04/03/2022 05:02
Nhà nước đầu tư đường nông thôn hoàn chỉnh, nông dân Khmer xã Hòa Lợi an tâm ổn định sản xuất, đời sống được cải thiện.
Quán triệt triển khai thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết của Huyện ủy về công tác giảm nghèo, XDNTM, ông Thạch Chiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: đồng bào Khmer toàn huyện chiếm khoảng 34%, nhận thức sâu sắc vấn đề giảm nghèo là rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện đã tận dụng nhiều nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là trong vùng đồng bào Khmer. 100% người nghèo được cấp, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, giúp họ có điều kiện chăm lo sức khỏe, chữa bệnh. Xã hội hóa phong trào “Vì người nghèo”, huy động sức dân để chăm lo cho dân được thực hiện hiệu quả gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, XDNTM...
Góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, chỉ riêng năm 2021, huyện thành lập các đoàn thăm và tặng quà các chùa Phật giáo Nam tông Khmer và gia đình chính sách, cán bộ hưu trí tiêu biểu người dân tộc Khmer nhân dịp Chôl - Chnam - Thmây, Sene - Đôlta, tổng số tiền trên 116 triệu đồng; rà soát, xét chọn và đề nghị công nhận 57 người có uy tín trong đồng bào Khmer; hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho 29 hộ Khmer gặp khó khăn về nhà ở... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng có đông đồng bào Khmer đạt 1,95%, vượt 0,21% so với kế hoạch. Hiện huyện Châu Thành đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Bà Kim Thị Lài, ngụ ấp Hòa Lạc C, xã Lương Hòa A phấn khởi cho biết: từ khi lập gia đình ra riêng, vợ chồng chỉ được trên dưới 500m2 đất vườn để cất nhà ở, gia đình lại đông con, nhiều năm sống trong ngôi nhà lá cũ không có khả năng xây nhà mới kiên cố. Vừa qua, nhờ Nhà nước hỗ trợ xây nhà, gia đình tôi rất phấn khởi; gia đình tôi còn được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành để mua 02 con bò sinh sản, hiện đàn bò phát triển tốt, tôi rất phấn khởi.
Ngoài ra, bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện Châu Thành đã kịp thời hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như xây dựng cầu, đường, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… qua đó, diện mạo nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc được đổi mới, kinh tế từng bước được nâng lên.
Ông Huỳnh Sống Chung, ngụ ấp Ba Tiêu, xã Đa Lộc bộc bạch: ngoài chuyện phấn khởi vì kinh tế gia đình đang dần ổn định thì Nhân dân ở đây cũng rất vui khi nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống chợ cũng được nâng cấp, sửa chữa. Những năm trước, giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, việc học của học sinh còn nhiều hạn chế, giờ thì dễ dàng, thoải mái hơn trước nhiều. Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer trên địa bàn huyện Châu Thành, ngày 27/12/2021, Huyện ủy Châu Thành ban hành Kế hoạch số 49 thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Châu Thành phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong đồng bào Khmer hàng năm đạt hoặc vượt chỉ tiêu tỉnh giao; tỷ lệ đồng bào Khmer tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên. 100% số xã vùng đồng bào Khmer giữ vững xã nông thôn mới; hàng năm có từ 01 - 03 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; tạo việc làm mới cho đồng bào Khmer đạt hoặc vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Tỷ lệ học sinh dân tộc Khmer đi học trong độ tuổi: cấp tiểu học đạt 100%, THCS đạt 99%, THPT đạt 80%. Tỷ lệ hộ đồng bào Khmer được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 99,5%; hỗ trợ 100% hộ đồng bào Khmer thuộc đối tượng chính sách có nhu cầu về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề. 100% số xã vùng đồng bào Khmer vững mạnh về quốc phòng - an ninh. Đảng viên là người dân tộc Khmer chiếm 20% trở lên so với tổng số đảng viên toàn huyện; 100% ấp, khóm có đông đồng bào Khmer đều có đảng viên là người Khmer. Tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đồng bào Khmer cơ bản phù hợp với tỷ lệ dân số ở từng địa phương. Định hướng đến năm 2030, 70% số xã vùng đông đồng bào Khmer đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030. |
Ông Thạch Chiên cho biết thêm: trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào Khmer, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với XDNTM nâng cao. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chính sách hưởng lợi cho đồng bào Khmer từ các chương trình, dự án; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kinh tế - xã hội, ưu tiên những công trình, dự án có tác động đến phát triển sản xuất, sinh hoạt, đời sống của đồng bào Khmer. Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo cho cả giai đoạn và hàng năm. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer nâng cao ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu, chủ động sáng tạotrong lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Triển khai thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường... nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng có đông đồng bào Khmer để giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 06/5/2011 của Chính phủ “về công tác dân tộc”, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín trong đồng bào Khmer làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, hòa giải ở cơ sở. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của huyện hoạt động có hiệu quả, thiết thực, nhất là tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, công tác phòng, chống dịch Covid-19... phát huy các điểm chùa Khmer vừa là nơi tu hành vừa là nơi sinh hoạt văn hóa theo phong tục tập quán, là nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.