ăn của ba ba là các loại cá biển, cá lóc xay nhỏ trộn với thức ăn cá lóc.
Ông Reng cho biết: ba ba là loài dễ nuôi, ít bệnh, chi phí thấp nên tôi duy trì đến nay. Tuy nhiên, hiện nay ba ba đang rớt giá, ba ba loại III, có trọng lượng khoảng 800g có giá 800.000 đồng/kg. Giá giảm, trong khi chi phí thức ăn mỗi ngày hơn 100.000 đồng. Cứ 02 - 03 ngày là cho ăn hết 01 bao thức ăn khoảng 600.000 đồng. Với chi phí như hiện nay, coi như người nuôi không có lời.
Ông Kim Thai, Bí thư Chi bộ ấp Bến Trị cho biết: ấp có 190ha diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, màu với các loại cây như dừa, bưởi da xanh, bí đỏ; 35,65ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản, trong đó, có 12 hộ nuôi các loại con như ba ba, cá lóc, lươn không bùn, cá thác lác, góp phần chuyển đổi vật nuôi phù hợp, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua rà soát, hiện ấp còn 29 hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm nay, sẽ có thêm 05 hộ thoát nghèo.
Với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, toàn xã hiện có 14 tổ hợp tác đang hoạt động, gồm tổ hợp tác sản xuất lúa, nuôi bò thịt, trồng màu và tổ hợp tác may. Các tổ hợp tác đang được củng cố, kiện toàn để nâng cao chất lượng. Xã có 01 sản phẩm lạp xưởng Ngọc Hương tham gia chấm điểm OCOP cấp tỉnh.
Thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, xã tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, 99% hộ sử dụng điện.
Lĩnh vực giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi đạt 99%. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được chú trọng, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư và phát huy nội lực, 06 tháng đầu năm, xã hoàn thành 09/09 công trình thủy lợi nội đồng và 01 đê bao, triển khai thi công xây dựng công trình nạo vét 03 kênh cấp II, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Kim Sang, người dân ấp Bà Tây B chia sẻ: tôi thấy chính nhờ chủ trương XDNTM mà quê hương phát triển không ngừng. Nếu so với 10 năm trước đây, xã Tập Sơn hôm nay như “lột xác”. Tôi nhớ hồi xưa muốn đi Trà Vinh hay ngoài tỉnh phải đi mấy tiếng đồng hồ vì đường đi khó khăn. Giờ có việc gì đi Trà Vinh, chạy xe máy chưa đầy 01 tiếng đồng hồ là tới nơi, đường rộng, buổi tối có đèn sáng, khá an toàn cho người đi đường.
Từ sự quyết tâm đến tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, kết quả đạt được hiện nay là động lực để Tập Sơn tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao theo kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.