21/04/2025 07:34
Giám sát tại kỳ họp, một trong những hình thức giám sát góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri và thực hiện NQ của HĐND (Trong ảnh: Đồng chí Phạm Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Trà Vinh phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 21 - Kỳ họp chuyên đề diễn ra ngày 03/4).
Tổ chức trên 180 đợt giám sát
Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND được Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ mối liên hệ giữa Thường trực, các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND với cử tri, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy vai trò của đại biểu dân cử trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri, củng cố xây dựng sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thời gian qua, Thường trực, các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND phối hợp với UBMTTQ, UBND tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thường lệ tại các đơn vị bầu cử để lắng nghe, giải trình, tiếp thu giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... Từ những vấn đề cụ thể có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đến các vấn đề liên quan chính sách, pháp luật của Nhà nước, NQ của HĐND.
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND ban hành kế hoạch và phối hợp với UBND, Ban Thường trực UBMTTQ tổ chức cho đại biểu HĐND các cấp hơn 16.600 cuộc tiếp xúc cử tri, với khoảng 71.160 lượt ý kiến, kiến nghị, trong đó, có hơn 67.060 ý kiến được giải trình tại buổi tiếp xúc, 4.099 ý kiến được tiếp thu, tổng hợp gửi đến HĐND, UBND và Trung ương xem xét giải quyết.
Trên cơ sở báo cáo của UBND về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND các cấp tổ chức 183 đợt giám sát, với trên 1.160 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri (trong đó, cấp tỉnh 07 đợt, cấp huyện 36 đợt, cấp xã 140 đợt). Qua giám sát, các kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời, trong đó, có nhiều kiến nghị được xem xét giải quyết thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu. Tại các kỳ họp, Thường trực HĐND báo cáo đến đại biểu HĐND nắm, đề nghị UBND thực hiện và báo cáo kết quả tại kỳ họp tới để đại biểu thông tin đến cử tri tại các đợt tiếp xúc.
Trong quá trình xem xét báo cáo của UBND, Thường trực HĐND phân công các ban HĐND thực hiện giám sát các kiến nghị theo nhóm, lĩnh vực ban phụ trách để tăng cường theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri; gợi ý cho các tổ đại biểu và đại biểu HĐND lựa chọn một số vấn đề nổi cộm, bức xúc, được cử tri quan tâm để thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, từ đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết kịp thời, thỏa đáng. Đối với một số kiến nghị do nguyên nhân khách quan, thiếu nguồn lực chưa thực hiện được cũng được tích cực theo dõi, đôn đốc, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cũng như các cấp chính quyền trong việc nghiên cứu giải pháp để giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tổ chức 249 đợt giám sát chuyên đề
Giám sát việc triển khai, thực hiện NQ HĐND là việc xem xét tình hình, kết quả triển khai, thực hiện NQ để đánh giá tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp của các quy định so với quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của tỉnh; phát hiện tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện, từ đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện hệ thống NQ phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để NQ được thực hiện đúng đắn, thống nhất và hiệu quả, HĐND, Thường trực, các ban HĐND tăng cường tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện các NQ đã ban hành. Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND, Thường trực, các ban HĐND các cấp tổ chức 249 đợt giám sát chuyên đề, trong đó: cấp tỉnh tổ chức 09 đợt giám sát, cấp huyện tổ chức 28 đợt giám sát, cấp xã tổ chức 212 đợt giám sát. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 02 đợt giám sát việc triển khai, thực hiện đối với 179 NQ của HĐND tỉnh đang còn hiệu lực.
Trong quá trình giám sát, HĐND, Thường trực, các ban HĐND xem xét toàn diện kết quả thực hiện của từng NQ, đánh giá tính khả thi, phù hợp của các quy định, phát hiện bất cập, khó khăn và xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp, từ đó, kiến nghị giải pháp khắc phục, đảm bảo lợi ích cho người dân và đối tượng thụ hưởng. Kết quả giám sát cho thấy, UBND thường xuyên quan tâm chỉ đạo kịp thời tham mưu xây dựng, trình HĐND xem xét, ban hành NQ thực hiện các văn bản của Trung ương, sửa đổi, bổ sung NQ cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương. Sau mỗi kỳ họp, kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, phân công triển khai thực hiện, sớm đưa NQ đi vào cuộc sống, từ đó, nhiều NQ triển khai thực hiện đảm bảo theo yêu cầu.
Đối với các vấn đề sau giám sát giải quyết chưa dứt điểm, HĐND đề nghị UBND tỉnh báo cáo giải trình làm rõ, đưa vào danh mục NQ cần tiếp tục theo dõi kết quả thực hiện, tái giám sát, đưa vào xem xét tại phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp để cùng đề ra giải pháp, nhiệm vụ giải quyết dứt điểm, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực NQ.
Giám sát là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực, các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND, trong đó, có hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc triển khai thực hiện NQ của HĐND nhằm góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, năng lực lãnh đạo, điều hành quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng sự kỳ vọng, tín nhiệm của cử tri, Nhân dân trong tỉnh. |
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát
Đồng chí Kiên Quân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc triển khai thực hiện NQ của HĐND, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự hướng dẫn của cơ quan cấp trên và sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, địa phương trong thực hiện hoạt động giám sát. Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thường xuyên nghiên cứu, theo dõi, cập nhật kịp thời các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến việc tổ chức hoạt động giám sát. Tiếp tục phát huy các hình thức giám sát theo luật định, như: giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, giám sát tại kỳ họp, tổ chức phiên họp giải trình, chất vấn… để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri và thực hiện NQ của HĐND.
Theo Thường trực HĐND tỉnh, ngoài tổ chức giám sát chuyên đề theo từng NQ, định kỳ hàng năm, Thường trực, các ban HĐND cấp cơ sở cần tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện theo từng nhóm lĩnh vực NQ để kịp thời báo cáo, kiến nghị về trên xem xét có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tăng cường công tác nắm chắc tình hình thực tiễn của địa phương, ý kiến, kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp để chủ động lựa chọn, quyết định vấn đề cần giám sát. Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện NQ quy định cơ chế, chính sách liên quan đến cuộc sống người dân; NQ có vấn đề đang gặp phải vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện và các kiến nghị cử tri kiến nghị nhiều lần, kiến nghị còn tồn đọng giải quyết chưa dứt điểm qua các kỳ giám sát. Quá trình giám sát NQ cần chú trọng ý kiến, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu tác động của NQ để kịp thời xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới trên cơ sở quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Các ban HĐND phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, thực hiện tốt công tác thẩm tra báo cáo giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, xem xét kết quả triển khai thực hiện NQ theo lĩnh vực phụ trách để làm cơ sở cho Thường trực HĐND giám sát. Trường hợp cần thiết tổ chức thu thập thông tin, khảo sát, giám sát, đi sâu đánh giá kết quả thực hiện đối với từng NQ và kiến nghị cử tri đã được các ngành chức năng báo cáo kết quả giải quyết nhưng chưa rõ ràng, thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu.
UBND phối hợp tốt với Thường trực, các ban HĐND trong quá trình giám sát, phân định rõ trách nhiệm và chuyển đúng kiến nghị cử tri, NQ HĐND đến các ngành chuyên môn xem xét, báo cáo kết quả thực hiện theo lĩnh vực phụ trách; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương nâng cao chất lượng triển khai, hướng dẫn, thực hiện NQ và giải quyết kiến nghị của cử tri đảm bảo kịp thời, thỏa đáng, đúng quy định. Việc xây dựng dự thảo NQ về cơ chế, chính sách cần đồng thời với xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện NQ. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện để kịp thời chỉ đạo, báo cáo, đề xuất cấp ủy, HĐND xem xét, quyết định. Chỉ đạo rà soát các NQ hết hiệu lực hoặc các NQ đã được điều chỉnh, bổ sung, thay thế bởi văn bản của Trung ương để thực hiện quy trình công bố, chấm dứt hiệu lực theo quy định.
Ban Thường trực UBMTTQ các cấp tăng cường công tác phản biện, giám sát việc triển khai thực hiện NQ của HĐND, nhất là NQ đã được phản biện trước khi ban hành nhằm kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới cho phù hợp. Tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND trong hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, giám sát việc triển khai thực hiện NQ HĐND; phối hợp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đảm bảo kịp thời, chính xác, chất lượng.
Đại biểu HĐND phát huy tinh thần trách nhiệm, nắm các chủ trương của Đảng, thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri để giải đáp hoặc phản ánh đến cấp có thẩm quyền xem xét. Chủ động theo dõi, giám sát việc thực hiện NQ để phản ánh cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh NQ cho phù hợp. Phối hợp với UBMTTQ tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri đúng thẩm quyền từng cấp, không tổng hợp những kiến nghị đã có quy định cụ thể hoặc đã được UBND, các ngành chức năng trả lời ở các lần tiếp xúc cử tri trước đây.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng chuyên mục để tăng cường hiệu quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc triển khai thực hiện NQ của HĐND về cơ chế, chính sách cũng như công khai, thông tin kết quả trả lời kiến nghị để cử tri biết và tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan, chính quyền quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Ngày 02/4, Đảng bộ Công ty Nhiệt điện Duyên Hải tổ chức Đại hội Đảng bộ lần II, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đánh dấu thêm bước ngoặt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển hoạt động của Công ty.