11/04/2022 07:56
Trang bìa “Đề án Công an nhân dân Việt Nam”, năm 1950. |
Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vùng dậy đánh đổ chính quyền cai trị của Nhật - Pháp và tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng của Nhân dân, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, thiết lập cơ quan chuyên trách bảo vệ cách mạng nằm trong bộ máy chính quyền mới.
Các cơ quan đó, ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng, Sở Cảnh sát, đồng chí Chu Đình Xương - Trưởng ban Tài chính của Xứ ủy Bắc kỳ được cử làm Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ.
Ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Thường vụ Xứ ủy được cử làm Giám đốc Sở Trinh sát Trung Bộ.
Ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc, đồng chí Dương Bạch Mai - Xứ ủy viên, Xứ ủy Nam Bộ được cử làm Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ.
Lúc này hệ thống tổ chức được thành lập đến các tỉnh, huyện. Tuy tên gọi ở 03 miền có khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đó đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Phải nói rằng, các đồng chí ở Nam Bộ đã cho ra đời một tên gọi hoàn toàn mới. Tên gọi đó, phản ánh được chức năng cơ bản là bảo vệ chính quyền cách mạng, kế tục được truyền thống của lực lượng tự vệ do Đảng ta lập ra trong các thời kỳ lịch sử từ Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 đến năm 1945 như: “Đội Tự vệ đỏ”, “Công nông tự vệ đội”, “Tự vệ cứu quốc”, “Ban Công tác đội”,... Tên gọi “Quốc gia tự vệ cuộc” khác hoàn toàn những tên gọi của các cơ quan đàn áp trước đây của địch: cảnh sát, mật thám,… mà những cái tên đó, vốn đã để lại trong lòng Nhân dân ta những thành kiến nặng nề.
Sau bầu cử Quốc hội ngày 06/01/1946, do yêu cầu bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ trước sự tấn công của thù trong giặc ngoài, nhất là trong tình hình có Chính phủ liên hiệp, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương chủ trương củng cố cơ quan chuyên trách bảo vệ cách mạng, tiến hành sát nhập các Sở Liêm phóng, Sở Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc trong cả nước thành một lực lượng có tên gọi chung, có sự chỉ huy thống nhất.
Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp nhất các lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát trong toàn quốc thành “Việt Nam Công an vụ” và cử đồng chí Lê Giản phụ trách Việt Nam Công an vụ. Thực hiện sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ Sở Liêm phóng đổi thành Sở Công an Bắc Bộ, ở Trung bộ Sở Trinh sát đổi thành Sở Công an Trung bộ, ở Nam Bộ Quốc gia tự vệ cuộc đổi thành Sở Công an Nam Bộ; ở các tỉnh, thành phố có Ty Công an. Cái tên “Công an” ra đời từ đó. Từ đây, trong đời sống ngôn ngữ của Việt Nam xuất hiện một thuật ngữ mới, thuật ngữ Công an với nội dung là một bộ phận của bộ máy Nhà nước, một Ngành hoạt động, một mặt công tác đặc trách chăm lo giữ gìn an ninh của đất nước, an toàn, ổn định cho xã hội,…
Là Người từng đối mặt thắng lợi trong nhiều chục năm với cơ quan mật thám, cảnh sát, liêm phóng của thực dân đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ hơn bản chất của chúng là đối nghịch với Nhân dân. Đó chính là chỗ yếu nhất của các cơ quan đàn áp của địch. Là Người đứng đầu, Người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác cho rằng Công an của ta là Công an cách mạng, chỗ địch yếu nhất thì phải là chỗ mình mạnh nhất. Nghĩa là Công an của ta phải là Công an của Nhân dân, phải vì Nhân dân mà làm việc, phải dựa vào dân để có sức mạnh. Ngay trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII (ngày 11/3/1948) về tư cách người Công an cách mệnh, Người đã viết “Công an của ta là công an nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ, dựa vào dân mà làm việc…”.
Trong Thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (diễn ra từ ngày 08 đến ngày 15/01/1950 tại Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những quan điểm về xây dựng bộ máy Công an nhân dân. Lần này Người nói rõ hơn, Người dùng về “Xây dựng bộ máy Công an nhân dân”. Quán triệt tư tưởng của Người, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V đã xây dựng và thông qua nhiều Đề án quan trọng; đặc biệt, trong đó có “Đề án Công an nhân dân”.
Liền sau đó, Ngành Công an đã phát động sâu rộng trong toàn quốc phong trào học tập và xây dựng lý luận Công an nhân dân. Phong trào đã nhận được sự tham gia có chiều sâu của đông đảo cán bộ, nhân viên Công an và sự cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể quần chúng.
Ngày 05/5/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 10-CT/TW về “Đảng lãnh đạo Công an” đã coi “Đề án Công an nhân dân” của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V là một tài liệu chính thức cần tuyên truyền rộng rãi trong Đảng và trong Nhân dân. Cái tên “Công an nhân dân” được ra đời từ đó. Sự kiện này không chỉ là một sự hoàn thiện tên gọi mà phải được coi là một sự khởi sắc toàn diện, khởi sắc về nhận thức, khởi sắc về lý luận, khởi sắc trong quan hệ Công an với Nhân dân.
Từ Liêm phóng, Trinh sát, Quốc gia tự vệ cuộc đến Công an rồi Công an nhân dân, đó là quá trình vận động để cho tên gọi phản ánh được gần với bản chất của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần giáo dục chúng ta phải thấy cho rõ chỗ khác nhau cơ bản giữa Công an của ta và mật vụ công an của địch. Chỗ khác nhau cơ bản đó, quyết định bản chất Công an ta là Công an nhân dân, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ, dựa vào Nhân dân để có sức mạnh chiến thắng mọi đối tượng xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
“Bản mệnh” của Công an là Nhân dân. Sức mạnh Công an là sức mạnh lòng dân. Nếu để suy giảm lòng dân là chúng ta sẽ suy giảm bản chất của chính mình. Chính lúc đó, chúng ta đang đứng trước nguy cơ lớn lao hơn bất kỳ nguy cơ nào khác.
LÊ CHÍ CƯỜNG
Vừa qua, tại hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III/2024, với chủ đề “Phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia XDNTM, nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu”, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay nhằm nâng cao chất lượng các tiêu XDNTM, NTM nâng cao, NTM mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Trà Vinh đã lược ghi những cách làm hiệu quả của Mặt trận các địa phương trong tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.